Lựa chọn công nghệ mới nhất, an toàn nhất với môi trường khi xây dựng cảng biển Bãi Gốc
Ngày 13/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ khảo sát khu vực dự kiến xây dựng cảng biển Bãi Gốc ở Khu kinh tế Nam Phú Yên trên địa bàn xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa (Phú Yên).
Theo Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021, cảng biển Bãi Gốc được đầu tư xây dựng để phục vụ và phát triển Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. Cảng biển này có tổng diện tích sử dụng đất và mặt nước là 220ha, trong đó có 134ha mặt đất đã được giải phóng mặt bằng và 86ha mặt nước 86ha, cách mép bờ 20 mét, độ sâu khu vực này âm 20-25m.
Theo đồng chí Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh đã xác định hoạt động đầu tư, phát triển cảng biển Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm là hạt nhân của Khu kinh tế Nam Phú Yên, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Yên, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Đây cũng chính là lợi thế của tỉnh Phú Yên trong tăng cường liên kết giữa các vùng và các địa phương trong quá trình phát triển, đặc biệt là góp phần thu hút, đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa và Phú Yên - Tây Nguyên.
Trong định hướng đầu tư, cảng biển Bãi Gốc được thực hiện theo phương thức nhà đầu tư tự bỏ vốn đầu tư và kinh doanh, có đầy đù các hạng mục bến tổng hợp, bến chuyên dụng phục vụ cho các hoạt động của các nhà máy thép, nhà máy lọc dầu, hàng lỏng và khí, khu vực logistics. Thiết kế kỹ thuật bến chuyên dụng đảm bảo tiếp nhận tàu vận tải biển có trọng tải đến 250.000 tấn, bến tổng hợp tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn.
Tại cuộc khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Phú Yên cần có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết rõ ràng để đảm bảo đầu tư xây dựng cảng biển Bãi Gốc phù hợp, hiệu quả. Quá trình thực hiện đầu tư xây dựng cảng biển Bãi Gốc phải tính toán được công suất sử dụng hiệu quả, đảm bảo hạ tầng giao thông đường bộ – đường sắt – đường biển, viễn thông, xử lý nước thải... trong khu vực phải đảm bảo đồng bộ. Trên cơ sở đó sẽ tạo nên một hệ sinh thái phát triển từ công nghiệp đến logistics với chi phí thấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Phú Yên là địa phương đi sau trong hoạt động đầu tư xây dựng cảng biển, do đó cần phải chú trọng lựa chọn những công nghệ mới nhất, an toàn nhất đối với môi trường.
Trong chiều cùng ngày, Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp dẫn đầu tại điểm cầu chính ở Phú Yên đã có buổi làm việc với một số tỉnh, thành phố về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đồng thời xử lý kiến nghị của các địa phương.