Lựa chọn cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu rõ, một điểm mới tại Chỉ thị số 45 là yêu cầu về công tác nhân sự phải chú trọng phát hiện, lựa chọn giới thiệu những cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ để tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Ngày 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng quán triệt Chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Quang Vinh)
Đề cập những điểm mới của Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ông Hưng cho biết, Chỉ thị số 45 cơ bản kế thừa những nội dung còn phù hợp đã nêu trong Chỉ thị số 35 và Kết luận số 118, đồng thời điều chỉnh bổ sung một số nội dung mới.
Cụ thể, Chỉ thị số 45 đã bổ sung nội dung bối cảnh, tình hình Đại hội XIV của Đảng tổ chức vào đầu năm 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước; là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”. Đồng thời, là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Một điểm mới khác tại Chỉ thị số 45 được ông Hưng đề cập là yêu cầu về công tác nhân sự phải chú trọng phát hiện, lựa chọn giới thiệu những cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ để tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Về nội dung Đại hội, ông Hưng cho biết, Chỉ thị số 45 quy định với những đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp nhất, sáp nhập; đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức đại hội) thì Đại hội với 2 nội dung gồm: tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết đại hội của các đảng bộ, chi bộ trước khi hợp nhất, sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp.
“Các đảng bộ này không bầu Ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; không bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ khóa mới và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên”, ông Hưng nói.
Với các đảng bộ cấp xã không hợp nhất, sáp nhập, ông Hưng cho hay nếu đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, thì tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo quy định; căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 và nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm theo đúng quy định.
Về việc hoàn thiện dự thảo văn kiện mới đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện sáp nhập, hợp nhất, Chỉ thị số 45 yêu cầu thực hiện theo kế hoạch hướng dẫn tại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, ông Hưng cho hay, sau khi Hội nghị Trung ương 11 thông qua dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng khẩn trương hoàn thiện dự thảo 4 văn kiện gửi tới các đảng bộ cấp tỉnh để làm cơ sở cho địa phương nghiên cứu, tham gia đóng góp với Trung ương từ những vấn đề thực tiễn. Quan trọng hơn, các dự thảo văn kiện đã được cập nhật, bổ sung quan điểm, tư tưởng chỉ đạo rất mới, là cơ sở để các cấp ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo văn kiện của cấp mình.