Lựa chọn sách giáo khoa: Cần khách quan, minh bạch
Chia sẻ về dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ủng hộ việc chọn sách giáo khoa trên tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở giáo dục… Tuy nhiên, việc lựa chọn sách giáo khoa phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Sở, phòng không được can thiệp
Sở GD&ĐT từng địa phương, ngoài việc cụ thể hóa tiêu chí chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương mình để các cơ sở giáo dục trực thuộc làm căn cứ chọn; cần có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Thông tư của Bộ; giám sát việc thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa; quá trình thực hiện nhiệm vụ của hội đồng chọn sách giáo khoa ở cơ sở và theo dõi, giúp đỡ các cơ sở trong quá trình triển khai sách đã chọn.Nhưng sở, phòng không được can thiệp cụ thể (với bất kỳ hình thức nào) hoặc gợi ý cho cơ sở phải chọn sách giáo khoa của nhóm tác giả hoặc của một nhà xuất bản nào.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đồng tình, nhất trí với nội dung bản dự thảo. Cụ thể Dự thảo Thông tư phù hợp với Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13. Nhất là phù hợp cho việc dạy và học ở từng cơ sở giáo dục/trường học. Bởi hơn ai hết, từng cơ sở giáo dục, mà cụ thể là tập thể giáo viên ở cơ sở đó sẽ biết ở từng môn học quyển sách nào có nội dung bài học, sử dụng phương ngữ phù hợp với vùng, miền, tâm sinh lý lứa tuổi, phù hợp với điều kiện dạy học tại từng cơ sở, giúp học sinh của mình tiếp thu nội dung từng bài học tốt nhất.
Chia sẻ về dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) cho biết: “Liên quan đến thành phần trong hội đồng chọn sách giáo khoa, có ban đại diện cha mẹ học sinh. Cần quy định cụ thể là đại diện phụ huynh là người có am hiểu hoặc công tác trong lĩnh vực giáo dục như vậy sẽ phù hợp, còn nếu ghi ban đại diện cha mẹ học sinh rất chung chung.
Ngoài ra, phải quy định rằng, việc lựa chọn sách cần có sự thống nhất, lấy ý kiến của tổ chuyên môn, có văn bản rõ ràng. Sau đó tổ trưởng đại diện trình lên hội đồng. Không thể quy định là trên 50%, mà phải cao hơn nữa tỷ lệ phần trăm của tổng số thành viên hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi bỏ phiếu kín…”.
Thầy Trần Văn Minh, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TPHCM) cũng đồng tình với bản Dự thảo của Bộ GD&ĐT về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thầy Minh đề xuất: “Trong một quận, huyện có rất nhiều trường học nên chăng có quy định mỗi quận, huyện thành lập một Hội đồng chọn sách giáo khoa, số lượng thành viên Hội đồng tăng lên.
Trước khi lựa chọn các trường đã có sự bàn bạc, thống nhất trên cơ sở đã tham khảo, đọc kỹ toàn bộ bộ sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT công bố. Họ sẽ đưa ra những ý kiến, phản biện, đóng góp và cuối cùng là bỏ phiếu lựa chọn bộ sách nào. Việc lựa chọn này sẽ tạo điều kiện cho các trường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với nhau dễ dàng hơn theo từng khu vực”.
Đề cao tinh thần chủ động của nhà trường
Liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: “Tất cả sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, 32 đầu sách đó đều có chất lượng, giá trị để thực hiện triển khai trong các trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình thì hội đồng lựa chọn sách phải cân nhắc, tham khảo các ý kiến của giáo viên, phụ huynh thật kỹ lưỡng. Các trường học phải mua cho tủ sách dùng chung và giáo viên phải đọc hết tất các bộ sách để tham mưu việc lựa chọn. Trong quá trình lựa chọn cần lưu ý đến độ phù hợp, hình ảnh, tranh vẽ, các ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh”.
Trao đổi về Dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao Dự thảo, đặc biệt là quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa cho các địa phương được đề cao, trong đó nhấn mạnh vai trò của từng nhà trường. Với giải pháp này, việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Theo ghi nhận ban đầu, Dự thảo nhận được sự đồng thuận cao từ đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo tại Cần Thơ”.
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, công tác lựa chọn sách giáo khoa tại TP Cần Thơ, Sở định hướng theo tinh thần: Thứ nhất, phải tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của Bộ GD&ĐT từ việc xây dựng tiêu chí đến triển khai đến cơ sở giáo dục; giám sát thực hiện phải làm nghiêm túc.
Thứ hai, lựa chọn sách giáo khoa phải đảm bảo ngoài những yếu tố như Thông tư đã quy định, các đơn vị không chọn sách giáo khoa theo kiểu cơ học; mà phải chọn làm sao đảm bảo tính liên thông (liên thông giữa các môn trong cùng 1 lớp; giữa các môn trong cùng 1 cấp học; giữa các môn học và hoạt động giáo dục và giữa các môn trong toàn bộ chương trình phổ thông).
Thứ ba, phải chọn sách giáo khoa theo điều kiện thực tế của địa phương, có sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các cơ sở giáo dục được quyền vận dụng những thành tố tích cực của các phương pháp giáo dục để triển khai dạy học cho học sinh hiệu quả nhất…
Góp ý Dự thảo Thông tư, ông Nguyễn Phúc Tăng cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là tạo sự đồng thuận trong xã hội. Ngành Giáo dục và nhà trường cần có giải pháp để xã hội hiểu và đồng thuận về việc lựa chọn sách giáo khoa. Trên cơ sở đồng thuận, đồng hành, có sự giám sát của xã hội thì tất cả sẽ tin tưởng vào nhà trường để triển khai thành công việc chọn sách giáo khoa và Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhân đây chúng tôi cũng mong muốn các nhà xuất bản cần chủ động trong khâu xuất bản sách giáo khoa. Vì hiện tại có nhiều bộ sách, công tác chuẩn bị in ấn, phát hành và dự báo nhu cầu cần được chủ động để đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho các trường học, phụ huynh và học sinh.