Lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT: Ưu tiên giảm áp lực cho học sinh

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT). Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tích cực hoàn thiện phương án thi với phương châm đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu; đồng thời gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực cho học sinh; tốn kém cho gia đình.

3 phương án thi

Lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn thành chu kỳ đầu tiên ở cấp THPT vào năm 2025 - năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp. Cả nước có khoảng 1 triệu học sinh đang theo học lớp 11 và sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025. Vì vậy, dự thảo phương án tổ chức kỳ thi này từ năm 2025 đang được học sinh, phụ huynh và các nhà giáo đặc biệt quan tâm. Hiện tại, Bộ (GD&ĐT) đang thực hiện lấy ý kiến khảo sát phương án tổ chức kỳ thi. Cụ thể, có 3 phương án được đưa ra, gồm:

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: T.P

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: T.P

Phương án 4 + 2: Học sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án 3 + 2: Học sinh học chương trình THPT phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử). Phương án 2+2: Học sinh thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử). Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng biệt. Trong đó, phương án 4 + 2 có ưu điểm là các môn bắt buộc đều được tổ chức thi. Việc được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp học sinh phát huy năng lực sở trường; tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là làm tăng áp lực thi cử cho học sinh và công tác tổ chức thi.

Với phương án 3 + 2, ưu điểm là công tác tổ chức thi và việc thi của học sinh sẽ được giảm nhẹ hơn, giảm áp lực, giảm tốn kém so với hiện nay. Số buổi thi bằng số buổi thi hiện nay; cân bằng hơn (so với phương án 4 + 2) cho học sinh chọn học và chọn thi giữa tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Việc được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp học sinh phát huy năng lực sở trường; tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào các cơ sở giáo dục đại học. Phương án 3 + 2 cũng kế thừa về cách lựa chọn môn thi đã ổn định trong thời gian dài vừa qua. Song nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học Lịch sử đối với các học sinh không chọn môn này để thi và có thể dẫn đến xu hướng tăng việc lựa tổ hợp tuyển sinh Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, làm giảm một phần vai trò của nhóm môn học tự chọn.

Còn với phương án 2 + 2, ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh, đồng thời giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (học sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi 3 buổi, giảm 1 buổi thi so với hiện nay. Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó, học sinh được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các em sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào các cơ sở giáo dục đại học. Dẫu thế, nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ. Hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.

Thấp thỏm chờ phương án chính thức

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, phương án thi chính thức sẽ được công bố trong quý IV/2023. Thời điểm này, các em học sinh lớp 11 đang mong chờ từng ngày phương án thi cụ thể để có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Trần Bảo An (học sinh lớp 11 Trường THPT Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Chúng em là lứa học sinh THPT đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên có rất nhiều bỡ ngỡ. Theo em, phương án 2 + 2 khá hợp lý, giúp giảm bớt gánh nặng cho học sinh thay vì phải thi 5, 6 môn (trong đó có 2 môn tự chọn) như hai phương án còn lại. Để không bị ảnh hưởng đến quá trình định hướng trong học tập cũng như ôn luyện, em mong có phương án thi tốt nghiệp THPT sớm nhất”.

Chung quan điểm, Trần Thị Minh Anh (học sinh lớp 11 Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Em hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ chốt phương án 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Điều này vừa giảm áp lực về số môn bắt buộc, lại vừa tạo động lực, khích lệ chúng em học thật tốt các môn mình yêu thích để chuẩn bị thật tốt cho việc chọn ngành, chọn trường ở bậc đại học”.

Chị Nguyễn Hạnh Quỳnh (phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) cũng cho biết: “Con lớn nhà tôi năm nay học lớp 11. Vì con chỉ học Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT, không được hưởng trọn vẹn thành tựu của Chương trình và lại là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Theo tôi, phương án 2 + 2 là phù hợp, giúp giảm áp lực hẳn cho các con”.

Dù là phương án được đưa ra sau, song phương án 2 + 2 đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình rất cao từ dư luận, trong đó có đội ngũ giáo viên. Cô giáo Cao Thanh Hà (giáo viên Trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) nêu quan điểm: “Phương án này giảm áp lực nhiều nhất cho học sinh, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả làm dữ liệu để tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, sớm đưa ra phương án thi hợp lý nhất để tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp”.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lua-chon-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-uu-tien-giam-ap-luc-cho-hoc-sinh-162108.html