Lừa đảo đa cấp chiếm đoạt 2,25 tỷ USD tiền điện tử ở Trung Quốc
Trước khi bị phanh phui, nền tảng PlusToken có khoảng 2,7 triệu thành viên. Các nạn nhân đã góp xấp xỉ 14,8 tỷ nhân dân tệ (2,25 tỷ USD) bằng 8 loại tiền điện tử khác nhau.
Theo South China Morning Post, một tòa án tại Trung Quốc vừa kết án những kẻ cầm đầu kế hoạch lừa đảo đa cấp bằng tiền điện tử đa quốc gia mức án lên đến 11 năm tù. Theo hồ sơ vụ án từ tòa án tỉnh Giang Tô, nhóm này đã lừa các nhà đầu tư tổng cộng 14,8 tỷ nhân dân tệ (2,25 tỷ USD) bằng tiền điện tử.
Phán quyết hình sự được Tòa án Nhân dân ở Diêm Thành, Giang Tô công bố vào cuối tháng 11 tiết lộ nền tảng PlusToken do bị cáo Chen Bo thiết lập vào đầu năm 2018, sử dụng công nghệ sổ cái để thu hút hàng triệu người trả phí thành viên bằng tiền điện tử. Nền tảng này cam kết mang lại lợi nhuận đầu tư cao dựa trên số lượng người mới mà các thành viên tuyển dụng cùng với số tiền đầu tư bỏ vào.
Lừa đảo đa cấp tiền điện tử lớn nhất Trung Quốc
Quy mô lừa đảo khổng lồ của PlusToken khiến vụ án này trở thành một trong những kế hoạch đa cấp biến tướng bị phanh phui lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay.
Theo tài liệu của tòa án, trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019, Chen và đồng bọn đã sử dụng mạng xã hội và các sự kiện để tuyển dụng thành viên. Các nạn nhân buộc phải trả phí thành viên bằng nhiều loại tiền điện tử có giá trị, bao gồm Bitcoin, trị giá ít nhất 500 USD. Đổi lại, PlusToken hứa hẹn sẽ mang về lợi nhuận đầu tư từ 6-18% từ hoạt động mua bán chênh lệch giá tiền điện tử giữa các thị trường khác nhau.
Ngoài lời mời gọi dễ dàng kiếm lời từ sự "chênh lệch giá" vốn không hề tồn tại, PlusToken cũng cung cấp các lợi ích khác nhau dựa vào phân cấp các thành viên. Thành viên kêu gọi số lượng người tham gia mới càng nhiều càng "thăng cấp".
Đây là một mô hình phổ biến về đa cấp, giúp tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư ban đầu bằng cách xoay vòng nguồn tiền từ các nhà đầu tư cấp dưới, trong khi thực chất không hề có sự tham gia tạo ra lợi nhuận của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Vào thời điểm PlusToken phá sản vào cuối tháng 6/2019, nền tảng đã thu hút 2,7 triệu thành viên với hơn 3.200 cấp độ nhà đầu tư. Các thành viên đã đóng góp tổng cộng 14,8 tỷ nhân dân tệ từ 8 loại tiền điện tử khác nhau. Trong đó, Bitcoin là loại tiền điện tử được giao dịch nhiều nhất với hơn 310.000 đồng.
Trước đó, Chen và đồng bọn đã trốn sang Campuchia để tiếp tục mở rộng hoạt động của PlusToken. Nhóm lừa đảo thuê người đóng giả thành người sáng lập của nền tảng để quảng cáo PlusToken là một dự án quốc tế nhằm lôi kéo thêm đầu tư. Chen chi trả cho các nhân viên bằng tiền điện tử và chi hơn 127 triệu nhân dân tệ (19,36 triệu USD) để mua nhà và xe hơi sang trọng cho bản thân và gia đình, hồ sơ của tòa án cho biết.
Trí trá còn nhiều
Sau khi PlusToken phá sản vào giữa năm 2019, các cơ quan chức trách Trung Quốc đã vào cuộc truy đuổi nhóm cầm đầu lừa đảo trong và ngoài nước. Cảnh sát Trung Quốc đã bắt 27 nghi phạm liên quan đến vụ án đang lẩn trốn ở Campuchia, Vanuatu, Việt Nam và Malaysia vào năm ngoái.
Cảnh sát cũng bắt giữ thêm 82 nhân viên khác làm việc cho PlusToken hồi đầu năm nay. Cũng trong khoảng thời gian này, giá Bitcoin thế giới giảm gần 30% so với mức cao nhất trong năm, xuống còn khoảng 10.000 USD/đồng.
Trong phiên xét xử, Tòa án Giang Tô kết án Chen và 13 kẻ cầm đầu khác mức án phạt từ 2 đến 11 năm tù, với số tiền phạt từ 120.000 đến 6 triệu NDT (18.300 - 914.718 USD). Chen Tao, một đồng phạm khác trong vụ án, bị kết án hơn 4 năm tù. Tất cả tiền điện tử trong vụ án bị tịch thu và chuyển giao cho nhà nước.
Theo chỉ số giá của CoinDesk, giá Bitcoin đã quay lại mức cao trong năm nay. Chỉ mới vài ngày trước, Bitcoin lập đỉnh cao nhất mọi thời đại 19.850 USD/đồng, báo hiệu cơn sốt tiền điện tử đang quay trở lại.
Theo SCMP, hành vi gian lận và lừa đảo tài chính ngày càng tràn lan ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Số liệu từ Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho thấy số vụ án mới liên quan đến hoạt động gây quỹ bất hợp pháp mà tòa án các cấp đang thụ lý tăng từ gần 6.000 vụ vào năm 2015 lên hơn 9.000 vụ vào năm 2018.
Dù chính phủ Trung Quốc đã xóa sổ hầu hết nền tảng cho vay ngang hàng - các điểm nóng lừa đảo - và dập tắt các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước kể từ năm 2017, cơ quan quản lý tài chính của nước này vẫn báo cáo gần 6.000 vụ án hình sự liên quan đến lừa đảo tài chính trong năm 2019.
Trước PlusToken, tòa án Diêm Thành cũng đưa ra phán quyết về một vụ lừa đảo đa cấp tương tự với nền tảng WoToken hồi tháng 10 năm nay. WoToken đã lừa đảo các nhà đầu tư tổng cộng 7,7 tỷ NDT (1,17 tỷ USD). Sáu bị cáo trong vụ án này bị kết án lần lượt lên đến 8 năm tù.