Lũ lụt khiến 33 triệu dân bị ảnh hưởng, Pakistan cầu cứu thế giới
Pakistan đang kêu gọi sự trợ giúp quốc tế sau khi hàng loạt đợt lũ lụt từ tháng 6 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và 33 triệu người dân bị ảnh hưởng. Cuộc khủng hoảng khí hậu buộc chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Reuters đưa tin, hàng chục nghìn người dân Pakistan ở miền Bắc nước này hôm 27/8 đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi nước sông dâng cao phá hủy một cây cầu lớn, trong khi lũ lụt cũng đang càn quét phần lớn lãnh thổ đất nước.
Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Sherry Rehman cho biết, mưa lớn lịch sử và lũ lụt ở Pakistan đã ảnh hưởng đến khoảng 33 triệu người trong vài tuần qua. Bà cho biết, thách thức cấp bách nhất vào lúc này là cứu người dân khỏi vùng lũ, dựng lều trại và hỗ trợ thực phẩm.
"Đây là một thảm họa nhân đạo quy mô lớn với hàng nghìn người không có nơi ở, không có thức ăn và bị mắc kẹt", bà nói, theo CBC News.
Lũ lụt tại Pakistan khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Nguồn: CBS News
Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif đã lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ từ quốc tế, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ nước này đang vật lộn để hỗ trợ người dân. Theo ông Salman Sufi, quan chức Bộ Nội vụ Pakistan, Mỹ, Anh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng nhiều nước khác đã góp sức cùng Pakistan ứng phó với lũ lụt, song nước này cần nhiều nguồn tài trợ hơn, theo BBC.
AP dẫn lời của bà Sania Safi, quan chức ở huyện Charsadda, cho biết phía tây bắc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, lũ lụt đã phá hủy cửa của hệ thống kiểm soát nước lớn ở sông Swat, dẫn đến tình trạng nước dâng cao ở các quận Charsadda và Nowshera.
"Chúng tôi đã lường trước tình huống này, đồng thời cảnh báo và buộc những người dân đang chần chừ rời ở lại phải nhanh chóng rời khỏi nhà của họ để đảm bảo an toàn. Họ sẽ đến các trại cứu trợ do chính phủ thiết lập ở những khu vực an toàn", bà Safi nói.
Quan chức này cho biết, sông Swat và Kabul có thể sẽ dâng cao hơn nữa, làm tăng thêm nỗi khốn khổ của cư dân - những người đã phải chịu thiệt hại về người và tài sản.
Tại thành phố Nowshera, ông Quratul Ain Wazir, quan chức địa phương, cho biết nước lũ đã nhấn chìm các đường phố và chảy xiết hướng về các khu vực trũng thấp.
Ông Khushal Wahab, một cư dân sống trong một khu phố ngập nước ở Nowshera, cho biết trận lũ lụt thảm khốc đang diễn ra giống như thảm họa từng xảy ra vào năm 2010.
“Mọi người đang sợ hãi", ông nói.
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Maryam Aurangzeb cho biết, lực lượng quân đội và các tổ chức cứu hộ đang sơ tán người dân ở nhiều huyện thuộc miền nam Sindh, tây bắc Khyber Pakhtunkhwa, đông Punjab và các tỉnh tây nam Baluchistan đến khu vực an toàn.
“Chính phủ đã triển khai quỹ để hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Chúng tôi sẽ không để người dân phải một mình chống chọi trong thời điểm khó khăn này", bà nói.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Asim Iftikhar, đáp lại lời kêu gọi viện trợ quốc tế của Thủ tướng Sharif, Liên Hợp Quốc đã lên kế hoạch kêu gọi quyên góp 160 triệu USD vào ngày 30/8.
Lũ lụt đã càn quét qua nhiều khu vực trên toàn quốc. Thung lũng Kalam - từng được mô tả đẹp như tranh vẽ ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa - trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Nước lũ từ các con sông tràn qua đã cuốn trôi toàn bộ các tòa nhà, bao gồm cả khách sạn New Honeymoon - biểu tượng du lịch của vùng.
“Tình hình khá nghiêm trọng vì chúng tôi không còn bất kỳ đường nào nối với phần còn lại của tỉnh. Chúng tôi không có điện, gas và mạng lưới liên lạc. Lực lượng cứu trợ hiện không thể tới đây”, ông Muzaffar Khan, chủ một cửa hàng tạp hóa có nhiều đồ đạc bị cuốn trôi, chia sẻ.
Theo các nhà chức trách ứng phó thảm họa, rủi ro lũ lụt xung quanh các con sông đã khiến khoảng 180.000 người ở huyện Charsadda phải rời bỏ nhà, trong khi hàng loạt gia đình cùng gia súc phải dựng lều trú mưa trên đường cao tốc.
Tại Baluchistan, ông Asadullah Nasir, người phát ngôn của cơ quan ứng phó thiên tai của tỉnh, cho biết tất cả 34 huyện của tỉnh này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lớn và lũ lụt. Ông cho biết mạng lưới giao thông đường bộ đã bị phá hủy và các cây cầu bị cuốn trôi. Quan chức tỉnh đã xác nhận 235 người chết, nhưng con số dự kiến sẽ tăng đáng kể sau khi mạng lưới thông tin liên lạc được khôi phục.
Ở phía đông tỉnh Punjab, huyện Rajan Pur và huyện Dera Ghazi Khan ghi nhận mức ảnh hưởng nặng nề nhất, khi hàng nghìn ngôi nhà bằng gạch và bùn đã bị nước tràn vào, hầu hết bị phá hủy hoàn toàn hoặc ít nhất là bị phá hủy một phần.
Trong lúc này, những người dân mất nhà cửa chỉ biết tìm nơi trú ẩn ở những khu đất cao hơn và chờ đợi hàng hóa cứu trợ. Ông Rahim Hasan, 52 tuổi, cho biết ông đã mất nhà và 2 con - một con gái và một con trai lần lượt 14 và 16 tuổi.
“Tôi không còn gì trên cuộc đời này. Nhà cửa thì bị phá hủy, còn các con tôi bị nước lũ cuốn trôi. Giờ chúng tôi đang nằm bơ vơ trên con đường này, dưới bầu trời rộng lớn, nơi những người lính đang hỗ trợ chúng tôi”, ông nói với AP.
Cuộc khủng hoảng buộc chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai lực lượng quân đội hỗ trợ người dân. Trong khi đó, mưa lớn được dự báo sẽ tiếp tục trong tuần này, chủ yếu ở phía nam và tây nam của đất nước. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 7 đến giữa tháng 9 ở Pakistan.