Lũ lụt ở Pakistan khiến hơn 1.000 người chết, gây thiệt hại 10 tỉ đô la
Lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan, do lượng mưa cao nhất trong hơn ba thập niên, đã khiến ít nhất 1.136 người thiệt mạng kể từ tháng 6 và gây thiệt hại kinh tế hơn 10 tỉ đô la Mỹ. Biến cố thời tiết này giống thêm một hồi chuông báo động về những tác động của biến đổi khí hậu do hiện tượng ấm lên của Trái đất.
Các cơn lũ quét chưa có tiền lệ trong những tuần qua đã cuốn phăng nhiều đường xá, nhà cửa và mùa màng, để lại một khung cảnh hoang tàn khắp Pakistan. Dòng nước lũ xoáy đã làm hư hại hoặc nhấn chìm hàng triệu mẫu đất canh tác, bao gồm một phần diện tích cây bông vải có giá trị xuất cao ở một quốc gia nơi ngành nông nghiệp chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế. Cho đến nay, hai tỉnh Sindh và Balochistan bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan, Ahsan Iqbal , gần một nửa diện tích bông vải của đất nước đã bị cuốn trôi và các cánh đồng rau, quả và lúa gạo cũng bị thiệt hại nặng nề.
Trao đổi với BBC, Ngoại trưởng Pakistan, Bilawal Bhutto-Zardari cho biết 1/3 trong số những người thiệt mạng là trẻ em. Các quan chức ước tính rằng hơn 33 triệu người Pakistan, tức cứ bảy người dân thì có một người, bị đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt lịch sử.
Hàng nghìn người dân sống ở khu vực miền núi đã được lệnh sơ tán khẩn cấp. Nhưng ngay cả khi có sự trợ giúp của trực thăng, giới chức trách vẫn đang phải vật lộn để tiếp cận những người bị mắc kẹt.
Sherry Rehman, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan, cho biết một phần ba đất nước đang bị chìm trong trận lụt lịch sử.
Trao đổi với đài truyền hình DW News của Đức, bà nói: “Nhiều huyện bị ngập sâu trông giống như một phần của đại dương. Các chuyến trực thăng của chúng tôi không tìm thấy chỗ đất khô để thả các khẩu phần lương thực cứu trợ”.
Bà nói thêm, với hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên khắp Pakistan, quốc gia đông dân thứ năm trên thế giới, hải quân lần đầu tiên được triển khai để tham gia hoạt động cứu trợ và cứu hộ.
Bộ trưởng Tài chính Pakistan, Miftah Ismail cho biết chưa có đánh giá ngay lập tức về mức độ ảnh hưởng của các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Nhưng ông ước tính thiệt hại có thể vượt quá con số 10 tỉ đô la.
Ismail nói với các phóng viên hôm thứ 29-8: “Pakistan đang bị chôn vùi dưới nước. Có quá nhiều thiệt hại ở khắp mọi nơi”.
Theo Bộ trưởng Miftah Ismail, do lũ lụt, Pakistan sẽ miễn thuế nhập khẩu rau quả để hạn chế việc tăng giá tại thị trường nội địa và xem xét mở tuyến đường bộ tạm thời với Ấn Độ để phục vụ mục đích này. Do tranh chấp biên giới, Pakistan đã hạn chế giao thương với Ấn Độ kể từ năm 2019.
Thảm họa thiên nhiên xảy ra khi Pakistan đang đối mặt với một trong những tỷ lệ lạm phát tăng nhanh nhất châu Á và đang cố gắng chấm dứt tình trạng thiếu đô la. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã họp vào cuối ngày thứ 29-8 và dự kiến sẽ nối lại chương trình cho vay 6 tỉ đô la đối với Pakistan.
Chính quyền của Thủ tướng Shehbaz Sharif đã kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức cứu trợ, nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng quốc tế để ứng phó với biến cố thời tiết nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, điều mà các nhà khoa học đã cảnh báo trong báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vào năm 2021.
Anjal Prakash, Giám đốc nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Ấn Độ, một trong những tác giả chính của báo cáo IPCC, nói: “Chúng ta phải ngừng sử dụng từ “chưa có tiện lệ” khi nói đến các biến cố thời tiết vì các tiền lệ mới như vậy luôn xuất hiện ở Nam Á. Tác động của hiện tượng nóng lên của Trái đất đối với các sông băng ở dãy Himalaya, vốn đang tan chảy, nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trước đây”.
Prakash nói nhiệt độ cao trên khắp Nam Á làm ấm các đại dương, có liên quan chặt chẽ đến hiện tương băng tan ở hệ thống sông Indus trên dãy Himalaya, đã gây ra lũ lụt trên khắp Pakistan. Những tổn thất kinh tế do lũ lụt sẽ buộc Pakistan phải chuyển hướng nhiều nguồn lực kinh tế hơn vào việc tái thiết trước thềm các cuộc đàm phán toàn cầu về khí hậu ở Ai Cập trong năm nay.
Theo báo cáo của Ngân hàng JS Global Capital, có trụ sở tại Karachi (Pakistan), lượng mưa ở Pakistan trong mùa mưa này đã vượt quá lượng mưa được ghi nhận trong trận lũ quét kinh hoàng năm 2010, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Vào thời điểm đó, IMF, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ cho Pakistan 4,5 tỉ đô la. Thảm họa thiên nhiên đó đã khiến Pakistan đưa ra mức phụ phí lũ lụt 15% cho tất cả loại thuế thu nhập để tài trợ thêm chi phí cứu trợ, khôi phục và trợ cấp tương lai cho các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan, Ahsan Iqbal cũng đánh giá trận lũ lần này còn nghiêm trọng hơn trận lũ quét vào năm 2010.
Ông cho rằng thế giới đang “mắc nợ” Pakistan, vốn là nạn nhân của biến đổi khí hậu gây ra bởi “sự phát triển vô trách nhiệm của các nước phát triển”.
Ông nói: “Lượng khí thải carbon của chúng tôi là thấp nhất trên thế giới. Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm giúp đỡ chúng tôi, nâng cấp cơ sở hạ tầng của chúng tôi, giúp tăng khả năng chống chịu với khí hậu tốt hơn, để chúng tôi không bị thiệt hại như vậy sau mỗi 3, 4 hay 5 năm”.
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Pakistan (SPB) cho biết mưa lớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp của Pakistan. SPD dự kiến tăng trưởng kinh tế của Pakistan sẽ giảm từ 6% trong năm ngoáim xuống 3%-4% trong năm nay.
Theo BBC, Reuters, Bloomberg
Chánh Tài