Lựa chọn duy nhất của Ukraine sau các cuộc đàm phán với Nga
Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Ukraine Zelensky có rất ít lựa chọn ngoài việc thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép với Nga trong khi vẫn phải phụ thuộc vào sự ủng hộ châu Âu.
Lựa chọn duy nhất của ông Zelensky
Kể từ khi các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian bắt đầu vào tháng 3/2025, chiến lược của Ukraine là thuyết phục chính quyền Tổng thống Trump rằng Nga không đáng tin cậy còn Kiev luôn sẵn sàng hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Giới phân tích cho rằng, ông Zelensky có rất ít lựa chọn ngoài việc thuyết phục ông Trump gây sức ép đối với ông Putin, trong khi vẫn phụ thuộc vào sự ủng hộ thống nhất và kiên định của châu Âu.

Binh sỹ Ukraine chuẩn bị nạp đạn vào hệ thống pháo. Ảnh: RBC-Ukraine
Trong vòng đàm phán mới nhất, ông Zelensky không chỉ chấp nhận đề xuất Nga tiến hành đàm phán trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Mỹ tán thành ý tưởng này, mà còn gửi đi thông điệp “thách thức” lãnh đạo Nga xuất hiện để đàm phán trực tiếp. Động thái này đã không lay chuyển được Tổng thống Putin và các cuộc đàm phán ở Istanbul hôm 16/5 đã bị chuyển thành cuộc họp kỹ thuật mà không mang lại kết quả đáng kể nào về việc chấm dứt xung đột.
Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng khi các cuộc đàm phán Nga-Urkaie bị đình trệ và đe dọa sẽ rút lui nếu không đạt được kết quả. Ngay sau khi lên chiếc Không Lực Một để bay từ Abu Dhabi về Washington, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông sẽ sớm điện đàm với Tổng thống Putin.
"Ông ấy và tôi sẽ trò chuyện. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ giải quyết được vấn đề này, hoặc có thể không. Ít nhất, chúng tôi cũng sẽ xác định được kết quả", ông Trump nói.
Theo giới phân tích, suốt thời gian qua, thông điệp mà ông Zelensky muốn gửi đến chính quyền ông Trump là “chớ vội tin tưởng Nga”. Đây là một trò chơi tâm lý mà cả Kiev và Moscow đều cố gắng qua mặt nhau để thu hút sự ủng hộ của Mỹ. Nhưng những toan tính chính trị dường như bị chi phối bởi thực tế khắc nghiệt trên thực địa. Trong cuộc chiến tiêu hao này, vị thế của Ukraine sẽ ngày càng yếu đi theo thời gian, trừ khi phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga và Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Nhà lập pháp Oleksandr Merezkho của Ukraine cho biết: "Chúng tôi đang bị cuốn vào một cuộc chơi và đang cố gắng làm mọi thứ có thể vì không muốn mất đi sự ủng hộ của Mỹ. Chúng tôi không muốn bị đổ lỗi trong cuộc chơi này”.
Việc Tổng thống Trump không có phản ứng mạnh mẽ khi ông Putin vắng mặt trong cuộc đàm phán tại Istanbul đã khiến Ukraine thất vọng.
Ukraine hy vọng trừng phạt Nga, Mỹ chần chừ
Kể từ tháng 3/2025, Tổng thống Zelensky nhiều lần khẳng định rằng, Ukraine sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu của Tổng thống Trump để làm ấm lại quan hệ với Mỹ - nước bảo trợ lớn nhất của Kiev.
Giới phân tích cho rằng, Ukraine dường như hy vọng rằng lập trường cứng rắn của Nga, theo thời gian, sẽ khiến Mỹ tức giận và tung ra các lệnh trừng phạt mạnh mẽ, làm tê liệt chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow. Đây là kịch bản mà Ukraine cho rằng có khả năng sẽ xảy ra, khiến Nga suy yếu và Kiev có thể đàm phán một thỏa thuận hòa bình có lợi.
Lập trường của Nga từ đầu xung đột đến nay vẫn luôn nhất quán. Điện Kremlin liên tục khẳng định, họ sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine trong khi đưa ra những yêu cầu như buộc Ukraine phải nhượng bộ về lãnh thổ, cắt giảm quy mô quân đội và không bao giờ gia nhập NATO. Đây là những điều khoản mà Tổng thống Zelensky tuyên bố không thể chấp nhận.
Trong suốt cuộc chiến, Nga cũng cáo buộc Ukraine và các đồng minh phương Tây tìm cách kéo dài xung đột và làm chệch hướng các nỗ lực hòa bình. Gần đây nhất, Điện Kremlin đã phản đối lệnh ngừng bắn 30 ngày với Ukraine, chỉ đưa ra hai lệnh ngừng bắn đơn phương ngắn ngủi. Nga cũng cáo buộc Ukraine tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công, kéo dài giao tranh.
Theo các quan chức Nga, nỗ lực giải quyết xung đột rất khó khăn và phức tạp. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi hiểu Washington muốn đạt được thành công nhanh chóng trong quá trình chấm dứt xung đột, nhưng chúng tôi thấy rằng tiến trình này rất phức tạp, có nhiều câu hỏi và chi tiết cần được giải quyết”.
Ukraine đang yêu cầu một lệnh ngừng bắn tạm thời vô điều kiện, trong thời gian đó các cuộc đàm phán có thể diễn ra. Ông Zelensky cũng muốn các bên thực hiện động thái xây dựng lòng tin, chẳng hạn như thả tù nhân chiến tranh - điều mà hai bên đã nhất trí trong cuộc đàm phán hôm 16/5. Dự kiến, Nga và Ukraine sẽ trao đổi 1.000 tù nhân và đây sẽ là cuộc trao đổi lớn nhất từ trước đến nay.
Nhưng Ukraine cũng duy trì sự linh hoạt trong lập trường đàm phán bằng cách chấp nhận các đề xuất của ông Trump để tránh gây rạn nứt trong quan hệ với Mỹ. "Họ đang tìm mọi cách giữ Mỹ ở bên mình", ông Balazs Jarabik - nhà phân tích chuyên nghiên cứu về Đông Âu và Ukraine cho biết.
Vào tháng 3, Ukraine đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày. Vào tháng 4, Kiev cũng ký một thỏa thuận khoáng sản mang tính bước ngoặt với Washington sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng.
"Ukraine đã chứng minh rằng chúng tôi luôn ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình và ủng hộ kế hoạch của ông Trump. Bây giờ quả bóng đang nằm trên sân của Mỹ”, Mykola Davydiuk, một nhà khoa học chính trị người Ukraine lưu ý.
Hiện chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa ban bố bất cứ lệnh trừng phạt mới nào với ngành năng lượng Nga bất chấp sức ép từ châu Âu và từ trong nước. Trước đó, ông Zelensky đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một gói trừng phạt do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsay Graham đề xuất tại Quốc hội Mỹ, theo đó sẽ áp đặt mức thuế 500% đối với đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu, khí đốt, urani và các sản phẩm khác của Nga. Ông Graham đã nói rằng ông có đủ sự ủng hộ tại Hạ viện để đưa dự luật ra thảo luận.
Ông Zelensky nhấn mạnh: “Cần phải có phản ứng mạnh mẽ, bao gồm cả lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng và các ngân hàng của Nga. Áp lực đối với Nga phải tiếp tục gia tăng cho đến khi đạt được tiến triển thực sự trong đàm phán hòa bình".
Tình hình khác biệt trên chiến trường
Đối với những binh sỹ Ukraine chiến đấu dọc theo tuyến đầu dài 1.000 km, những diễn biến chính trị trong tuần qua trái ngược hoàn toàn với tình hình trên thực địa.
Các nhà phân tích cho biết, Nga đang ở ngã rẽ quan trọng trong cuộc chiến vì họ vừa có thể đàm phán một lệnh ngừng bắn lại vừa củng cố lợi thế. Moscow nhiều khả năng sẽ phát động một cuộc tấn công mới trong mùa hè để phát huy tối đa lợi thế trước khi mùa đông bắt đầu.
Trái lại, Ukraine luôn ở thế bất lợi, trong khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và đạn dược nghiêm trọng. Các nhà phân tích ước tính, Kiev chỉ có khả năng trụ vững trong vòng từ 6 tháng đến 2 năm tới. Mọi hoạt động của quân đội nước này sẽ phụ thuộc vào các gói viện trợ mà Ukraine nhận được từ các đối tác và tốc độ mở rộng sản xuất vũ khí trong nước.
Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine cho biết, thời gian gần đây, quân đội Nga đã tăng cường các hoạt động tấn công ở các khu vực Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Các binh sĩ Ukraine cho rằng, mục tiêu của Nga là tiếp cận biên giới của khu vực Dnipropetrovsk, để có thể giành thêm lãnh thổ.