Lựa chọn và tư duy

Bạn sẽ nghĩ gì khi hay tin một tài xế xe ôm công nghệ đã chi đến 70 triệu đồng để làm video và sau đó thu lợi gấp nhiều lần từ nền tảng mạng xã hội. Bạn thấy anh ta liều lĩnh, may mắn hay nhạy bén? Có nhiều cách giải thích nhưng chỉ biết rằng hàng ngày họ vẫn đang sáng tạo nội dung bằng những gì đã quan sát, đã va chạm, chia sẻ nơi phố phường với những người họ gặp. Chính chúng ta đã và đang trực tiếp ủng hộ họ trong số triệu 'view' đó chứ không phải một ai khác.

Có người nghe xong câu chuyện này hẳn sẽ than rằng: “Biết thế… chứ hóa ra mình suốt ngày mặc áo cổ cồn, ngồi phòng điều hòa mà thu nhập không bằng anh chạy grab sao?”. Thật ra chuyện nghề chọn mình hay mình được chọn nghề rất vô cùng, đôi khi còn cần đến cả sự may mắn và cái duyên được gặp nghề, làm nghề mà mình ưa thích, lĩnh vực mà mình có sở trường. Có điều, nếu như sự lựa chọn và sự sàng lọc ấy của xã hội đặt trong áp lực của dư luận lại tạo ra những luồng ý kiến đa chiều.

Lựa chọn thuê xe đạp công cộng cũng là một nét văn hóa mới do chính chúng ta tạo ra.

Lựa chọn thuê xe đạp công cộng cũng là một nét văn hóa mới do chính chúng ta tạo ra.

Tuần qua, có một tin khiến nhiều người cảm thấy lạ: Hai thủ khoa khối A00 (Toán, Lý, Hóa) toàn quốc với 29,35 điểm vẫn không đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nếu không đọc kĩ cách tính điểm của đại học này chúng ta sẽ thấy bất cập và khó hiểu.

Lâu nay, câu chuyện “vào đại học” chưa bao giờ hết nóng trong mấy thập niên qua. Có điều, nó ngày càng thu hút được sự chú ý của nhiều người từ phụ huynh đến xã hội như một phản ứng domino. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến những lựa chọn khác, cơ hội khác như một giải pháp thay vì nhất thiết phải là trường này, phải làm công việc này. Phải chăng nếu biết lựa chọn tiêu chí xét tuyển, nhiều em học sinh sẽ không trượt đại học khi có trong tay 30 điểm như một vài kì tuyển sinh trước đây?

Chúng ta đều biết, không ít người thành công trong cuộc sống lại đang làm trái nghề. Chữ “trái” ở đây là sự khác biệt so với lĩnh vực họ được đào tạo chứ không hề nhầm lẫn hay đang phải “phát huy” sở đoản. Có thể sự lựa chọn đến từ hoàn cảnh hay yếu tố nào khác nhưng sự thành công trong công việc mới là câu trả lời rõ ràng nhất.

Khi người già “nghiện” mạng xã hội.

Khi người già “nghiện” mạng xã hội.

Bấy lâu nay chúng ta vẫn thấy nhiều người già từ bỏ cuộc sống ở đô thị đông đúc để về nông thôn an hưởng sự thanh tĩnh hay tìm đến viện dưỡng lão. Nói cách khác, họ tìm đến một “chân trời” khác để nhường lại sự xô bồ, nhanh gấp và sự cập nhật từng ngày cho người trẻ. Thế nhưng, chuyện người già "nghiện" mạng xã hội ngày nay quả thật là một nghịch lý rất bất ngờ. Từ chỗ người người thức đêm hại sức khỏe đến câu chuyện vui về các bà ngoại like dạo, ông nội chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng; người già sa đà vào hàng online và các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội…. Nhưng, điều lo ngại ở đây còn là sự thay đổi về văn hóa ứng xử trong nề nếp gia đình Việt. Một người con đã nhận xét về mẹ mình như thế này: “Ngày trước bà mê cháu, giờ có lúc cháu muốn chơi với bà nội, bà cũng mặc, nói vài ba câu chiếu lệ rồi bà tiếp tục ôm điện thoại xem clip, tủm tỉm cười…”.

Người già tìm đến với mạng xã hội là sự lựa chọn tự nhiên hay do hoàn cảnh đem lại. Khi con cái thường xuyên vắng nhà vì mưu sinh, khi công viên, các khu vực vui chơi cộng đồng không có nhiều, người già chọn thế giới mạng để tìm niềm vui, sự lí thú bởi truyện đọc ngôn tình hay các clip được dựng gây sốc… như một môi trường dễ thở, như một “người bạn” để tâm giao.

Đọc đến đây, có người sẽ bảo đâu chỉ có người già mà cả các cháu, chắt của các cụ-những chủ nhân tương lai của xã hội-cũng quyết chọn mạng xã hội trên hành trang bước vào cuộc sống đó sao? Chẳng phải, theo thống kê đến đầu năm 2022 đã có: “76,95 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% tổng dân số, chủ yếu là giới trẻ. Các mạng xã hội phổ biến gồm Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, LinkedIn và Twitter” (theo: Ngọc Lý-Báo Thái Bình).

Nếu chúng ta để ý, trong xã hội có hai đối tượng phải đưa ra sự lựa chọn nhiều nhất là giới trẻ (sắp bước vào tuổi lao động hoặc mới vào nghề) và người già (đã qua tuổi lao động). Trong khi, người đang trong độ tuổi lao động phải chấp nhận duy trì sự bận rộn để mưu sinh.

Chuyên gia trị liệu Nguyễn Hương Linh (thạc sĩ ngành trị liệu tâm lý ở New York) cho rằng việc “nghiện” mạng xã hội là: “Nhu cầu được cảm thông, chúc mừng, công nhận là chính đáng nhưng chúng ta thường quên mất trước ngày mạng xã hội ra đời mình làm thế nào". Rõ ràng, giới trẻ đang là những người sáng tạo nội dung để được chú ý, được công nhận trong khi người già tìm đến mạng xã hội để khai thác tin tức, sử dụng các nội dung phần nhiều trong đó. Hay nói cách khác, bạn thử hình dung nếu người trẻ thất bại trong học hành, thi cử, công việc họ sẽ sáng tạo ra những tus buồn nản, câu like để khỏa lấp sự hụt hẫng, yếu đuối. Trong khi, người già muốn được khẳng định lại vai trò xã hội trước đây với con cái, họ hàng, xã hội nên “like dạo”, bình luận khắp các trang và bày tỏ thái độ, nêu ý kiến trước các hiện tượng đang diễn ra… Vậy thì người trẻ và người già đang bị hút vào vòng xoáy đó là bất khả kháng chăng?

Người trẻ chọn cách sống lowkey để tìm những mối quan hệ chất lượng.

Người trẻ chọn cách sống lowkey để tìm những mối quan hệ chất lượng.

Thornton Wilder (1897-1975) đã nói: “Khi bạn càng phải tự đưa ra nhiều quyết định, bạn sẽ càng ý thức được quyền tự do lựa chọn của mình”. Việc “ý thức được quyền tự do” mà nhà soạn kịch người Mỹ nhắc đến chính là cơ hội để tư duy, để thiết kế cho tương lai mình thông qua việc lựa chọn dù ở độ tuổi nào.

Vẫn biết, mọi sự tự do đều mở ra với mọi người nhưng tư duy mới dẫn chúng ta đến sự thành công. Đại danh họa Leonardo da Vinci từng nói: "Giới hạn tạo ra sức mạnh, tự do dẫn đến cái chết". Sự giới hạn ở đây không phải là cách chúng ta bằng lòng với những gì đang có mà cần tính tới hoàn cảnh, văn hóa đặc trưng của mình.

Nếu bạn để ý, ngay xung quanh chúng ta vẫn có những người đang lựa chọn tích cực. Ví dụ như cách sống lowkey (được hiểu là: kín đáo, khiêm tốn, không khoe khoang, phô trương, biết kiềm chế cảm xúc và kiệm lời). Hàng ngày nhiều người vẫn chăm chỉ làm việc, không mở nhạc quá lớn và hát karaoke hay mời bạn bè đến nhậu nhẹt ồn ào ở khu dân cư, không cập nhật hình ảnh trạng thái trên mạng xã hội nhưng vẫn có những nguồn “năng lượng” sống tích cực từ các mối quan hệ chất lượng.

Hay, một xu thế khác là “lối sống tối giản” (minimalism) từ nhà cửa, trang phục, đồ dùng đến phương tiện đi lại. Nhiều bạn trẻ ngày nay bước ra đường bắt đầu ngày mới với chiếc ô trên tay để đến trạm xe bus hay tàu điện trên cao. Có người lại thảnh thơi với việc đạp xe đạp với cái đầu ít lo nghĩ về giá xăng. Rõ ràng, dù đó là cách sống được du nhập từ bên ngoài, dù các phương tiện công cộng hay dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng mới được triển khai ở thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… nhưng vẫn thể hiện được sự tư duy trong việc lựa chọn của mỗi chúng ta.

Sớm mai, khi chúng ta bước ra đường sẽ vẫn thấy một em học sinh miệt mài tới trường, một anh lái xe grab tranh thủ làm video hay các cụ già vừa thể dục vừa bàn tán về một drama nào đó trên mạng xã hội. Cuộc sống đẹp ở sự đa dạng nhưng chỉ có sự lựa chọn bằng tư duy mới đem lại hạnh phúc. Và cố nhiên, khi đó bạn đã góp phần tạo lập một nét văn hóa mới bằng chính những sự lựa chọn tuyệt với ấy. Đừng quên, chỉ sự lựa chọn bằng hiểu biết và tư duy mới đem lại niềm vui cho bạn…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/lua-chon-va-tu-duy-i705585/