Lũ lụt trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, lũ trên các sông Thao, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Thương, sông Lô đang lên cao trên dưới mức báo động 3, gây ngập lụt tại nhiều địa phương như Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát thông tin sáng nay, trong 12 giờ qua lũ trên sông Thao tại Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà, Yên Bái đang lên; lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Vụ Quang), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.

Mực nước lúc 5h/10/9, trên các sông như sông Thao tại Lào Cai ở mức 86,18m, trên báo động 3; sông Cầu tại Đáp Cầu (Bắc Ninh) là 6,06m, dưới báo động 3; trên sông Thương tại Bắc Giang là 6,53m, trên báo động 3; trên sông Lục Nam là 6,61m, trên báo động 3; trên sông Lô tại Tuyên Quang là 25,64m, dưới báo động 3.

Trong 12-24 giờ tiếp theo lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà biến đổi chậm; tại Yên Bái tiếp tục lên và duy trì trên mức lũ lịch sử; lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục lên; lũ trên sông Cầu, Thương có khả năng đạt đỉnh; lũ sông Lô, sông Lục Nam tiếp tục xuống.

Ngập sâu tại TP Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.

Ngập sâu tại TP Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.

Tại một số địa bàn đã ghi nhận ảnh hưởng bước đầu của lũ lụt. Tại Yên Bái chiều qua (9/9), nước sông Hồng dâng cao trên báo động 3 đã gây ngập úng lớn, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình tại TP Yên Bái. Đến 13h30, các khu vực ven sông Hồng thuộc TP Yên Bái đang bị ngập sâu trong nước, 3.500 hộ gia đình phải di dời.

Mưa lũ cũng khiến hơn 5.687 nhà tại các huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ bị sập đổ, hư hỏng, ngập úng

Tại địa bàn TP Thái Nguyên, trong chiều tối qua khoảng 3.000 hộ dân thuộc 22 phường, xã đã bị ngập úng, gần 600 hộ phải di dời người và tài sản. Trên toàn TP Thái Nguyên có 116 xóm, tổ dân phố bị ngập và 15 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 850 ha lúa và hoa màu bị đổ rạp; gần 10 ha trồng keo bị gẫy; 200.000 con gia cầm bị chết và 0,4 ha ao cá bị lũ cuốn trôi…

Tại Lào Cai, theo thống kê từ các địa phương, ngày 9/9 toàn tỉnh đã có 1.109 nhà dân bị ngập nước, sạt lở và lũ cuốn trôi (Sa Pa 18 nhà, Bảo Thắng 361 nhà, Văn Bàn 48 nhà, Bắc Hà 15 nhà, Bát Xát 97 nhà, Si Ma Cai 14 nhà, Bảo Yên 518 nhà, TP Lào Cai 38 nhà). Một số điểm cầu, tràn,... bị ngập; một cầu dân sinh (cầu gỗ) bị nước lũ cuốn trôi tại huyện Văn Bàn; 9 công trình thủy lợi bị hư hại. Ước tính thiệt hại ban đầu của tỉnh Lào Cai là trên 100 tỷ đồng.

Lũ lớn tại Lào Cai ngày 9/9. Ảnh: VGP.

Lũ lớn tại Lào Cai ngày 9/9. Ảnh: VGP.

Lũ lên cao trên các sông, suối gây ngập úng trên diện rộng cho nhiều khu vực dân cư, trường học, đường giao thông tại các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, TP Lào Cai. TP Lào Cai đã phải di dời 92 hộ dân (369 khẩu) có nguy cơ sạt lở, sinh sống cạnh khu vực suối Ngòi Đường, Ngòi Bo, sông Hồng.

Lũ trên sông Hồng dâng cao, Hà Nội có nguy cơ ngập úng

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, mực nước trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy sẽ tiếp tục lên trong hôm nay (10/9). Đỉnh lũ trên sông Đà ở mức dưới báo động 1; sông Hồng, sông Đuống ở mức báo động 1; sông Đáy ở mức báo động 2.

Lũ trên các sông lên cao sẽ gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, các bãi nổi, uy hiếp các tuyến đê thuộc quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn…

Nước sông Hồng dâng cao ngập bãi Phúc Xá sáng 10/9. Ảnh: TTXVN.

Nước sông Hồng dâng cao ngập bãi Phúc Xá sáng 10/9. Ảnh: TTXVN.

Trước tình hình trên, trong công điện đêm 9/9, Chủ tịch UBND tp Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.

Các quận, huyện, thị xã chuẩn bị điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.

Bên cạnh ảnh hưởng của lũ trên các sông, đêm 9/9 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Hà Nội có mưa lớn, đến sáng 10/9, nhiều tuyến đường giao thông ngập sâu, phương tiện di chuyển khó khăn.

Mưa lớn tại Bắc Bộ kéo dài hết ngày 12/9

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong 3 ngày qua, cả 25 tỉnh, thành phố Bắc Bộ đều có mưa rất lớn với lượng phổ biến 200-400 mm, riêng Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên phổ biến 400-600 mm.

Lý giải nguyên nhân mưa lớn ở Bắc Bộ, cơ quan khí tượng cho hay ngoài ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão Yagi còn có tác động của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ.

Dự báo, hai hình thái này sẽ gây mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ đến hết 12/9, hai ngày tới, mưa lớn sẽ tiếp tục tập trung ở trung du và miền núi Bắc Bộ với lượng phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 350 mm. Từ ngày 12/9 mưa giảm, đến 13/9 chỉ còn cục bộ một số khu vực.

Tổng cục khí tượng thủy văn cũng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ở mức rất cao tại 15 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Bắc Giang.

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, báo Tin tức

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lu-lut-tren-dien-rong-tai-cac-ti-nh-mie-n-nui-phia-bac-33225.html