Lừa đảo bằng hình thức đặt xe dịch vụ
Mùa hè sắp đến, khách du lịch đông cũng là thời điểm làm ăn của các tài xế chạy xe dịch vụ. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã giả danh khách ở nước ngoài về quê chơi luôn tiện đi du lịch, có nhu cầu đặt xe dịch vụ trọn gói. Sau đó, giả thông báo đã đặt cọc trước tiền qua hình thức chuyển tiền quốc tế rồi thao túng tâm lý, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của 'con mồi'.

Những kẻ lừa đảo làm giả chứng từ chuyển tiền quốc tế để dụ “con mồi” click vào đường link (ảnh minh họa)
Anh Nguyễn Văn Thân ở phường Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa mua ô tô để chạy dịch vụ. Vừa chạy xe theo hình thức khách đặt qua app, anh cũng nhận thêm các mối ngoài.
Mới đây, anh Thân nhận được tin nhắn từ một người lạ, họ tự giới thiệu là đang ở Mỹ. Sắp tới, cả gia đình có chuyến về Huế chơi và sau đó sẽ đi du lịch Quảng Bình, muốn thuê xe anh trọn gói trong vòng 5 ngày. Để anh Thân tin tưởng, người đàn ông lạ còn giới thiệu mình biết anh Thân qua một người bạn đã từng thuê xe của anh. Người đó cũng nói bạn của họ rất hài lòng với cách phục vụ của anh Thân nên mới liên lạc để đặt trước. Kẻ lừa đảo còn gửi những vé máy bay, báo ngày giờ đến Sân bay Đà Nẵng để anh Thân tiện đưa đón.
Người nhà, bạn bè ở nước ngoài khá nhiều nên anh Thân cũng thường có các mối đặt xe đi du lịch dài ngày. Cũng chính vì vậy nên anh chẳng có chút cảnh giác nào khi trao đổi với người lạ đó, cũng chỉ nghĩ đơn giản mình luôn phục vụ khách chu đáo nên người này giới thiệu người kia là chuyện bình thường.
Để chắc chắn thời điểm đoàn khách về, anh Thân không nhận các mối khác, kẻ lừa đảo ngỏ ý sẽ đặt cọc cho anh Thân một khoản tiền để tránh nhỡ việc của đôi bên. Mùa này khách nước ngoài thường đông, xe luôn kín lịch nên sau khi trao đổi, anh Thân đồng ý với các thỏa thuận kèm một khoản cọc hợp lý.
Khi kẻ lừa đảo báo đã cọc 1 triệu đồng, nhưng tài khoản chưa báo số dư, anh Thân cũng chỉ nghĩ là chắc do chuyển khoản quốc tế nên chậm hơn bình thường chứ cũng không nôn nóng. Nhưng bên kia lại khá nôn nóng, cứ bảo anh Thân kiểm tra, để tạo sự tin tưởng, cùng với lý do, xác nhận anh Thân nhận cọc để chắc chắn không bị nhỡ lịch trình.
Bị cuốn vào cuộc trò chuyện, cùng với sự gấp gáp của khách, anh Thân mất cảnh giác, làm theo hướng dẫn của “khách” để kiểm tra lại số tiền cọc xem đã vào tài khoản chưa. Vậy là sau một vài thao tác, anh Thân nhận được tin nhắn báo số tiền hơn 5 triệu đồng trong tài khoản của mình không cánh mà bay. Lúc này, anh mới sực tỉnh và biết mình đã mắc bẫy kẻ lừa đảo.
Sau khi biết mình bị mất tiền, anh Thân vào kiểm tra lại tài khoản mạng của kẻ lừa đảo thì thấy tài khoản kia đã bị “bốc hơi” và đã chặn tin nhắn của anh.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, khi những thủ đoạn cũ bị phát giác, những kẻ lừa đảo lại “cho ra đời” thêm những chiêu thức mới. Do đó, để tránh bị lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác, nhất là tuyệt đối không làm theo những hướng dẫn như click vào đường link để kiểm tra tiền đã vào tài khoản chưa, hay cho số điện thoại rồi cung cấp các mã gửi về điện thoại. Bởi khi đã dụ được “con mồi” click vào đường link thì kẻ lừa đảo đã chiếm quyền điều khiển điện thoại và dễ dàng thực hiện các thao tác chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân: Không nghe, không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ; không chuyển tiền vào các tài khoản không rõ danh tính; không truy cập vào các đường dẫn do đối tượng lạ gửi đến hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc...