Lũ lịch sử tại Nghệ An: Lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ vượt thiết kế

Lưu lượng nước kỷ lục vượt vượt xa mức lũ thiết kế đang đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ đồng thời với một đợt lũ lớn, gây chia cắt nhiều khu dân cư tại các xã phía Tây Nghệ An.

Một đợt lũ lịch sử đang ồ ạt đổ về các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An sau những đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và nước từ thượng nguồn Lào. Lưu lượng lũ đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ đã vượt mức thiết kế, khiến hàng nghìn hộ dân phải cấp tập sơ tán trong đêm, nhiều khu vực bị nhấn chìm, Quốc lộ 7 tê liệt hoàn toàn. Trước tình hình khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện hỏa tốc, yêu cầu tập trung mọi nguồn lực để ứng phó.

Người dân chạy lũ trong đêm

Trong đêm 22 và rạng sáng ngày 23/7, nước lũ từ sông Nậm Mộ dâng lên với tốc độ kinh hoàng, nhấn chìm nhiều khu vực thuộc các xã Kỳ Sơn và Tương Dương.

Tại xã Mường Xén, nhiều nhà dân đã bị ngập sâu từ 2 - 3 mét. Nước lên quá nhanh khiến người dân không kịp trở tay, hối hả di dời tài sản, chạy lũ trong đêm. "Nhiều hộ không kịp di dời, toàn bộ tài sản trong nhà đã bị lũ cuốn trôi", ông Nguyễn Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén cho biết. Rất may, người dân ở vùng ngập sâu đã được sơ tán từ trước nên đảm bảo an toàn về người.

Tình hình tại xã Mỹ Lý cũng hết sức nghiêm trọng khi 7 bản làng dọc sông bị cô lập hoàn toàn. Ghi nhận ban đầu cho thấy gần 20 ngôi nhà sàn đã bị ngập đến tận nóc. Công tác cứu hộ gặp vô vàn khó khăn do đường sá bị sạt lở và ngập sâu.

Quốc lộ 7 bị chia cắt

Trên tuyến Quốc lộ 7, đoạn qua xã Mường Xén, một chiếc xe khách giường nằm chở khoảng 20 hành khách đã bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ và các điểm sạt lở. Lo sợ nguy hiểm, nhà xe đã gọi điện cầu cứu. Do trời tối và nước chảy xiết, lực lượng chức năng không thể tiếp cận ngay lập tức mà chỉ có thể hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn qua điện thoại. Đến sáng ngày 23/7, toàn bộ hành khách và nhà xe đã được xác nhận an toàn.

Do nước sông Nậm Mộ dâng cao, lên nhanh nên Quốc lộ 7 qua địa bàn xã Mường Xén đã có 2 điểm khác bị ngập, chiều dài hơn 100m, mực nước sâu gần 1m. Quốc lộ 7 chạy qua địa bàn xã Tương Dương cũng có nhiều điểm ngập, các phương tiện không thể di chuyển trong điều kiện ban đêm. Tại xã Tam Quang, đoạn chạy qua địa bàn làng Nhùng, mực nước sông Lam dâng cao tràn, ngập Quốc lộ 7 từ 50-80cm. Một số điểm thấp trũng trên tuyến Quốc lộ 7 qua địa bàn các xã Mường Xén, Tam Quang, Tương Dương… trong đêm khuya 22/7 bắt đầu xuất hiện ngập úng cục bộ. Tại xã Tương Dương, lúc gần 1 giờ ngày 23/7, cầu treo bắc qua sông Nậm Mộ, nối Quốc lộ 7 sang di tích Đền Vạn - Cửa Rào đã bị nước lũ làm đổ sập cột trụ, hư hỏng nghiêm trọng. Hiện tại, Quốc lộ 7 vẫn đang bị chia cắt, nhiều điểm ngập sâu tới 1,5 mét.

Lưu lượng nước kỷ lục đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ

Theo thông báo khẩn của UBND tỉnh Nghệ An và số liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình tại hồ thủy điện Bản Vẽ đang ở mức báo động cao nhất. Vào lúc 22 giờ 45 ngày 22/7, lưu lượng lũ đổ về hồ đạt 10.044 m³/s, vượt xa mức lũ thiết kế (7.770 m³/s).

Trước đó, theo thông tin từ Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa rất lớn tại vùng núi phía Tây của tỉnh Nghệ An với lượng mưa phổ biến từ 120 - 200mm, nhiều nơi trên 300mm (trong 24 giờ qua), đồng thời mưa lớn đã và sẽ tiếp tục xảy ra trên thượng nguồn sông Cả thuộc lãnh thổ Lào.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và giảm lũ cho hạ du, Thủy điện Bản Vẽ đã phải tiến hành xả lũ. Điều này khiến mực nước các sông ở hạ lưu như tại huyện Tương Dương dâng lên nhanh chóng, gây ngập lụt trên diện rộng với hàng trăm nhà dân bị ảnh hưởng.

Sáng 23/7, Thủy điện Bản Vẽ tiếp tục điều tiết lũ. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Thủy điện Bản Vẽ đã cắt giảm lưu lượng xả.

Thủ tướng ra công điện hỏa tốc, chỉ đạo ứng phó khẩn cấp

Ngay trong đêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh Nghệ An tập trung tối đa cho công tác ứng phó.

Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo, xây dựng các phương án xấu nhất để bảo vệ tính mạng người dân và an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là đập thủy điện Bản Vẽ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu IV và các lực lượng tại chỗ triển khai phương tiện, vật tư sẵn sàng hỗ trợ địa phương cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực trọng điểm. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, phối hợp với địa phương để đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều. Bộ Xây dựng chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông, sẵn sàng khắc phục các sự cố sạt lở.

Công điện nhấn mạnh nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các sườn dốc và yêu cầu không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nguyên nhân chính gây ra trận lũ lịch sử này là gì?

Lũ là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa rất lớn tại vùng núi phía Tây Nghệ An, kết hợp với lượng nước khổng lồ từ thượng nguồn sông Cả trên lãnh thổ Lào đổ về.

Tình hình thiệt hại ban đầu như thế nào?

Hàng trăm nhà dân bị ngập sâu, nhiều tài sản bị cuốn trôi. Quốc lộ 7 bị chia cắt, nhiều khu vực bị cô lập. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại nhưng được xác định là rất nghiêm trọng. May mắn là công tác sơ tán kịp thời đã đảm bảo an toàn về người. Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đang tập trung tối đa cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả với yêu cầu không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thủy điện Bản Vẽ có an toàn không?

Thủy điện Bản Vẽ đang đối mặt với thử thách lịch sử khi lưu lượng lũ về vượt thiết kế. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đang vận hành xả lũ theo quy trình để đảm bảo an toàn cho công trình và cắt giảm lũ cho hạ du. Thủ tướng đã chỉ đạo đặc biệt về việc đảm bảo an toàn cho đập thủy điện này.

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lu-lich-su-tai-nghe-an-luong-nuoc-do-ve-ho-ban-ve-vuot-thiet-ke-348505.htm