Lũ lịch sử càn quét Nghệ An - tiếng kêu cứu từ bản Crai
Trưởng bản Crai, xã Tương Dương (tỉnh Nghệ An) dùng máy điện thoại của một người dân trên địa bàn lên mạng xã hội phát trực tiếp, thông tin về trận lũ lịch sử cùng bà con chạy đua với nước lũ dâng cao bất ngờ trong đêm 22/7.
XEM VIDEO CLIP: TRƯỞNG BẢN CRAI PHÁT TRỰC TIẾP
Trưởng bản Crai lên mạng xã hội livestream về trận lũ lịch sử quét qua Tương Dương (Nghệ An).
Hôm nay 23/7, chị Lê Thị Hoàn, một doanh nghiệp tư nhân ở xã Tương Dương (Nghệ An) chia sẻ trên mạng xã hội: "Phía trước nhà tan hoang, bản làng nhà cửa trôi hết. Gia đình có khoảng 1.000 két bia đều bị trôi xuống sông. Bao nhiêu cây cối dồn dập trước cửa nhà. Khó khăn chồng chất khó khăn.
Khi thủy điện thông báo xả lũ lúc 1 giờ sáng (23/7) là người dân vội vàng chạy lên cao lánh nạn. Bây giờ trở về nhà không còn chi hết. Chiếc xe máy trôi dạt đi đâu cũng không nhìn thấy.

Hoang tàn sau khi lũ quét qua Quốc lộ 7A. Ảnh: Hải Vân
"Biết mất tài sản nhưng không dám quay lại để vớt vát. Mong cả làng, cả nước hướng về bản Crai giúp đỡ chúng tôi với" - chị Lê Thị Hoàn kêu gọi hỗ trợ sau khi lánh nạn trên núi về nhà.
Ông Nguyễn Hữu Trung - tự giới thiệu là trưởng bản Crai, xã Tương Dương (tỉnh Nghệ An) cho biết, từ khi sinh ra lớn lên gần 60 tuổi, chưa thấy một trận lũ lịch sử nào như hôm nay. Toàn bộ gốc cây dồn xuống cầu treo, các nhà dân trôi xuống sông Nậm Mô gồm: Đậu Thị Hợi, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Thống.

Nước ngập Quốc lộ 7A.
Riêng trên Quốc lộ 7A cây cối, rác bạt ngàn. Toàn bản Crai 100% các hộ đều bị ngập hoàn toàn. Tài sản thiệt hại chưa thể thống kê cụ thể. Chưa bao giờ chứng kiến nhiều gỗ bay thẳng lên Quốc lộ 7A như thế này. Bản Crai coi như bị xóa sổ trước trận lũ khủng khiếp.

Nước lũ dâng cao sau khi thủy điện đồng loạt xả lũ.
"Nước từ thủy điện Bản Vẽ; Bản Ang đổ dồn về khiến bản Crai trở thành một dòng sông thứ 2 (bên cạnh sông Nậm Mô). Nước chảy mạnh không ai ngăn cản nổi. Chúng tôi chỉ biết thông báo cho tất cả mọi người dân di dời lên đồi núi cao. Toàn bộ tài sản không kịp mang theo, để mặc nước cuốn. Đời người chưa bao giờ nhìn thấy, có những người sống gần 80 tuổi cũng lần đầu tiên thấy cảnh này" - ông Trung xót xa kể.

Nước ngập sâu tận nóc nhà dân ở Quốc lộ 7A. Ảnh: Hải Vân
Riêng nhà chị Đậu Thị Hợi mọi người huy động dọn đồ lên cao cả ngày. Tuy nhiên, sau khi thủy điện xả lũ 7.000m3/giây kết hợp với nước thủy điện Bản Ang về trở thành một dòng sông nên ngôi nhà không thể trụ lại được.
Trưởng bản Crai than khi quay phát trực tiếp: "Dân Crai nghèo rồi, nghèo trở lại rồi... Mất hết tất cả. Từ khi nhỏ đến giờ làm là mất hết, không còn một cái gì nữa. Trong đêm tôi huy động 2 mũi, một di dời khoảng 100 nhân khẩu lên đồi cao. Riêng tài sản bên dưới không nghĩ đến. Không còn một tý nào tài sản nữa. Hoàn toàn trắng tay hết".
Thêm người tử vong và mất tích do lũ ở Nghệ An
Theo báo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An cho biết, từ báo cáo nhanh của các UBND xã: Bạch Ngọc, Nhôn Mai, Keng Đu, Đông Thành, Quang Đồng, Vĩnh Tường, Yên Thành, Hữu Kiện, Tam Thái, Châu Bình, Nghĩa Hưng, Tam Hợp, Quế Phong, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Yên Hòa, Na Loi, An Châu, Tiền Phong, Nga My, Nghĩa Thọ, Quỳnh Phú, Yên Na, Quảng Châu, Nậm Cắn, Mường Xén, Nghĩa Đàn.

Người dân ở miền Tây Nghệ An bàng hoàng trước cơn lũ lịch sử chưa từng thấy.
Tiếp tục có thông tin 1 người bị tử vong tại xã Nhôn Mai là bà Bà Vừ Y Xìa, 78 tuổi, thường trú tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai bị đất, đá vùi lấp lán đè chết. Hiện chính quyền địa phương phối hợp với gia đình tổ chức mai táng.
Ngoài ra có 4 người bị thương ở các xã Yên Thành, Nghĩa Đàn, Nậm Cắn, nay người ở xã Yên Thành đã về nhà.

Nước ngập sâu Quốc lộ 7A đoạn qua xã Tương Dương. Ảnh: Hải Vân
Một người bị mất tích do nước cuốn vào lúc 16 giờ ngày 22/7/2025, tại Khe Huồi Yên, Bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn là Bà Lỳ Y Dinh, 70 tuổi, thường trú tại Bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn.
Hiện chính quyền địa phương phối hợp với đồn Biên phòng, các lực lượng trên địa bàn và gia đình tìm kiếm người bị nạn.

Toàn bộ đồ dùng bị chìm trong nước lũ. Ảnh: Hải Vân

Hàng hóa của người dân ở xã Tương Dương bị chìm trong biển nước. Ảnh: Hải Vân
Riêng thiệt hại về nhà ở có 417 nhà (các xã: Bạch Ngọc, Quang Đồng, Yên Thành, Vĩnh Tường, Châu Bình, Nhôn Mai, Yên Hòa, Na Loi, Hữu Kiệm, Mường Xén, Yên Na, Nậm Cắn, Lượng Minh, tri Lễ).
Nhà bị ngập nước 3.237 nhà (các xã: Tương Dương 2.210 hộ, Con Cuông: 340 hộ, Tam Quang 145 hộ, Mường Xén 528 , Cam Phục: 11 hộ, Nghĩa Đàn 3 hộ). Bên cạnh đó 1 điểm trường mái che bị tốc mái.
Nghệ An tiếp tục chỉ đạo phương châm "bốn tại chỗ"
Trước diễn biến sau cơn bão số 2, tỉnh Nghệ An chỉ đạo cần tiếp tục tập trung triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão, mưa lũ do hoàn lưu bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, hoàn lưu bão gây ra.
Bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo: Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ vào.
Kiên quyết sơ tán, không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trước và trong khi bão đổ bộ.
Bảo đảm an toàn khu vực ven biển và trên đất liền: Tiếp tục rà soát các khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Gia cố, bảo vệ nhà xưởng, công trình hạ tầng (hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện,…) và có biện pháp khắc phục nhanh sự cố, duy trì hoạt động, không để gián đoạn trước, trong và sau bão.