Lựa chọn Quan Hồ Thẩn

Xã Quan Hồ Thẩn được sáp nhập trên cơ sở 3 xã Quan Thần Sán, Cán Hồ và Mản Thẩn theo Nghị quyết 896 ngày 11/2/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tỉnh Lào Cai. Đây là xã được đánh giá đi đầu trong triển khai điểm có hiệu lực từ 1/3/2020 của huyện Si Ma Cai.

Trung tâm Quan Hồ Thẩn hôm nay. Ảnh: Mạnh Dũng

Trung tâm Quan Hồ Thẩn hôm nay. Ảnh: Mạnh Dũng

Miền quê vùng cao chuyển mình

Si Ma Cai, vùng đất biên giới giáp với huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hiện có 10 đơn vị hành chính cấp xã so với 17 đơn vị hành chính cấp xã khi mới thành lập tháng 11/1966. Nơi đây còn vang vọng truyền thuyết ngựa thần trấn giữ biên ải, chẳng thế mà tên huyện xưa theo tiếng địa phương, mượn danh chợ ngựa mới có tên là Xín Ma Cái. Đây cũng là quê hương của cuộc khởi nghĩa chống Pháp hồi đầu thế kỷ XIX của đồng bào Mông do thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng lãnh đạo và cũng là quê hương người đội trưởng du kích xã Sín Hồ Sán, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Giàng Lao Pà. Người bạn thân của ông cùng thời là ông Cư Hòa Vần quê ở xã Quan Thần Sán, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X, khi về Trung ương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Bí thư Chi bộ xã Quan Thần Sán năm xưa Lý Seo Lẩu kể lại: Sau ngày huyện Si Ma Cai tái lập, đầu Xuân Tân Tỵ 2001, Chủ tịch Cư Hòa Vần về thăm quê. Đến thăm trụ sở xã, ông kể nhiều chuyện làm ăn giỏi ở các vùng miền, nhất là trong Tây Nguyên. Tuy nhiên, vào thăm đồng bào Mông quê mình di cư vào Đắc Lắc, Đắc Nông thấy khổ quá, không theo kịp người ta. Về nhà thấy quê hương đổi thay, đồng bào ngô lúa đầy sàn mà mừng.

Theo lời Chủ tịch Cư Hòa Vần, rừng nguyên sinh Quan Thần Sán là nơi có ngọn núi cao nhất vùng, nhiều cây thuốc quý như sâm đất, chiu nhìu lỳ, thanh mai, trồng ngô, cấy lúa ít năm mất mùa. Ngày nhỏ ông được người già kể rằng, xưa có trận dông bão, mưa to, sét đánh xẻ làm nhiều mảnh một cây cổ thụ có nhiều nấm linh chi trên đỉnh núi, nên địa danh Quan Thần Sán có tên từ đó. Nơi gốc cây bị sét đánh hiện là cột mốc trắc địa, trong vùng đồng bào ai cũng biết, luôn bảo vệ. Còn phía dưới chân núi là cánh đồng Cán Hồ, vựa lúa, cá của cả vùng. Cánh đồng có khe nước chảy từ núi Quan Thần Sán về và mất hút trong khe đá cạnh bản Pù Chù Ván. Tuy nhiên, khi mùa mưa lũ về thường ngập nước, đêm trăng ánh lên nhìn như cái gương trời. Lú Hồ là cái gương theo tiếng Mông mà! Còn phía bên kia núi Quan Thần Sán là Mản Thẩn, trên đường đi chợ Si, đến đây người, ngựa cứ nhàn nhã bước đi theo đường mòn thoai thoải và dừng nghỉ trước khi xuống chợ. 3 xã xưa là nơi huyện lỵ Si Ma Cai tựa lưng vào, là vựa ngô, vựa lúa, là hậu cứ của huyện trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979. Nay có huyện mới về, phải đoàn kết, hợp lực để vươn lên…

Còn nguyên Bí thư xã Cán Hồ Sùng Seo Vần thì nhớ rành rọt về quê mình khi từng dẫn Đội văn nghệ đi tham gia hội diễn và từng đoạt giải với tiết mục múa xinh tiền trong Hội thi văn nghệ quần chúng của tỉnh Lào Cai khi xưa. Đội còn được tỉnh chọn đi biểu diễn tận Khu tự trị Việt Bắc. Cánh đồng Cán Hồ từng là điểm sáng đăng nhiều kỳ trên báo Lào Cai đổi mới về thâm canh cây đậu tương vàng, cây lanh vụ xuân những năm còn hợp tác xã vùng cao. Suối chảy dọc cánh đồng có nhiều con hến, con trai giúp cải thiện đời sống cho giáo viên vùng cao năm xưa…

Việc sáp nhập xã, thôn, bản, ông nói: Trên chỉ đạo đúng rồi, khi xưa thời ông công tác cũng đã mấy lần huyện, xã bàn đến, nhưng không thuộc thẩm quyền. Giờ đây đường, điện, trường học được trên đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, dân trồng ngô lai, thâm canh cây ăn quả, nuôi trâu, ngựa cũng khác xưa, năng suất hơn nhiều. Có mấy thanh niên sang bên kia biên giới lao động đã học hỏi được nhiều cách làm giàu, giờ mùa covid ở nhà không đi nữa, họ đầu tư làm giỏi lắm! Xã lớn, cách nghĩ, cách làm cũng rộng đường.

Thế mới là Quan Hồ Thẩn!

Theo Bí thư Đảng ủy xã Giàng Seo Châu, thực hiện chủ trương tinh giản đầu mối, đơn vị cấp huyện, xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 xã không đạt 50% đồng thời 2 tiêu chí về diện tích và dân số sẽ sáp nhập thành xã mới. Khi trên có chủ trương, huyện chỉ đạo việc hợp nhất, bí thư, chủ tịch 3 xã từng gặp nhau mấy lần trao đổi, suy nghĩ lắm chứ! Chẳng tư tưởng sao được. 3 bí thư xã, 3 chủ tịch xã, các phó chủ tịch và cán bộ đầu ngành, đoàn thể đều gấp 3, bộ máy hành chính 49 người, chưa kể 19 trưởng thôn, bản, ai ở lại, ai chuyển, ai nghỉ chế độ. Thật nan giải. Tất cả phải đặt lợi ích công việc theo chủ trương mới và trách nhiệm đảng viên thực hiện nghị quyết của Đảng thôi. Danh xưng khi hợp nhất là Quan Hồ Thẩn là theo nguyện vọng của đồng bào. Khi triển khai kế hoạch sáp nhập, trên làm dân chủ, chỉ đạo họp các bản 3 xã cũ. Thôi, lấy tên ghép 3 xã cũ để nhớ về cội nguồn là hợp lý. Cái lý người vùng cao thật đơn giản. Còn trụ sở xã cũng phải thảo luận và chờ ý kiến chỉ đạo của huyện. Hôm nay, Đảng bộ xã có 321 đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ, trong đó 8 chi bộ thôn sáp nhập từ 17 thôn, còn lại là các chi bộ trường học. Sau Đại hội Đảng bộ xã, mọi công việc chỉ đạo vẫn vận hành đều tay, mỗi tháng, bí thư, chủ tịch đi dự sinh hoạt với một chi bộ để lắng nghe ý kiến từ thôn, bản và giải quyết khúc mắc tồn đọng khi sáp nhập xã, nhất là vấn đề cán bộ. Có lẽ phải có thời gian tổ chức kiện toàn vị trí công việc, công tác cho cán bộ, công chức, viên chức xã theo đúng Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định. Hiện, 3 trường hợp cán bộ xã đã được giải quyết, 11 trưởng thôn dư ra cũng được bố trí nhiệm vụ phù hợp.

Còn theo Chủ tịch xã Giàng A Phừ, việc tinh giản biên chế công chức, viên chức phải kiên trì, trước mắt vận động, sau đó là nêu tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức thời kỳ mới, tự mỗi người nhận xét, cấp ủy cho ý kiến, trình lên huyện. Mọi việc rồi cũng xuôi.

Hôm nay đội ngũ cán bộ xã Quan Hồ Thẩn đều trẻ, đủ chuẩn. Bí thư Giàng Seo Châu, kỹ sư nông nghiệp, nguyên cán bộ xã Mản Thẩn cũ, còn Chủ tịch xã là cán bộ Phòng Nội vụ từng được luân chuyển thử thách về xã Thào Chư Phìn, trước yêu cầu nhiệm vụ, trên quyết định điều về, gánh trách nhiệm lớn của xã hợp nhất.

Trước câu hỏi về lợi thế của xã khi sáp nhập có khác trước không? Chủ tịch xã Giàng Seo Phừ khẳng định: Xã có diện tích 31,4 km2, trải dài trên núi Quan Thần Sán, nơi có độ cao nhất vùng, dân số 5.154 nhân khẩu ở 8 thôn, bản, lợi thế kinh tế trước đó nay được nhân lên chứ. Được trên đầu tư, giúp đỡ, diện tích ngô, lúa, đậu tương vàng được thâm canh, năng suất cao hơn. Cây ăn quả ở Quan Thần Sán đã có thương hiệu, dễ bán. Vùng cây tam thất Mản Thẩn năm qua bị sâu bệnh, mưa đá thiệt hại nặng phải khôi phục vào năm tới. Còn chăn nuôi trâu, ngựa, lợn và gia cầm đã thành nếp quen, chỉ coi trọng phòng bệnh là được.

Thế định hướng tới năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của xã có những lựa chọn đột phá gì so với các xã bên? Sẽ quán triệt và triển khai hiệu quả 10 đề án trọng tâm của huyện. Trước tiên, Quan Hồ Thẩn luôn phấn đấu là điểm tựa cho khu trung tâm huyện trong thâm canh như vùng lúa, đậu tương nơi cánh đồng Cán Hồ; vùng cây hoa màu, cây thuốc Mản Thẩn; vùng ngô lai Quan Thần Sán. Thâm canh và mở rộng diện tích cây ăn quả, tranh thủ sự giúp đỡ của các phòng, ban huyện về kỹ thuật, bảo vệ thực vật, thâm canh, quyết tâm có thêm sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Rừng Quan Thần Sán là rừng nguyên sinh, nhiều cây quý hiếm, nhất là cây thuốc như cây thanh mai, đẳng sâm mới phát hiện, đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khoanh nuôi, bảo tồn sẽ gắn với mô hình du lịch sinh thái. Phát triển và mở rộng 15 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ có thu nhập 50 triệu đồng trở lên, xây dựng hợp tác xã liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp. Tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết vấn đề cán bộ sau sáp nhập, tạo sự thống nhất, đoàn kết cao trong chỉ đạo ở cơ sở. Tăng cường nâng cao sự lãnh đạo của chi bộ thôn, bản, trường học, củng cố các chi bộ trong sinh hoạt chính trị, tư tưởng, công tác nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến năm 2025, xã phấn đấu giữ vững tăng trưởng kinh tế GRDP, bình quân đầu người trên 80 triệu đồng, thu nhập bình quân 48 triệu đồng/người/năm; giảm 6% hộ nghèo hằng năm, đạt đủ các tiêu chí nông thôn mới.

Quan Hồ Thẩn đã bước sang trang mới. Một cách làm mới trong chuyển dịch kinh tế nông - lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ. Điểm xuất phát đã có nền, định hướng quy hoạch đã rõ, kế hoạch năm được phân kỳ. Đó là lựa chọn của Quan Hồ Thẩn.

Phạm Khắc Xương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/lua-chon-quan-ho-than-z62n20200911143618266.htm