Lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu trong danh sách để bầu chọn vào Ban Chấp hành
Ngày 30/1, các đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng tiếp tục ngày làm việc về công tác nhân sự.
Trong phiên trước đó, các đại biểu đã nghiên cứu tài liệu và thảo luận về nhân sự được dự kiến giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Ghi Phiếu ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Các đại biểu nghe Tiểu ban Nhân sự nhận báo cáo của các đoàn về việc ứng cử, đề cử.
Đoàn Chủ tịch nghe các đồng chí Trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đoàn Chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đến các đoàn.
Các đại biểu ghi Phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đoàn Chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử.
Trao đổi với phóng viên bên lề Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: “Công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao; Đồng thời tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó, nhất quán thực hiện theo đúng nguyên tắc của Đảng”.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Bình, công tác nhân sự thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; Giữa tính phổ biến và tính đặc thù; Giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; Giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; Trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; Bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc…, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
“Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân”, đại biểu Bình nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Bùi Chí Thành, đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Qua nghiên cứu, theo dõi, tôi biết rằng, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng được tiến hành ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, qua nhiều kỳ hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trong công tác nhân sự Ban Chấp hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta từ nhiệm kỳ VI đến nhiệm kỳ XII, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới”.
Quan các phiên thảo luận về công tác nhân sự, đại biểu Bùi Chí Thành đánh giá, đây là một quá trình đã được làm dày công, kỹ lưỡng và rất chặt chẽ; Lấy ý kiến nhiều cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, thể hiện tính dân chủ rất cao. “Các đồng chí được giới thiệu kỳ này đã được đánh giá trên tinh thần hết sức dân chủ, khách quan, trên cơ sở xuyên suốt quá trình công tác, thể hiện qua những sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác đó,” đại biểu Bùi Chí Thành nhận định.
Bản thân ông và nhiều đại biểu khác dự Đại hội kỳ vọng Đại hội sẽ bầu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là những đồng chí tiêu biểu trong những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho hơn 5 triệu Đảng viên của cả nước, tiếp tục lãnh đạo đưa đất nước ta phát triển trong thời kỳ mới cũng như nâng tầm uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Sau khi nghe đoàn Chủ tịch báo cáo về đề án nhân sự, đoàn Đại biểu Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như các đoàn đại biểu khác đã nghiên cứu kỹ đề án nhân sự cũng như lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu trong danh sách để bầu chọn vào Ban Chấp hành theo kỳ vọng của nhân dân cả nước”, đại biểu Bùi Chí Thành cho biết.
Nhiều đại biểu kỳ vọng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đảm bảo chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, vừa có sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.