Lừa đảo qua mạng: Giải pháp nào giúp người lao động tránh bị sập bẫy?
Không phải người lao động nào cũng có cơ hội tìm hiểu, tìm 'đúng' và tìm 'trúng' những nội dung giải đáp về các thắc mắc của bản thân để có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, không ít người lao động đã mắc bẫy lừa trên mạng.
Cần nhận biết những hình thức lừa đảo
Tình trạng lừa đảo, nhất là lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi, không ít trường hợp người lao động đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là vấn đề mà người lao động mong muốn nhận được sự tư vấn, giải đáp của chuyên gia.
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Những điểm mới về chính sách liên quan đến người lao động và cách nhận diện, phòng tránh lừa đảo qua mạng" mới đây, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông, Bộ Công an cho hay, khi công nghệ thông tin càng phát triển thì các hình thức xuất hiện lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều. Điển hình như tại Hà Nội, tháng 4 và tháng 5 vừa qua, có 2 người dân bị lừa 18 tỷ đồng và 15 tỷ đồng với những chiêu trò mạo danh cơ quan pháp luật, thao túng tâm lý từng bước để người dân chuyển tiền.
Theo ông Hiếu, có 24 hình thức lừa đảo chính. Trong đó, nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền. Các đối tượng cũng dùng thủ đoạn giả mạo cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh... lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm.
Liên quan đến lừa đảo trên mạng, nhiều người lao động cũng phản ánh tình trạng khi đi mua hàng, các cửa hàng thường xin số điện thoại của khách hàng với lý do để tích điểm thưởng. Tuy nhiên, việc này có nguy cơ làm rò rỉ thông tin khiến các nhóm tội phạm gọi điện lừa đảo.
Về vấn đề này, chuyên gia Đào Trung Hiếu thừa nhận hiện nay có rất nhiều hình thức có thể lộ lọt thông tin, từ khách quan đến chủ quan. Trong đó có thể là việc lộ qua người dân đăng ký số điện thoại ở các cửa hàng, qua nhóm mạng xã hội, mất điện thoại…
Ông Hiếu cho biết, Việt Nam đứng top đầu các nước Đông Nam Á về số lượng dùng mạng xã hội, nhưng người dùng còn thiếu kỹ năng về sử dụng mạng xã hội an toàn. Do vậy, có trường hợp chủ động đưa thông tin mật của mình lên mạng như căn cước công dân. Theo ông Hiếu, đây là hành vi dại dột và nguy hiểm.
Tỉnh táo trước chiêu trò phi lợi nhuận
Nhìn chung, các thủ đoạn lừa đảo chủ yếu nhằm vào sự hám lợi và thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân, Thượng tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo người lao động cần chậm lại một nhịp và hết sức tỉnh táo, không tham những tài sản, món quà... không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”.
Theo ông Hiếu, khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, không rõ mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng. Không truy cập vào các đường link lạ... Đồng thời, phải liên hệ với công an khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.
Về các nguy cơ của tín dụng đen, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, tín dụng đen theo nghĩa hẹp là cho vay nặng lãi, còn theo nghĩa rộng là các dạng huy động và cho vay tín dụng dân sự bất hợp pháp không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.
Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% của khoản vay/năm, vay tín dụng đen thường cao gấp 5 lần quy định này. Thời gian qua, những đối tượng này đã tinh vi hơn và chuyển hoạt động lên không gian mạng và thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức, người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn. Việc vay qua app rất phổ biến trong công nhân lao động và sinh viên, nhiều trường hợp cần 1 khoản tiền gấp thì tìm đến vay qua app.
Nói về cách phòng ngừa, Thượng tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh, người lao động trước hết đừng đẩy mình vào tình huống phải đi vay tín dụng đen. Trường hợp cần tiền gấp, nên hỏi vay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp hoặc các quỹ xã hội, quỹ hỗ trợ cho người lao động vay để tăng gia sản xuất, thực hiện phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình (HANOI FEI) của Liên đoàn lao động TP Hà Nội.
Nói về vấn đề này, Luật sư Trương Văn Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn cho rằng, cá nhân mỗi người phải tự trang bị "áo giáp" khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Đây chính là những kiến thức về phòng, chống lừa đảo qua mạng đang được phổ biến rộng rãi.
Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Đông Phương Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, tuyên truyền là hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất nhằm nâng cao ý thức cho người dân để tự bảo vệ mình trước những chiêu lừa đảo tinh vi. Hiện nay hầu như người dân nào cũng sử dụng điện thoại thông minh, chính vì vậy việc tuyên truyền thường xuyên sẽ có hiệu quả mạnh mẽ. Tuy nhiên việc tuyên truyền cần phải đa dạng và dễ hiểu với những đoạn phim ngắn về các chiêu trò lừa đảo để đăng tải lên Facebook, TikTok, YouTube...