Lũ lụt miền Bắc: Những chuyến xe chở nghĩa tình

Những chuyến xe từ thiện hướng về các vùng lũ miền Bắc không chỉ chở áo phao, nước uống, thức ăn mà còn chở nghĩa tình của đồng bào cả nước.

Người dân cả nước hướng về bà con chịu hậu quả nặng nề bởi lũ lụt ở phía Bắc. (Nguồn: VOV)

Người dân cả nước hướng về bà con chịu hậu quả nặng nề bởi lũ lụt ở phía Bắc. (Nguồn: VOV)

Những chuyến xe hướng về miền Bắc

Ngày 11/9, ghi nhận tại nhiều địa phương, những chuyến hàng cứu trợ mang theo triệu tấm lòng của người dân cả nước đã hướng về vùng lũ các tỉnh phía Bắc, chia sẻ với bà con đang đối mặt khó khăn, thiếu thốn.

Trước tác động của cơn bão số 3 cũng như hoàn lưu lũ khiến các tỉnh phía Bắc đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo thông tin cập nhật hàng ngày trong hệ thống từ các địa phương, hiện tất cả các tỉnh đều cần sự chung tay hỗ trợ của đồng bào cả nước cũng như các tổ chức quốc tế. Tình người, sự đoàn kết, sự chung tay chia sẻ của người dân với bà con vùng lũ gây xúc động mạnh.

Trước những mất mát miền Bắc phải gánh chịu từ sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên, hàng triệu trái tim người dân trên khắp mọi miền đất nước đang đồng lòng hướng về đồng bào vùng lũ. Mỗi hành động chung tay, mỗi sự góp sức dù nhỏ đều mang theo tình cảm sẻ chia.

Những chuyến xe không chỉ chở quần áo, thức ăn, nước uống mà còn chở nghĩa tình của người dân khắp mọi miền cùng chung tay chia sẻ với những mất mát của miền Bắc.

Trên khắp tỉnh, nhiều căn bếp nhỏ đã trở thành trung tâm của các hoạt động cứu trợ. Bà con phường Phú Hải (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) đã chuẩn bị hơn 500 hộp thịt sả ruốc, trong khi các cơ sở khác như làng chài Minh Xích đóng góp 500 hộp cá cơm rim và nhiều loại thuốc men cần thiết. Các món ăn và nhu yếu phẩm này được gửi đến những người dân vùng lũ, mang theo sự quan tâm chân thành và hy vọng giúp họ vượt qua khó khăn.

Trước đó, vào ngày 9/9, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Nghệ An đã thành lập đội thanh niên tình nguyện với 100 tình nguyện viên để khắc phục hậu quả cơn bão Yagi tại Hải Phòng. Sáng 11/9, những chiếc thuyền nan của ngư dân xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã có mặt tại sân vận động Mỹ Đình, sẵn sàng chuyển các vật phẩm cứu trợ tới các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai để tham gia vào công tác cứu nạn và cứu hộ. Tại tỉnh Đắk Lắk, hình ảnh hai xe tải trọng 18 tấn chở đầy nhu yếu phẩm đậu tại Quảng trường 10/3, TP. Buôn Ma Thuột gây xúc động.

Tại các tỉnh Yên Bái và Lào Cai, nhiều khu vực hoàn toàn bị cô lập, người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nước sạch. Dù mưa lũ vẫn tiếp tục trút xuống, điều kiện đi lại khó khăn nhưng những bữa cơm, món ăn đầy tình nghĩa từ khắp mọi nơi vẫn được gửi đến các vùng lũ, mang theo không chỉ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu mà còn là sự động viên, tiếp sức để cùng nhau vượt qua giông bão.

Ngày 10/9, dù không thể đến lớp vì ảnh hưởng của mưa lũ, giáo viên tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã cùng với bà con nhân dân tận tâm chuẩn bị hơn 600 suất cơm và 1.200 chai nước lọc để gửi đến những gia đình vùng lũ tại TP. Yên Bái.

Tại Lào Cai, hàng chục nghìn suất xôi, cơm từ các cơ sở kinh doanh và người dân đã được gửi đến cho những người bị ảnh hưởng bởi lũ và các lực lượng cứu nạn. Một nhà hàng tại Thanh Hóa sẵn sàng mời cơm miễn phí cho những đoàn từ thiện đi qua dừng nghỉ tại địa bàn... Và còn nhiều câu chuyện đẹp khác nữa về tình người, sự chia sẻ trong mùa lũ.

Người dân TP Vinh (Nghệ An) gói bánh chưng gửi ra miền Bắc. (Ảnh: Q.H)

Người dân TP Vinh (Nghệ An) gói bánh chưng gửi ra miền Bắc. (Ảnh: Q.H)

Để hàng cứu trợ đến được tận tay người cần

Cứu trợ trong và sau thiên tai không chỉ là việc làm từ thiện mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Việc cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men là cấp thiết, nhưng quan trọng hơn là giúp người dân xây dựng lại cuộc sống, khôi phục sản xuất. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong quá trình cứu trợ.

Để đảm bảo công tác cứu trợ đến đúng địa điểm, đúng đối tượng, các đoàn cứu trợ địa phương vùng lũ cần chú ý phối hợp với chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn. Theo ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Công tác xã hội và Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nguyên tắc an toàn chung khi các đoàn cứu trợ tới các địa phương, trước hết là muốn cứu trợ, đảm bảo an toàn cho người khác cũng cần bảo vệ cho chính mình.

Muốn vậy, cần trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và phải hành động căn cứ vào cảnh báo, dự báo và biển báo của các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Thiên tai, Ban chỉ huy của các địa phương. Bên cạnh đó, lưu ý các kỹ năng khi làm việc nhóm. Bảo đảm tính kết nối giữa các thành viên trong đoàn cứu trợ với nhau và với những người dân địa phương để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như an toàn cho người được cứu trợ.

Cũng theo ông Trần Sỹ Pha, các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ. Bởi ở đó, có các số liệu thống kê về tình hình thiệt hại, nhu cầu cấp bách nhất của những nơi bị ảnh hưởng. Đồng thời, các tình nguyện viên của Hội chữ thập đỏ đều được đào tạo các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc tiếp cận hiện trường, cũng như có những kiến thức, kinh nghiệm hỗ trợ những người dân khi bị tác động bởi thiên tai.

Để thực hiện tốt công tác cứu trợ, việc huy động nguồn lực và công tác điều phối đóng vai trò rất quan trọng. Các đoàn cứu trợ cần xác định được nhu cầu của từng cộng đồng và tại mỗi thời điểm khác nhau, nhu cầu khác nhau. Đã từng có những trường hợp thiệt mạng của những thành viên đoàn cứu trợ trong lúc bão lũ. Vì vậy, những người tham gia phải hiểu và thực hiện đúng những quy định và nguyên tắc để có thể đảm bảo an toàn.

Đội xuồng hơi cứu hộ - cứu nạn Đà Nẵng lên đường ứng cứu người dân vùng lũ phía Bắc. (Ảnh: Minh Việt)

Đội xuồng hơi cứu hộ - cứu nạn Đà Nẵng lên đường ứng cứu người dân vùng lũ phía Bắc. (Ảnh: Minh Việt)

Hiện nay, nhiều cá nhân và tổ chức đang tích cực tham gia cứu trợ tại các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Để hoạt động này được nhanh chóng và hiệu quả nhất, tránh tình trạng "nơi thừa, chỗ thiếu" hoặc các nhu yếu phẩm khi đến tay bà con thì đã hỏng, có chuyên gia cho rằng, nên tìm hiểu người dân ở đó đang thực sự cần gì cấp thiết và có khoảng bao nhiêu hộ dân. Việc tìm hiểu nhu cầu này rất quan trọng, nếu không sẽ rơi vào trường hợp người dân nhận được nhiều đồ ăn hơn mức cần thiết, trong khi cái họ cần là được hỗ trợ tài chính sau lũ để ổn định cuộc sống và sinh hoạt hơn.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai, nếu muốn tới vùng lũ cứu trợ, bắt buộc người dân phải hiểu và có kỹ năng, tránh biến chính mình thành người cần ứng cứu. Đối với giai đoạn cứu hộ, TS. Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo những lực lượng chuyên trách mới thực hiện công tác này, người dân hoặc lực lượng khác nếu muốn tham gia cứu hộ thì phải là những lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, phải tính đến các phương án an toàn cho chính mình và trang bị bảo hộ đầy đủ, nguyên tắc đó là không biết bơi thì không lên thuyền...

Bão lũ qua đi, bà con miền Bắc cần ổn định và tái thiết cuộc sống và sản xuất. Lúc này, sự chung tay, chia sẻ là cực kỳ quan trọng. Việc có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ một cách vô điều kiện với bà con là rất đáng trân trọng. Nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới đang áp dụng việc mang đến cơ hội học hành, đào tạo và hỗ trợ việc làm cho những người có hoàn cảnh không thuận lợi. Đây là một trong những cách thức “trao cần câu” thu được hiệu quả lớn.

Những hành động đẹp của người dân cả nước hướng về miền Bắc không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết và nghĩa đồng bào trong cơn bão lũ mà còn tiếp thêm sức mạnh để mọi người cùng vượt qua thử thách, khó khăn. Những món quà cứu trợ ấy không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là khích lệ tinh thần để người dân vùng lũ vượt qua gian khó.

Kim Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lu-lut-mien-bac-nhung-chuyen-xe-cho-nghia-tinh-285951.html