Lừa đảo qua mạng ở Yên Bái: Cách thức cũ nhưng nạn nhân mới
Dù ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng. Tuy nhiên, trong xu thế 4.0, giao tiếp, trao đổi qua không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến, tội phạm lừa đảo qua mạng lại thường sử dụng các chiêu thức tinh vi, nên nhiều người dân ở Yên Bái vẫn sập bẫy.
Tháng 6 vừa qua, chị Hoàng Thị Y. ở xã Tân Lĩnh (huyện Lục Yên, Yên Bái) nhận được lời đề nghị của một người xưng là bạn đang ở Đài Loan (Trung Quốc) muốn nhờ chị đứng ra nhận hộ số tiền mà người bạn này gửi về cho bố mẹ, do bố mẹ của bạn không biết chữ để làm các thủ tục. Chị kiểm tra các thông tin trên facebook thấy hình đại diện và một số nội dung đăng tải trên facebook cá nhân đúng người này là bạn học với mình đang ở Đài Loan; để chắc chắn, chị hỏi thêm bố mẹ của bạn thì bố mẹ bạn cũng cho biết là con có hẹn sẽ gửi tiền về, còn khi nào gửi thì sẽ báo cụ thể.
Vài ngày sau, facebook với tên người bạn của chị Y. tiếp tục gọi báo chuẩn bị gửi tiền về; nghe giọng hơi lạ, chị đề nghị gọi có hình ảnh, nhưng đầu bên kia nói chỗ làm không cho gọi hình ảnh. Do cũng hơn 2 năm không gặp nhau, nên chị nghĩ chắc giọng bạn mình giờ khác, nên đã không ngần ngại cung cấp một số thông tin cá nhân theo yêu cầu của đầu dây bên kia.
Mấy hôm sau có người gọi đến xưng là nhân viên Hải quan thông báo đến chị là có khoản tiền cùng quà từ nước ngoài về; để chứng minh không phải rửa tiền thì chị cần nộp tiền bảo lãnh. Chị Y. nói: "Lần đầu họ yêu cầu là chuyển cho 5 triệu, em cứ nghĩ là bạn bè thì giúp nhau thôi, không nghĩ đến là bị lừa. Chuyển xong họ lại báo là khi kiểm tra thấy có rất nhiều tiền, không phải vài trăm triệu như ban đầu, cần phải nộp thêm tiền để bảo lãnh là không phải số tiền đem đi rửa. Em vẫn cứ tin tưởng rồi lại chuyển. Tiếp đó họ lại báo là qua Hải quan kiểm tra thấy nhiều đồ quý, bắt phải chuyển tiền thêm, lúc đó em nghi ngờ nên ra xã báo Công an và cũng là lúc em đã chuyển 3 lần tiền cho họ".
Sau 3 lần chuyển tiền cho các đối tượng xưng là nhân viên Hải quan, chị Y. đã bị lừa mất 25 triệu đồng, đây là số tiền gia đình chị tích góp nhiều năm.
Còn ở xã Tân Phượng (cùng huyện Lục Yên, Yên Bái) - nơi đa số đồng bào dân tộc Dao sinh sống, thời gian qua, nhiều người dân cũng bị các đối tượng lừa đảo xưng là các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư… nhắn tin, gọi điện đến thông báo, đe dọa liên quan đến pháp lý hoặc mời gọi đóng tiền đầu tư qua không gian số với lời lãi cao. Và đã có những trường hợp nhẹ dạ cả tin, bị mất với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Trung tá Phùng Văn Hạnh, Trưởng Công an xã Tân Phượng cho biết: "Trong thời gian vừa qua, qua công tác nắm tình hình, chúng tôi cũng nắm được có công dân bị lừa đảo qua mạng. Hình thức là các đối tượng gửi hợp đồng với lãi suất cao để đánh vào lòng tham của nhân dân, đầu tư vào hệ thống 6 triệu thì được lãi 4 triệu; khi bị hại chuyển tiền vào thì có người thông báo bị lỗi, yêu cầu gửi lại nhiều lần rồi chặn liên lạc. Công an xã sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành đoàn thể tuyên truyền đến người dân biết các hình thức lừa đảo qua mạng hiện nay".
Lừa đảo qua mạng, hay còn gọi là qua không gian số là hình thức không mới, tuy nhiên vẫn có những nạn nhân mới sập bẫy. Nguyên nhân chủ yếu do người dân ngày càng tham gia sâu vào môi trường số, trong khi chưa cập nhật các cách thức, thủ đoạn của tội phạm mạng; còn chủ quan, nhẹ dạ cả tin, hám lời...
Thống kê tại huyện Lục Yên, từ năm 2021 đến nay đã ghi nhận hơn 10 trường hợp bị lừa đảo với số tiền từ vài triệu đến cả tỷ đồng, chưa kể phần lớn các bị hại không khai báo do biết không lấy lại được tiền.
Thiếu tá Mông Văn Thành, Phó trưởng Công an huyện Lục Yên cho biết, đấu tranh, bóc gỡ loại tội phạm này rất khó, bởi các đối tượng lừa đảo có máy chủ ở nước ngoài; hoặc ngay sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản cho sẵn thì số tiền đó lại được chuyển đi, chuyển lại qua nhiều tài khoản khác...
Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, Ban chỉ đạo 138 huyện, với nòng cốt là lực lượng Công an đã tổ chức gặp mặt các quản trị viên của 20 trang mạng xã hội, 100 hội nhóm với hàng trăm nghìn thành viên trên địa bàn để hướng dẫn kiểm duyệt, đăng tải các thông tin. Cùng với đó là trao đổi các hình thức lừa đảo mới, cũ trên không gian mạng để các hội, nhóm đăng tải cảnh báo đến các thành viên; lồng ghép cảnh báo lừa đảo thông qua các cuộc họp tại tất cả 195 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn...
Thiếu tá Mông Văn Thành chia sẻ: "Các cấp chính quyền cũng như lực lượng Công an đều xây dựng các trang fanpage để tuyên truyền về pháp luật, về chủ trương, chính sách của Đảng. Đồng thời cũng tuyên truyền về lừa đảo trên không gian mạng để lan tỏa sâu rộng hơn đến người dân".
Theo lực lượng chức năng, để tránh bị lừa đảo qua mạng, người dân cần thực sự quan tâm đến cảnh báo, khuyến cáo; không hám lời và không tin, nghe theo lời của những người quen biết trên không gian mạng, hoặc những thông tin mà người đó giới thiệu mà không có căn cứ xác thực; không cung cấp thông tin cá nhân cho người không có trách nhiệm; không tò mò kích hoạt các đường dẫn do đối tượng lạ gửi đến... Khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho lực lượng chức năng để vào cuộc xử lý một cách kịp thời và hiệu quả.