Lựa chọn nhà đầu tư Dự án cảng Cần Giờ: Ngổn ngang pháp lý
Với Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, việc Liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A đề nghị được áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là chưa có cơ sở để xem xét.
Lợi thì rất lớn
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa ký văn bản khẩn cho ý kiến đối với yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lấy ý kiến thẩm định Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phân tích về hiệu quả kinh tế, UBND TP.HCM cho hay, dự án này sẽ thu hút được vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách khoảng 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm, thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, Dự án tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 người lao động làm việc tại cảng, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...
Dự án còn tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Theo Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, “siêu” cảng Cần Giờ được đầu tư với mục tiêu khai thác phần lớn hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu đối tác MSC mang từ các nước trong khu vực về, phần nhỏ hàng hóa xuất nhập khẩu trong nước chính là thị phần mà MSC đang khai thác hiện nay, nên hầu như không tác động đến sự phát triển của các cảng trong khu vực và kế hoạch di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận ra khu cảng Hiệp Phước theo quy hoạch.
Ngoài ra, việc phát triển “siêu” cảng quốc tế Cần Giờ còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển do nhu cầu hình thành các tuyến vận tải gom và phân phối hàng từ cảng trung chuyển, đóng vai trò quan trọng, kích thích sự phát triển, đổi mới của các doanh nghiệp cũng như hoạt động logistics; hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam bộ.
Đối với quốc gia, Dự án sẽ định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải, với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực, thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, hỗ trợ đắc lực hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.
“Cân não” đấu giá đất hay không
Theo những gì UBND TP.HCM phân tích thì “siêu” dự án cảng quốc tế Cần Giờ hội tụ nhiều điều kiện và được sự ủng hộ lớn.
Vấn đề “cân não”, theo UBND TP.HCM, Dự án được đề xuất thực hiện trên diện tích đất 576 ha, trong đó có 93,37 ha đất lâm nghiệp (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ), khoảng 114,07 ha đất bằng chưa sử dụng và khoảng 362,56 ha đất sông, rạch. Đây toàn bộ là đất do Nhà nước quản lý.
Theo quy định tại Luật Đất đai, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ cảng biển tại khu đất do Nhà nước quản lý mặc dù thuộc lĩnh vực cảng biển đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhưng là dự án đầu tư kinh doanh với mục đích thương mại, dịch vụ. Vì vậy, phải có ý kiến chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc dự án có hay không thuộc trường hợp phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Đây là mấu chốt để quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư, bởi theo quy định của Luật Đấu thầu, để có cơ sở tổ chức đấu thầu, thì dự án không thuộc trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Riêng việc phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, thì việc Liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A đề nghị được áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là chưa có cơ sở để xem xét. Đó là chưa nói, Liên danh cũng chưa đề xuất được lý do để được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư nêu trên.
Mặt khác, Dự án thuộc danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng quy định rõ quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Do vậy, UBND TP.HCM cho rằng, có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy trình quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Vấn đề phát sinh là, tại Điều 7, Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định, trường hợp áp dụng quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, thì nhà đầu tư chiến lược có nghĩa vụ: “Phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án”.
Thế nhưng, Liên danh lại đang đề xuất giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn từ năm 2027 tới năm 2045, tức kéo dài tới 18 năm theo tiến độ đầu tư dự án.
Những ngổn ngang khác
Theo UBND TP.HCM, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, thì Dự án đã được quy hoạch, định hướng phát triển tại Nghị quyết số 81/2013/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội Khóa XV về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 cua Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31- NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án cũng thuộc danh mục công trình dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) mà Thủ tướng đã duyệt theo tờ trình của UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, trong Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vị trí đề xuất Dự án (cù lao Ông Chó, khu vực cửa sông Cái Mép, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) chưa được quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và chưa được quy hoạch cảng biển với chức năng là cảng trung chuyển quốc tế.
Hồi tháng 6/2023, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải bổ sung điều chỉnh quy hoạch bến cảng tiềm năng Cần Giờ thành Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và bổ sung vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư.
Hiện tại, Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Mặt khác, Dự án thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và UBND TP.HCM đã giao Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ xây dựng hồ sơ đề cử vùng đất ngập nước cửa sông ven biển Cần Giờ thành khu Ramsar.
Theo hồ sơ của Liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A, thì mới có nội dung báo cáo về đánh giá tác động môi trường tại Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, chứ chưa có đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Với những “ngổn ngang” trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư cần lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với vấn đề mấu chốt nhất là, Dự án sẽ đấu giá hay không đấu giá quyền sử dụng đất?