Lũ quét không chờ mùa
HNN - Trong tâm thức nhiều người, mùa hè là khoảng thời gian yên bình nhất trong năm - nắng vàng, trời trong, khô ráo và ít thiên tai. Thế nhưng, thực tế gần đây đang dần chứng minh điều ngược lại. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, từ mưa trái mùa đến lũ quét, sạt lở đất đã và đang xảy ra trong mùa hè.

Trận mưa lớn bất ngờ đổ xuống bản Khe Trăn và Hạ Long giữa tháng 5 vừa qua cuốn trôi toàn bộ hàng quán, lán trại của người dân
Không chủ quan
Chiều một ngày giữa tháng 5/2025, một trận mưa lớn bất ngờ đổ xuống bản Khe Trăn và Hạ Long (xã Phong Mỹ cũ, nay thuộc phường Phong Điền, TP. Huế). Chỉ trong ít phút, nước từ thượng nguồn suối Hầm Heo, thác A Don đổ về cuồn cuộn, cuốn trôi toàn bộ hàng quán, lán trại của các hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch ven suối và khu vực thác.
“Chưa bao giờ tôi thấy nước lũ về nhanh đến thế. Đang buôn bán bình thường, bỗng dưng trời chuyển mưa và chỉ trong phút chốc, lũ đã cuốn sạch mọi thứ. May mắn không có thương vong, nhưng thiệt hại tài sản ước tính lên tới hàng chục triệu đồng - một con số không nhỏ đối với người dân nơi đây”, ông Nguyễn Văn, một chủ quán tại khu du lịch suối Hầm Heo chia sẻ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có gần 50 điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, trượt lở và sụt lún đất đá. Những điểm nóng này chủ yếu nằm tại các vùng trung du, miền núi - nơi địa hình đồi dốc, đất đá tơi xốp, dễ bị tác động bởi mưa lớn.
Đặc điểm chung của các vùng này là nền đất yếu, kết cấu rời rạc, thường xuyên chịu mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn. Chỉ một trận mưa cực đoan là đủ có thể gây sạt trượt quy mô lớn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
“Sống chung với thiên tai” - không chỉ là khẩu hiệu
Theo các chuyên gia khí tượng, tình hình thời tiết khu vực miền Trung nói chung, TP. Huế nói riêng đang bị tác động ngày càng rõ rệt bởi biến đổi khí hậu. Mùa hè không còn khô hanh như trước, mà thay vào đó là những đợt mưa trái mùa, mưa dông dữ dội xảy ra với tần suất cao, kèm theo hiện tượng sấm sét, gió giật mạnh và mưa tập trung lượng lớn trong thời gian ngắn dễ gây ra lũ ống, lũ quét.
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng thấp và vùng cao tạo ra những dòng đối lưu mạnh, hình thành các khối mây dông bất thường. Từ đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, mưa đá, thậm chí lũ cục bộ có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong năm kể cả giữa mùa hè.
Còn nhớ, trung tuần tháng 6/2025, người dân trên địa bàn TP. Huế chứng kiến cảnh ngập lụt giữa mùa hè. Theo những người có kinh nghiệm, lớn tuổi, đây là điều kỳ lạ của thời tiết. Mưa lớn, lũ lụt gây thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân trên địa bàn vùng thấp trũng tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn TP. Huế nhận định: Đây là trận mưa lũ dị thường vô cùng đặc biệt xuất hiện ở Huế. Do vậy, việc ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ quét không thể chỉ trông chờ vào phản ứng sau thiên tai, mà cần có một chiến lược chủ động, tổng thể và đồng bộ ngay từ cấp cơ sở. Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm tại các vùng có nguy cơ cao, nhất là các địa bàn miền núi, vùng du lịch sinh thái, cộng đồng. Các điểm dễ xảy ra lũ quét, trượt lở đất đá cần được lắp đặt thiết bị quan trắc, cảm biến cảnh báo sớm, kết nối trực tiếp với trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về dấu hiệu nhận biết, kỹ năng ứng phó với thiên tai. Đưa các mô hình diễn tập phòng, tránh lũ quét, sạt lở vào sinh hoạt khu dân cư, trường học, cơ sở du lịch cộng đồng để người dân biết cách phản ứng trong tình huống khẩn cấp.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/lu-quet-khong-cho-mua-155723.html