Lũ quét gây sạt lở nghiêm trọng, chia cắt hoàn toàn một xã ở Bình Định
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 10, những ngày qua, trên địa bàn huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) xảy ra mưa lớn, lũ quét gây sạt lở nghiêm trọng chia cắt nhiều khu vực.
Sáng 7/11, PV Tiền Phong đã có mặt tại hiện trường vụ sạt lở trên tuyến đường độc đạo lên xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá đổ xuống mặt đường với khối lượng rất lớn, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn.
“Mưa lớn những ngày qua, nước lũ đã làm đất sạt lở, đường sá bây giờ hư hỏng hết nên đi lại rất khó khăn. Cũng mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ sửa chữa đường hư hỏng để người dân đi lại được thuân tiện hơn”, anh Đinh Mua (40 tuổi, ở xã Vĩnh Kim) chia sẻ.
Ông Bùi Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, nguyên tuyến đường xã Vĩnh Kim có 13 điểm sạt lở; tuyến lên Vĩnh Sơn có 15 điểm sạt lở. Hiện tại giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe máy. Khối lượng đất đá sạt lở rất lớn, khoảng 5 – 6 ngàn khối.
“Các tuyến đường đều bị tắt do sạt lở đất đá, trước mắt, huyện đã chỉ đạo khắc phục để đảm bảo giao thông cho người dân đi lại”, ông Thành cho biết.
Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết, trước khi vào mùa mưa bão, địa phương cũng đã có những phương án, kế hoạch cho nên sau khi có tình huống xảy ra địa phương đã chủ động theo phương án từ trước nên cũng giảm thiểu được những thiệt hại về tài sản của người dân, đặc biệt là tính mạng của người dân không xảy ra.
“Vĩnh Kim có khoảng trên 1.000 hộ dân, trong đó có khoảng 30 hộ nằm trong diện nguy cơ trong vùng sạt lở, địa phương cũng đã có cảnh báo. Sau khi có mưa lớn xảy ra địa phương đã chủ động di dời những hộ dân này nên thiệt hại về người là không có”, ông Thành cho biết.
Kiểm tra tại hiện trường sạt lở, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở Vĩnh Thạnh. Tuy không có thiệt hại về người nhưng về lâu dài phải tính đến phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm ven núi.
“Đã xảy như này thì sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Địa phương phải có 1 chính sách để di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ngay lực lượng, máy móc khắc phục khẩn cấp để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân. Cái này trong vòng 3 ngày là phải làm xong. Trước mắt là phải thông đường cho người dân đi lại”, ông Dũng đề nghị
Cũng theo ông Dũng cho biết, tuyến đường từ huyện lên xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn là tuyến đường huyết mạch, tuy nhiên, thực tế tuyến đường đã xuống cấp, rất nguy hiểm. Tỉnh cũng đã để xuất với Chính phủ và Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường, sẽ được triển khai trong năm 2021.
Một số hình ảnh sạt lở trên tuyến đường đi Vĩnh Kim.