Lũ lụt chưa từng có ở Pakistan: Hơn 1/3 diện tích quốc gia chìm dưới nước
Hàng triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử ở Pakistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Hãng tin CNN (Mỹ) mới đây đưa tin, theo hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, lũ lụt nghiêm trọng đã khiến hơn 1.300 người ở Pakistan thiệt mạng kể từ giữa tháng 6 và đến cuối tháng 8, hơn 1/3 diện tích đất nước này chìm dưới nước .
Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết, cho đến nay, Pakistan đã bị thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, với 33 triệu người bị ảnh hưởng. Bà gọi đợt lũ lụt lần này là "chưa từng có" và là "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thập kỷ này".
Phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề
Con gái của Kainat Solangi chào đời vào ngày 14/8, đúng ngày trời mưa như trút nước và cũng kể từ đó, mưa dường như không ngừng rơi, khiến gia đình cô bị mắc kẹt trong một căn lều tạm bợ trên một dải đất mỏng bao quanh bởi dòng nước dữ.
Gia đình tám người nhà cô đã dựng nơi trú ẩn tạm bằng đồ đạc và khăn trải giường, bất cứ thứ gì họ có thể vớt được từ ngôi nhà bị lụt ở làng Rijepur, tỉnh Sindh.
Ngồi ôm cô con gái chưa đầy tháng, Solangi cho biết, cô hiện không đủ tiền mua thuốc và giờ đây, cô cùng năm người con khác của mình đang đói và bị cô lập do nước lũ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ và trẻ em đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong trận lũ lụt tồi tệ nhất ở Pakistan do không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Đại diện của WHO tại Pakistan, Tiến sĩ Palitha Gunarathna Mahipala, cho biết khoảng 10% cơ sở y tế của nước này đã bị thiệt hại do lũ lụt. Ông đặc biệt lo lắng cho 1,2 triệu phụ nữ mang thai phải di dời do nước lũ.
Tỷ lệ bệnh nhân bị sốt rét tăng cao
Trên khắp Pakistan, những người như Solangi đang sống sót nhờ khẩu phần ăn của các nhân viên cứu trợ trong khi chờ nước rút. Khoảng 10 gia đình đang quây quần bên nhau, cùng với gia đình Solangi, trên dải đất có thời điểm chỉ rộng chưa đầy năm mét.
Ruồi bay xung quanh khuôn mặt lũ trẻ khi chúng ngủ, trong khi muỗi mang theo mối đe dọa của bệnh sốt rét nguy hiểm, đôi khi dẫn đến tử vong.
"Một phụ nữ đến đây và đảm bảo rằng chúng tôi sẽ được cung cấp màn chống muỗi nhưng cô ấy chưa quay lại", Solangi nói. "Tôi vẫn đang chờ đợi điều đó. Họ cũng đăng ký tên tôi rồi".
Tiến sĩ Mahipala cho biết WHO đã nhận thấy, các trường hợp sốt rét, thương hàn, nhiễm trùng da, mắt và đường hô hấp đang trở nên phổ biến hơn.
Ông nói: "Chúng tôi lo ngại rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở tỉnh Sindh khi lũ lụt đang đổ về".
WHO ước tính có khoảng 634.000 người Pakistan đang sống trong các lán trại tạm nhưng con số đó có thể cao hơn vì quá khó để tiếp cận một số khu vực.
Loạt hình ảnh người dân Pakistan bị cô lập bởi lũ lụt