Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội vượt mức báo động 2, Hà Nội sơ tán hơn 1.000 người dân trong đêm
Đêm 10/9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hà Nội ban hành Lệnh Báo động lũ mức II trên sông Hồng với mức nước là 10,50m.
Đêm 10/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội ban hành Lệnh số 61/L-BCH, báo động lũ cấp II trên sông Hồng, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 23h30 ngày 10/9 là 10,50m (mực nước báo động II là 10,50m).
Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp II trên sông Hồng vào hồi 23h30 ngày 109, tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động II.
Báo động cấp II là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình. Nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội.
Tối 10/9, trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mực nước sông Hồng, đoạn qua Hà Nội dự báo có thể lên mức báo động 2 trong khoảng từ 12 đến 24 giờ tới.
Theo ông Vũ Đức Long, hầu hết các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ đều đã xuất hiện lũ và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là trên lưu vực sông Thao trên địa phận tỉnh Lào Cai và Yên Bái, là những khu vực trọng tâm.
Trong những ngày vừa qua, đa số các trạm trên 2 tỉnh này mực nước đã xuất hiện vượt mức lũ lịch sử của các năm trong chuỗi số liệu hiện có. Ngoài ra, khu vực vùng hạ lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam cũng đã xuất hiện lũ trên báo động 3, gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân.
Hiện nay, tại khu vực Hà Nội, lũ cũng đang lên cao, mực nước sông Hồng lên rất nhanh.
"Theo số liệu của chúng tôi, có thể dự báo trong 12 đến 24 giờ tới tại khu vực Hà Nội, cụ thể tại trạm Hà Nội, lũ có khả năng sẽ lên xấp xỉ báo động 2. Khi trạm Hà Nội lên mức xấp xỉ báo động 2, nhiều khu vực ven sông tại Hà Nội như Phúc Tân, Phúc Xá cũng như phường Bồ Đề (quận Long Biên) đều là những khu vực có nguy cơ ngập cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ngoài ra, khi mực nước ở Hà Nội tăng lên xấp xỉ báo động 2, các trạm vùng hạ lưu của sông Hồng như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam nhiều khả năng sẽ lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ ngập lụt của các tỉnh trong những ngày tới là rất cao", ông Vũ Đức Long nhận định.
Trao đổi về những giải pháp phòng tránh trước nguy cơ ngập lụt, ông Vũ Đức Long cho rằng, việc đầu tiên cần làm là theo dõi các thông tin về tình hình lũ được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng như các Đài khí tượng thủy văn khu vực và Đài khí tượng thủy văn tỉnh, địa phương cung cấp hằng giờ. Thứ hai, theo dõi dự báo về diễn biến của lũ cũng như các khu vực ngập lụt có thể xảy ra, từ đó có các biện pháp phòng tránh. Trong bất cứ trường hợp nào, người dân cần tuân thủ chặt chẽ sự chỉ đạo và yêu cầu của chính quyền địa phương để có thể di dời đến được nơi an toàn nhất có thể.
Liên quan đến tình hình phòng, chống mưa lũ hậu bão số 3 - siêu bão Yagi ở TP. Hà Nội, tối và đêm 10/9, Sở chỉ huy tiền phương, phường Phúc Xá và các lực lượng đã hoàn thành việc sơ tán 1.059 nhân khẩu của 276 hộ thuộc 6 địa bàn dân cư đến nơi an toàn.
Đây là công tác khẩn cấp do UBND quận Ba Đình phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện ngay khi nhận cảnh báo mực nước sông Hồng tiếp tục dâng cao và là mực nước cao nhất trong 16 năm trở lại đây.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, qua điều tra có 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu, trong đó có 58 hộ thuê phòng trọ dọc bờ vở sông Hồng trên địa bàn phường Phúc Xá (chủ yếu nhà tạm, kết cấu không bảo đảm).
Khi lũ gần với mốc báo động II (10,5m), những hộ gia đình này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Các hộ dân này đã được di chuyển đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch).
Với tinh thần tương thân tương ái, để bảo đảm các trường hợp người dân (chủ yếu là người cao tuổi) phải di dời tránh lũ yên tâm khi đến nơi ở tạm thời, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch đã ủng hộ chăn gối; các hội đoàn thể, tổ dân phố tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm; đặc biệt lực lượng cán bộ UBND, công an, y tế, dân quân thường trực sẽ ứng trực 24/24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt; khách sạn 5 sao Pan Pacific sẽ bảo đảm các suất ăn trong ngày đầy đủ dinh dưỡng...
Trước đó, quận Ba Đình đã quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại phường Phúc Xá. Sở Chỉ huy sẽ chỉ đạo UBND phường Phúc Xá, các lực lượng liên quan triển khai các phương án ứng phó kịp thời bão lũ... đảm bảo an toàn cho nhân dân ngay tại chỗ; đồng thời chủ động triển khai các biện pháp, phương án chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, lương thực, thực phẩm, nước uống, nơi ở tạm để di chuyển người dân khu vực bãi sông Hồng trong trường hợp diễn biến bão lũ xấu xảy ra.