Lựa chọn nhà thầu cho dự án trọng điểm Quốc gia là mấu chốt tác động mục tiêu phát triển bền vững

Góp ý vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, việc lựa chọn nhà thầu tham gia từng khâu của công trình phải minh bạch, bảo đảm năng lực, kinh nghiệm, không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là lỗi nhỏ nhất.

Cách đây hơn 2 năm, tại trụ sở Chính phủ, chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cố Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, khi đó là Trưởng Ban Chỉ đạo, đã nhấn mạnh: Đây là công trình trọng điểm Quốc gia, không cho phép khâu nào chậm, chỗ nào vướng thì báo cáo ngay để có thể hoàn thành dự án đúng tiến độ. Góp ý vào dự án, các chuyên gia, nhà khoa học cũng khẳng định, việc lựa chọn các nhà thầu tham gia từng khâu của công trình phải minh bạch, bảo đảm năng lực, kinh nghiệm, không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là lỗi nhỏ nhất.

Đất nước ta đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững Quốc gia trên việc cân bằng 3 trụ cột: Kinh tế - Môi trường – Xã hội. Và những dự án trọng điểm khi triển khai cũng phải bảo đảm bền vững 3 trụ cột đó. Bài viết dưới góc nhìn của Tạp chí Kinh tế môi trường đưa ra góc nhìn khách quan qua việc đánh giá lộ trình thực hiện các khâu của dự án sân bay Long Thành, từ đó, giúp cho bạn đọc, người dân... hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của những dự án trọng điểm Quốc gia nói chung.

Bài 1: Từ tiêu chí dự án trọng điểm Quốc gia

đến trách nhiệm của chủ đầu tư

Trước hết, một dự án, công trình được coi là trọng điểm Quốc gia, phải được đánh giá dựa trên các tiêu chí cụ thể. Và chủ đầu tư của những dự án này phải thể hiện được vị thế, tầm vóc tương xứng, từ đó mới gánh vác được vai trò và trách nhiệm của mình.

 Hiện tại đường băng số 1 của sân bay Long Thành đang thi công nhanh, vượt tiến độ. - Ảnh: ACV

Hiện tại đường băng số 1 của sân bay Long Thành đang thi công nhanh, vượt tiến độ. - Ảnh: ACV

Từ chính sách về tiêu chí phân loại đến thực tiễn dự án sân bay Long Thành

Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây:

- Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên;

- Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

- Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

- Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

- Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Từ các tiêu chí phân loại trên, cho thấy sân bay Long Thành là siêu dự án trọng điểm Quốc gia, và vai trò của các chủ đầu tư – trong đó có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), là vô cùng quan trọng. Việc lựa chọn các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, uy tín cho từng hạng mục dự án phải hết sức khắt khe, rà soát chặt chẽ, điều đó thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư.

Trước hết, để đánh giá tiến độ dự án hiện nay, chúng ta nhìn lại lộ trình dự án sân bay Long Thành đã đi qua. Từ bức tranh đó, sẽ đánh giá được chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu cho từng hạng mục trước đây đạt kết quả như thế nào.

 Dự án Sân bay Long Thành bảo đảm 3 trụ cột Kinh tế - Môi trường - Xã hội.

Dự án Sân bay Long Thành bảo đảm 3 trụ cột Kinh tế - Môi trường - Xã hội.

Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 336.630 tỷ đồng (trên 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1, dự án xây dựng trên diện tích hơn 2.500 ha, giá trị đầu tư 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD) gồm một đường cất hạ cánh (gói 5.10), nhà ga hành khách (gói 4.6) cùng các hạng mục phụ trợ (đường kết nối, tháp không lưu…) với công suất 25 triệu khách/năm. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác năm 2026.

Ngay từ giữa năm 2022, khối lượng thi công san nền cho mặt bằng dự án sân bay Long Thành đã đạt khoảng 13,5 triệu m3, khi đó, việc san nền cho nhà ga đã xong, mặc dù thời tiết từ đầu tháng 6 đến tháng 7/2022 có 23 ngày mưa.

Cùng thời điểm trên, công tác thiết kế kỹ thuật đã hoàn tất, hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế bao gồm trên 8.000 bản vẽ, thuyết minh các bộ môn (kết cấu, kiến trúc, cơ điện, thiết bị, nội thất, cảnh quan...), được ACV, Ban Quản lý dự án thành phần 3 phối hợp chặt chẽ với liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thẩm tra, các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng tập trung toàn bộ nhân sự thực hiện song song để bảo đảm tiến độ thẩm định.

Đặc biệt, trong thời điểm tháng 7/2022, về thiết kế kỹ thuật cho dự án sân bay Long Thành đã được ACV phối hợp các đơn vị liên ngành tập trung hoàn thành phê duyệt thiết kế nhà ga, công trình có giá trị 40.000 tỷ đồng. Đây là khâu tiền đề quan trọng để thực hiện công tác đấu thầu cho từng hạng mục.

Đến nay, sau hơn 2 năm, kể từ khi các thiết kế kỹ thuật cho dự án sân bay Long Thành được hoàn thành, phê duyệt, các nhà thầu sau khi trúng thầu đã triển khai như thế nào, kết quả ra sao? Những vấn đề này được trả lời dựa trên các quyết định vô cùng quan trọng từ phía chủ đầu tư, bởi khi lựa chọn nhà thầu không rà soát chặt chẽ các tiêu chí, không đánh giá đúng năng lực, kinh nghiệm thì kết quả và hậu quả không thể đo lường, nhất là đối với 1 dự án trọng điểm như sân bay Long Thành.

Đánh giá hiện trạng các gói thầudự án sân bay Long Thành – Vượt tiến độ nhiều hạng mục công trình do ACV làm chủ đầu tư

 ACV dồn toàn lực cho dự án thành phần 3 xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

ACV dồn toàn lực cho dự án thành phần 3 xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 xây dựng các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước do các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 xây dựng công trình phục vụ quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu do ACV làm chủ đầu tư.

Theo đánh giá hiện trạng các gói thầu đến nay, nhìn lại toàn cảnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cho thấy các hạng mục lớn đều đã hoàn thành san nền, sẵn sàng triển khai các công trình.

Tại dự án thành phần 2 - xây dựng công trình phục vụ quản lý bay, ghi nhận cho thấy nhiều hạng mục vượt tiến độ, riêng tháp không lưu vượt tiến độ khoảng 70 ngày.

Với hạng mục trạm radar sơ cấp/thứ cấp, trạm phát sóng vô tuyến, trạm thu sóng vô tuyến, đều cơ bản hoàn thành phần thô bê tông cốt thép ở nhà chính, chuẩn bị sản xuất kết cấu thép, thi công dầm sàn. Riêng đài dẫn đường đa hướng và đo cự ly đang thi công các bể ngầm, đạt 90% khối lượng.

Tại dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước, tới nay các đơn vị liên quan vẫn đang ở đoạn chuẩn bị và chưa khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành trước khi nhà ga hành khách đưa vào sử dụng. Trong đó, đồn công an địa phương và trụ sở cơ quan kiểm dịch y tế thuộc thẩm quyền thực hiện của UBND tỉnh Đồng Nai.

Đặc biệt, bên cạnh các dự án thuộc thành phần 1 và 2, thì tại các gói thầu do ACV làm chủ đầu tư, nhiều hạng mục đã được nhà thầu triển khai thực hiện vượt tiến độ.

Cụ thể, tại gói thầu 5.10 gồm các hạng mục thi công xây dựng nhà ga hành khách (nhà ga trung tâm và ba cánh), liên danh các nhà thầu thi công đã huy động trên công trường gần 3.300 nhân lực và 950 trang thiết bị thi công, để đảm bảo tiến độ, ACV đã yêu cầu Liên danh nhà thầu khắc phục các khó khăn, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Hiện nhà ga hành khách đã cơ bản hoàn thành phần bê tông cốt thép toàn bộ cột tầng 1, thi công bê tông dầm sàn tầng 1 đạt 97.200 m2/ (trên tổng 114.000 m2), đạt 85%. Dự kiến nhà thầu sẽ hoàn thành thi công toàn bộ hạng mục kết cấu bê tông cốt thép trong tháng 9/2024 để tiếp tục lắp dựng kết cấu thép mái. Tiến độ thi công đang vượt tiến độ phần thô hàng chục ngày và vượt tiến độ tổng thể gói thầu so với tiến độ hợp đồng.

Tại gói thầu 4.6 gồm các hạng mục đường cất-hạ cánh (CHC) liên danh nhà thầu thi công đã huy động 1.500 nhân sự và 350 trang thiết bị máy móc với 50 mũi thi công để phục vụ thi công gói thầu. Đến nay nhà thầu đã hoàn thành cơ bản phần nền móng và hạng mục kết cấu lòng đường hạ cất cánh. Đối với phần kết cấu lề đường CHC phần nền móng đạt 62,22%, các lớp bê tông nhựa dự kiến triển khai thi công trong tháng 9/2024 để hoàn thiện đồng bộ với phần lòng đường CHC.

Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Tổng giám đốc ACV cho biết: Dự kiến hết năm 2024 sẽ hoàn thành toàn bộ phần sàn, phần xây dựng phấn đấu trước tháng 12/2025, lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026, cùng với công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026.

Như vậy, có thể thấy, tiến độ của dự án sân bay Long Thành đang được các chủ đầu tư, trong đó có ACV và các đơn vị trúng thầu thực hiện nghiêm ngặt, đáp ứng đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, kỳ vọng tạo đà thúc đẩy phát triển bền vững không chỉ đối với địa phương tỉnh Đồng Nai, mà còn là hành trình kết nối xanh, lan tỏa hiệu quả các giá trị về kinh tế, môi trường và xã hội.

Với những kết quả trên, không lý do gì để công tác xúc tiến các hạng mục tiếp theo của sân bay Long Thành bị đình trệ hay vướng mắc. Điều này, phụ thuộc rất lớn vào việc các chủ đầu tư triển khai công tác đấu thầu và lựa chọn được nhà thầu thực sự năng lực, đáp ứng toàn diện các tiêu chí đặt ra.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại gói thầu 4.7 về thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác của dự án thành phần 3 (thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1) do ACV làm chủ đầu tư đã xảy ra kiến nghị từ phía nhà thầu Liên danh 1 tham gia đấu thầu gói dự án. Về vấn đề này, ACV khẳng định không hủy kết quả đấu thầu, bởi Liên danh 1 đã mắc lỗi theo quy định Luật Đấu thầu.

Khách quan cho thấy, với vai trò của chủ đầu tư một dự án trọng điểm Quốc gia, thì tiêu chí lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt, và việc ACV không lựa chọn nhà thầu mắc lỗi, có năng lực kinh nghiệm xét trên thực tế không bằng nhà thầu khác, trong khi các hạng mục trước đây do ACV làm chủ đầu tư như đã nêu trên, là được các nhà thầu thực hiện rất hiệu quả, thì để an toàn trong tiến độ và bảo đảm chất lượng của dự án, cho thấy quyết định của ACV là hoàn toàn dễ hiểu, đúng quy định và tạo được sự đồng thuận của nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Để biết, vì sao ACV không lựa chọn nhà thầu Liên danh 1 cho gói thầu 4.7, chúng tôi xin làm rõ ở bài viết sau.

Bài 2: Từ dự án thành phần 3 sân bay Long Thành: Bài học kinh nghiệm cho nhà thầu

Nhóm PV

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lua-chon-nha-thau-cho-du-an-trong-diem-quoc-gia-la-mau-chot-tac-dong-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-92334.html