Lúa chín đến đâu, tập trung thu hoạch đến đó
Lúa xuân đang bước vào giai đoạn chín rộ, với phương châm 'lúa chín đến đâu, thu hoạch hết đến đó', bà con nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân lực, huy động máy móc tiến hành thu hoạch, giải phóng đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa. Mặc dù thời tiết bất thuận nhưng năng suất lúa bình quân năm nay vẫn đạt khoảng 60 tạ/ha, tương đương năm ngoái.
Tiết trời nắng nóng nhưng những ngày qua, trên các xứ đồng của xã Trường Sinh, Hồng Lạc, Hào Phú (Sơn Dương) rộn vang tiếng máy gặt, bà con nông dân sẵn sàng bao bì, phương tiện đón những hạt thóc vàng từ những chiếc máy gặt để nhanh chóng vận chuyển về nhà.
Ông Nguyễn Văn Kiên, thôn Cây Vạng, xã Hồng Lạc vác bao thóc nặng trĩu vai, mồ hôi đẫm áo, song rất vui vẻ, phấn khởi. Ông Kiên bảo, mọi năm cánh đồng trằm này gặp mưa đầu mùa là ngập bủm, bà con phải mò để vớt vát từng bông lúa nhưng năm nay mưa vừa đủ để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bông lúa 10 hạt như 10, bà con thắng lớn rồi! Ông Kiên ước tính, các dòng lúa chất lượng cao như Thái Bình đạt khoảng 2,3-2,4 tạ/sào còn các giống lúa lai như Tạp giao lên đến 2,8 tạ/sào.
Gia đình bà Đỗ Thị Lộc, thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh bốc, xếp vận chuyển những bao lúa về nhà mang theo niềm vui được mùa. Bà Lộc phấn khởi bảo, thay vì cấy nhiều giống lúa như mọi năm, vụ xuân này gia đình chỉ tập trung gieo cấy 1 giống Thái Bình nên lúa trỗ và chín cùng thời điểm. Lúa chín đồng loạt rất thuận lợi để thuê máy gặt đập liên hoàn. Theo bà Lộc, thuê máy gặt đập, chi phí 150 nghìn/sào thu hoạch rất nhanh, thuận tiện, không vất vả, giảm tổn thất.
Vụ xuân năm nay có sự khác biệt rất lớn, nhiều địa phương bà con được mùa lớn do nguồn nước từ các công trình thủy lợi cung cấp đủ, song cũng có một số địa phương trông chờ nguồn nước trời năng suất, sản lượng lúa giảm hẳn. Ông Hoàng Đình Phúc, thôn Liên Minh, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) chia sẻ, 8 ha lúa của bà con ở cánh đồng thôn Liên Minh bị thiếu nước nên đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân năm nay bà con gieo cấy tập trung, công tác dự tính, dự báo sâu, bệnh hại rất tốt. Tuy nhiên, vụ xuân này thời tiết bất thuận nhất trong lịch sử, trong 4 tháng sản xuất trên địa bàn ít mưa phần nào ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Thêm vào đó, trong giai đoạn lúa đứng cái làm đòng lại xuất hiện mưa lớn kèm dông lốc đã làm đổ nhiều diện tích lúa của bà con ở một số vùng, địa phương.
Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất khi thu hoạch lúa xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo công tác thu xuân làm mùa. Đồng thời, khắc phục khó khăn về nguồn lao động và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khi lúa chín khoảng 80 - 90% theo phương châm ''xanh nhà hơn già đồng'' để bảo đảm an toàn lúa xuân.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, năm nay do nhuận tháng 2 nên khung lịch thời vụ giữa vụ xuân và vụ mùa sẽ cách xa nhau. Đây là điều kiện rất tốt để bà con nông dân vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, bà con cần cắt rạ, sử dụng các chế phẩm sinh học (Sumitri, Trichoderma, AT Bio-Deromposer…) để xử lý rơm, rạ tàn dư thực vật, tránh ngộ độc cho cây trồng. Thay vì sử dụng nhiều giống lúa như nhiều năm trước mỗi xứ đồng bà con nên bố trí 2-3 giống chủ lực, lựa chọn các giống có năng suất, chất lượng cao; khả năng chống chịu sâu, bệnh hại, đổ gãy; thực hiện gieo cấy tập trung để thuận lợi cho quản lý sâu, bệnh hại và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Bởi khoảng cách sản xuất vụ xuân và vụ mùa rất ngắn nếu bà con sử dụng các giống mẫn cảm, sâu, bệnh hại trú ngụ trên đồng ruộng từ vụ xuân sang rất dễ xâm nhiễm, phát sinh và gây hại. Các công ty cung ứng giống, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp có kế hoạch chuẩn bị lượng giống dự phòng cho những diện tích có khả năng bị ngập.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức lấy mẫu giống cây trồng và tiến hành thử tỷ lệ nảy mầm trước khi cung ứng cho người dân. Sở cũng khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp canh tác đã được đánh giá cao trên địa bàn tỉnh như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), canh tác lúa cải tiến (SRI), sử dụng phân viên nén NK dúi sâu cho lúa, NPK nhả chậm; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh, các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…