Lựa chọn dự án nông nghiệp đặc thù để hỗ trợ 100% vốn xây dựng hạ tầng
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 (lần 7) sáng 23/10, UBND tỉnh Hải Dương thảo luận quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án nông nghiệp đặc thù.
Tại phiên họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Chủ trì phiên họp, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhắc nhở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ còn chậm. Đồng chí giao ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể các dự án hỗ trợ có sử dụng vốn đầu tư công. Định mức hỗ trợ phải căn cứ trên nhu cầu, tình hình thực tế và quy định của pháp luật để bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, cân nhắc, đề xuất việc hỗ trợ tập trung, đầu tư 100% vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các dự án nông nghiệp đặc thù để tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản lưu ý đối với những dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cần đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động đến môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tổng thể, toàn diện các mô hình nông nghiệp, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình phát triển để tăng cường quản lý, tránh tình trạng phát triển tự phát, theo phong trào.
Theo Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", có 13 nội dung hỗ trợ. Đó là thuê đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; xây dựng nhà màng; mở rộng diện tích cây vụ đông; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP phục vụ xuất khẩu; chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh; đánh giá cấp chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi thủy sản; nông nghiệp thông minh; xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ nông sản; tưới tiết kiệm; hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung; cụm công nghiệp chế biến nông sản; vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch; kinh phí tổ chức, triển khai đề án. Dự kiến kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025 là 124,7 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, 260 tỷ đồng từ vốn đầu tư công. Ngoài ra sẽ sử dụng các nguồn kinh phí khác tùy vào khả năng cân đối vốn.