Lũ về trong đêm khiến người dân không kịp trở tay
Dù đã sống quen với cảnh lũ lụt hằng năm, nhưng trận lũ đêm 19-10 đã nhấn chìm hàng chục nghìn nhà dân tại Quảng Bình, khiến người dân bị động, rơi vào cảnh trắng tay khốn đốn.
Đợt lũ lịch sử này không chỉ "thiết lập" một đỉnh lũ mới (cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 lên đến 0,98m), mà còn rút rất chậm. Đến sáng 21-10, mưa lũ vẫn đang chia cắt nhiều nơi trong tỉnh. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn khi phải sống trên gác sát mái nhà nhiều ngày, trâu, bò, lợn, gà, rau màu bị lũ cuốn trôi.
Nước ngập trắng nơi nơi, cộng sức gió khiến nhiều vùng sóng lớn, mênh mông như biển rất nguy hiểm khi di chuyển. Không chỉ người dân ở trong các ngôi nhà đơn lẻ bị thiếu lương thực, nước uống mà nghiêm trọng hơn là người dân được sơ tán đến các ngôi nhà cao tầng, trụ sở UBND xã, trường học, bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện cũng bị nước lũ bao vây, đều bị thiếu lương thực, nước uống và quần áo. Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, trong ngày các đơn vị quân đội gồm Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện xuồng máy để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân.
Lúc 5 giờ sáng, tại ngã ba Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, đội xuồng do Trung tá Trần Minh Khánh, Trợ lý Thanh tra quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cùng 5 cán bộ, chiến sĩ đã có mặt để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho người dân ở các xã bị ngập sâu của huyện Lệ Thủy. Nhìn mặt ai cũng tái đi vì lạnh do phải lội lâu dưới nước nhưng không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương. Điều làm chúng tôi vô cùng nể phục đó là ngay lúc này, nhà riêng cả 6 cán bộ, chiến sĩ của kíp xuồng cũng đều bị ngập, vợ con và người thân đều phải đi sơ tán.
Trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ các kíp xuồng vận chuyển thực phẩm cứu hộ cho người dân, Đại tá Lê Văn Vỹ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: Mặc dù nước lũ đã xuống nhiều, nhưng đến nay trên địa bàn Quảng Bình vẫn còn 43.274 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ. Mưa lũ đã làm chết 9 người và làm bị thương 29 người. Tổng số hộ dân đã di dời 31.251 hộ, hiện đã trở về nhà 8.528 hộ. Vì thế, hiện nay công tác cứu hộ, cứu nạn và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống đang được các địa phương, lực lượng chức năng và người dân trong tỉnh thực hiện gấp rút, không để đồng bào đói, rét lúc này.
Cũng theo Đại tá Lê Văn Vỹ, đã hơn 4 ngày qua, hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh cùng nhiều địa phương khác bị chìm trong biển nước. Hai ngày đầu, LLVT tỉnh nói chung và Bộ CHQS tỉnh nói riêng đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn, nhiều trường hợp chúng tôi phải đi cả ban đêm vì nước lũ lên quá nhanh và quá lớn. Tuy nhiên, lũ trên địa bàn tỉnh rút rất chậm, không tuân theo quy luật. Hiện nay, một số điểm hẻo lánh, nước ngập sâu, bà con đã bắt đầu bị thiếu đói. Nhiều hộ hai ngày nay không có cơm ăn. Thực hiện sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, 4 ngày qua chúng tôi đã huy động các lực lượng, nhiều đơn vị huy động 100% quân số và phương tiện để chi viện cho 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
“Trong ngày, trên địa bàn huyện Lệ Thủy, chúng tôi đã huy động 8 xuồng, huyện Quảng Ninh là 6 xuồng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con. Trước tình cảnh nhiều bà con đang trong cảnh màn trời, chiếu đất, tuy là việc vận chuyển bằng xuồng rất nguy hiểm, bởi nước lớn chảy xiết, sóng gió to, nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi cố gắng tiếp cận và hỗ trợ lương thực cho bà con, làm sao cho bà con hạn chế việc thiếu, đói, rét trong giai đoạn khó khăn này”, Đại tá Lê Văn Vỹ chia sẻ.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình hiện còn nhiều điểm trên các tuyến đường còn bị tắc đường chưa lưu thông được, như: Quốc lộ 1 đoạn qua xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Cam Thủy (huyện Lệ Thủy); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch)...
Hiện nay các địa phương, lực lượng chức năng từ tỉnh đến các thôn, bản cùng người dân tại địa phương, nhất là các lực lượng quân sự, biên phòng, công an... vẫn đang tập trung và huy động tối đa mọi nguồn lực có thể để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân vùng lũ lụt. Đặc biệt là việc cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, nhằm không để xảy ra việc có người dân bị đói, khát...
Ông Phạm Văn Hiệu, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Lũ về trong đêm nên rất dữ dội. Đỉnh lũ quá cao khiến cả người dân và chính quyền xã trở tay không kịp. Trước đợt lũ lịch sử này, bà con trong xã gần như mất trắng tài sản, nguy cơ tái nghèo vùng lũ là thấy rõ.
"Được sự hỗ trợ giúp đỡ của các lực lượng, đặc biệt là Ban Chỉ huy quân sự huyện Lệ Thủy, bà con được cứu trợ kịp thời, di dời khỏi vùng sóng to, gió lớn. Dự kiến Quảng Bình vẫn còn mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày tới. Ngập lụt trên diện rộng sẽ còn diễn ra do ảnh hưởng của cơn bão số 8 đang tiến về phía đất liền, do đó các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục nhanh sự cố trên các tuyến đường bị sạt lở và khẩn trương sử dụng tối đa mọi phương tiện xe ô tô, ca nô, phao cứu sinh để sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm khi lũ tiếp tục diễn biến phức tạp", ông Hiệu cho biết.
Về công tác ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ, theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, đến 17 giờ ngày 21-10, đã có hơn 320 đoàn cứu trợ của các tổ chức, đoàn hội trên địa bàn cả nước đem theo hơn 400 tấn hàng gồm nước uống đóng chai, mì gói, lương khô đến ủng hộ người dân vùng lũ Quảng Bình. Song song với đó là công tác hỗ trợ, tinh thần tương thân tương ái.