Lừa đảo mua USD với tỷ giá thấp, chiếm đoạt 140 tỷ đồng
Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trần Thị Minh Huệ (sinh năm 1980, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Theo cáo trạng, Huệ không có khả năng mua ngoại tệ USD (đô la Mỹ) từ các ngân hàng với giá rẻ nhưng vẫn giới thiệu với nhiều người để hưởng lãi suất chênh lệch.
Để bị hại tin tưởng, Huệ truy cập vào trang “Tỷ giá ngoại tệ” hôm nay để xem tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại. Sau đó, Huệ lựa chọn tỉ giá USD của ngân hàng, đồng thời gọi điện đến các cửa hàng vàng bạc để hỏi tỉ giá USD ngoài thị trường tự do.
Huệ tự đưa ra mức giá cụ thể để thông báo với các bị hại. Tỉ giá USD mua vào luôn bảo đảm thấp hơn so với tỉ giá của thị trường tự do nhưng cao hơn so với giá của ngân hàng. Huệ giải thích phần chênh lệch là “chi phí tiền hoa hồng” khi mua USD tại các ngân hàng thương mại. Bằng thủ đoạn này, Huệ rủ rê các bị hại góp vốn đầu tư mua USD rồi chiếm đoạt để sử dụng cá nhân. Tổng số tiền Huệ chiếm đoạt lên đến hơn 140 tỷ đồng.
Trong số các bị hại, người bị Huệ chiếm đoạt nhiều nhất là chị Vũ Thị Thanh T (sinh năm 1976, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với số tiền lên tới gần 95 tỷ đồng. Ban đầu, Huệ nói với chị T là mình đang giữ 170.000 USD muốn bán. Chị T đồng ý mua với giá 23.750 đồng/USD và đã chuyển cho Huệ hơn 5 tỷ đồng. Huệ đã giao cho chị T đủ số USD này để tạo lòng tin.
Sau lần đó, chị T tin tưởng Huệ nên tiếp tục chuyển tiền cho Huệ để mua USD. Trong các ngày 16/9/2022 đến 25/10/2022, chị T gửi cho Huệ hơn 298 tỷ đồng để mua USD. Nhận số tiền trên, Huệ dùng hơn 185 tỷ đồng để mua USD, số tiền còn lại Huệ không thực hiện theo cam kết. Tổng số, Huệ bị cáo buộc đã chiếm đoạt của chị T gần 95 tỷ đồng.
Còn với chị Lưu Thị L (sinh năm 1974, ở quận Ba Đình, Hà Nội), thông qua mối quan hệ xã hội, Huệ rủ chị L góp vốn để đầu tư mua USD bán ra thị trường tự do hưởng lãi suất chêch lệch. Ngày 15/8/2022, Huệ thông báo với chị L mua USD của Ngân hàng Nhà nước với giá 22.500 đồng/USD. Đồng ý góp vốn, từ ngày 15/8/ đến 23/10/2022, chị L đã chuyển cho Huệ 30 tỷ đồng. Nhận tiền nhưng Huệ đem sử dụng chi tiêu cá nhân và trả nợ.
Để chị L tin tưởng, Huệ có chuyển lại cho chị L 8,9 tỷ đồng là tiền lãi và chốt số tiền Huệ còn cầm là 21,1 tỷ đồng. Sau đó, Huệ không trả tiền và ngắt liên lạc với chị L.
Một nạn nhân khác cũng bị Huệ chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng. Ban đầu Huệ mua USD để trả đầy đủ tiền cho bị hại nhằm tạo niềm tin. Sau đó, Huệ nói với bị hại là hằng ngày chỉ cần đăng ký số USD cần mua, Huệ sẽ báo giá để chị này chuẩn bị tiền. Sau khi mua USD, Huệ sẽ chủ động bán USD để bị hại hưởng tiền chênh lệch nhưng sau đó Huệ không thực hiện theo cam kết mà chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tại cơ quan điều tra, Huệ khai do làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại để trả nợ và chi tiêu cá nhân. Bị can khai nhận đã đăng ký, sử dụng 11 tài khoản ngân hàng cùng đứng tên Trần Thị Minh Huệ để nhận và chuyển tiền cho các bị hại. Số tiền nhận được, Huệ chỉ sử dụng một phần để mua USD trên thị trường tự do với giá cao để trả cho bị hại.
Huệ khai bị can đến các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội để rút tiền. Khi đến ngân hàng, Huệ gặp và đặt vấn đề với những người có nhu cầu chuyển tiền vào tài khoản, doanh nghiệp nộp tiền vào tài khoản để làm ăn giao dịch, trả lương… Huệ sẽ thỏa thuận nhận tiền mặt từ những người này và chuyển khoản trực tiếp cho họ. Bị can không biết những người này là ai, không có quan hệ với họ, không nhớ đã giao dịch ở ngân hàng nào.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã sao kê và ngăn chặn giao dịch với các tài khoản Huệ chuyển tiền đến, đồng thời ngăn chặn giao dịch đối với 2 căn hộ chung cư, xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350...