Lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam và cách giảm thiểu rủi ro
Lũ quét và sạt lở đất xẩy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam.
* Lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam và cách giảm thiểu rủi ro
Tại các vùng núi của nước ta lũ quét và sạt lở đất thường "sóng đôi" làm tăng mức độ nguy hại.
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lũ quét và sạt lở đất xẩy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ năm 1953 đến năm 2016 đã xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất (trung bình 7 trận/năm).
Từ năm 2000 – 2015 đã xảy ra 250 trận lũ quét và sạt lở đất (trung bình 15 – 16 trận/năm), làm chết 779 người, làm bị thương 426 người.
Riêng năm 2018 tại các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra 14 trận, làm chết và bị thương 82 người (chiếm 70% tổng số người chết và bị thương do lũ quét, sạt lở đất trên cả nước). Phần lớn các trận lũ quét, sạt lở đất đều xảy ra ở vùng núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt.
Lũ quét và sạt lở đất năm nào cũng xảy ra và có xu hướng gia tăng.
Để giảm thiểu rủi ro do thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều luật và chính sách.
Trong số này có Luật Phòng chống thiên tai, Luật Quản lý đê điều, Luật Lâm nghiệp và Chiến lược phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh luật là các văn bản khác. Ngày 18/6/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác Phòng, chống thiên tai trong đó có nhiệm vụ xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình.
Ngày 13/7/2018 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị số 19/CT-TTg về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Ngày 29/11/2018 Chính phủ ra Nghị định sồ 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai.
Các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện một số giải pháp phòng, chống lũ quét và sạt lở đất:
Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm. Viện Khoa học Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với AgriMedia (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời tiết và nông nghiệp) cung cấp trang thiết bị cho Trạm cảnh báo sớm về trượt lở dạng dòng lũ bùn đất, đá tại xã Bản Khoang (thị xã Sapa, Lào Cai).
Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.
Hỗ trợ trang thiết bị cảnh báo cho các địa phương có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Tổng cục Phòng chống thiên tai đề xuất các chương trình, dự án phục vụ công tác phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.
Đáng chú ý là đề xuất với Chính phủ cho phép triển khai Dự án Lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc cảnh báo sớm và đập chắn bùn đá nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại một số điểm có nguy cơ cao (giai đoạn 2020 – 2025).
Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đang xây dựng chương trình tổng thể "Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo và công trình phòng, chống lũ bùn đá tại một số điểm có nguy cơ cao ở khu vực miền núi phia Bắc (giai đoạn 2021- 2025).
Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ bắt tay vào việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là đối với khu vực có nguy cơ cao.
* Tác động của mưa và các công trình nhân tạo
Trong các ngày 12, 13 và 18/10 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất kinh hoàng tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Tre 3, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và tại Sở Chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Mới đây nhất, ngày 20/10, đã xảy ra vụ sạt lở đất Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).
Các định nghĩa khoa học về sạt lở đất trên thế giới đều khẳng định nguyên nhân là do sự phong hóa dần dần và dưới tác động của những trận mưa lớn.
Còn tại Việt Nam, theo cách lý giải của Tổng cục Phòng chống thiên tai thì lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đều có chung một đặc điểm là xuất hiện sau những cơn mưa lớn.
Trên triền đồi, núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn luôn trong trạng thái bão hòa nước, đồng thời rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn nên không có khả năng giữ nước.
Trong bối cảnh đó, ngày 19/10, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Các tỉnh, thành phố ở miền Trung đã hứng chịu hai đợt mưa lớn với lượng mưa kỷ lục – lượng mưa ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vượt mốc lịch sử năm 1979 và 1999. Có nơi mưa 800mm/ ngày với tổng lượng mưa trên 3.000mm/đợt.
Công trình nghiên cứu của Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho thấy mối liên kết nhân quả giữa lượng mưa, thời gian mưa và tình trạng sạt lở đất.
Các nhà khoa học đã quan sát lượng mưa đo được ở 12 trạm đo tại tỉnh Hòa Bình trong suốt 25 năm và đối chiếu với các trận lở đất ở huyện Mai Châu để tìm ra mối liên hệ cụ thể.
Các nhà khoa học ở Viện Địa chất nhận thấy các vụ sạt lở đất ở Mai Châu (Hòa Bình) chủ yếu xảy ra vào mùa mưa và có quan hệ chặt chẽ với lượng mưa trong một ngày và lượng mưa tích lũy trong 10 ngày trước đó.
Nếu lượng mưa trong 10 ngày trước đủ lớn thì trận mưa tiếp theo không cần có cường độ mạnh hay kéo dài cũng là cú "hích" để đất, đá trượt xuống.
Xác suất trượt lở đất ở Mai Châu được xác định là 66%; 96,1% và 99,5% đối với chu kỳ lặp lại tương ứng là 1 năm, 3 năm và 5 năm.
Bên canh các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở đất thì dĩ nhiên con người cũng có tác động đến tiến trình phong hóa trên sườn dốc đồi, núi.
Bất kỳ một công trình nào do con người tạo ra, nhất là ở vùng rừng núi, đầu nguồn các con sống, đều ảnh hưởng hoặc ít hay nhiều nhiều đến môi trường, trong đó có cả việc tác động đến đặc tính hóa – lý của các tầng địa chất ở một khu vực cụ thể.
Việc làm đường, xây dựng nhà máy, nông trại, hồ chưa, đập nước, các công trình dân sinh đều cần đến một diện tích nhất định vốn là rừng cây hay đồi, núi.
Diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi, taluy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm…
Đây là sự tác động trực tiếp để "kích hoạt" cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất.
Bênh cạnh đó, các công trình nhân tạo cũng có thể tác động tới tình trạng sạt lở đất một cách gián tiếp, thông qua việc ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, tình trạng mất cân bằng của tự nhiên.
Theo Hội Đất ngập nước Việt Nam, mặc dù thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ trong bối cảnh nước ta còn thiếu điện và phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện, song cũng cần nhìn nhận một thực tế là các đập thủy điện có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu một khi bị lạm dụng, được xây dựng dày đặc, vượt quá sức chịu đựng của thiên nhiên.
Theo ý kiến của các nhà khoa học, chỉ riêng tại 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum và Đắk Nông mà có gần 150 dự án thủy điện lớn, nhỏ thì mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu – tìm sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và xây dựng, phát triển, sẽ khó đạt được./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lu-quet-sat-lo-dat-o-viet-nam-va-cach-giam-thieu-rui-ro/175507.html