Lựa chọn nào cho OPEC trong cuộc họp sắp tới?
Giá dầu tăng trở lại trong phiên hôm qua với giá WTI tăng 0.32% lên 73.08 USD/thùng, giá Brent tăng 0.51% lên 75.19 USD/thùng khi tồn kho giảm mạnh hơn dự kiến.
Tuy nhiên, áp lực gia tăng sản lượng lên nhóm OPEC đang tăng dần lên, khi mức giá cao đang khiến cho nhóm này có nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ. Theo dữ liệu của Reuters, tỷ lệ dầu nhập khẩu từ Trung Đông của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 tháng.
Ấn Độ nhập khẩu dầu thô khoảng 2.8 triệu thùng/ngày từ OPEC trong năm 2020, tương đương với khoảng 9% tổng xuất khẩu của nhóm và do đó là thị trường khá quan trọng với các thành viên. Trong tháng 5 vừa qua, thị phần của OPEC tại Ấn Độ đã giảm từ 67.9% xuống 52.7% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2019, khi các nhà máy lọc dầu tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế từ các nước Mỹ Latinh, Mỹ, Địa Trung Hải. Thị phần dầu nhập khẩu từ Canada đã tăng khoảng 3 lần trong 1 tháng.
Đương nhiên trong trường hợp các nhà máy sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục hạn chế gia tăng sản lượng, OPEC sẽ có thêm khả năng chi phối thị trường và bù đắp lượng sụt giảm tại Ấn Độ. Tuy nhiên, với mức giá đủ cao, các hãng sản xuất dầu đá phiến sẽ có thêm động lực quay lại thị trường và tranh giành thị phần với OPEC. Mặc dù đều ủng hộ cắt giảm carbon, Canada và Na Uy đều đang hướng đến gia tăng đầu tư, sản xuất “dầu xanh” bằng các công nghệ mới để hạn chế khí thải, thay vì chuyển hoàn toàn sang “năng lượng xanh”.
Theo Wall Street Journal, OPEC đang thảo luận mức tăng 500,000 thùng/ngày từ tháng 8. Tuy nhiên với con số ước tính thiếu hụt 3 triệu thùng/ngày, mức tăng này không có nhiều ý nghĩa. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, giá dầu có khả năng tiến tới gần 80 USD/thùng trong thời gian tới.
Giá dầu WTI nhiều khả năng sẽ giao dịch trong khoảng hẹp ngày hôm nay ở mức 73-73.5 USD/thùng. Sẽ cần có thêm các thông tin tích cực hơn để giá tiến tới tới vùng 75 USD/thùng.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lua-chon-nao-cho-opec-trong-cuoc-hop-sap-toi-615315.html