Lúa đông xuân được mùa, được giá
Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Nông dân Lê Văn Thành ở xã Quảng An (Quảng Điền) rất vui trước vụ mùa không chỉ đạt năng suất cao mà sản phẩm còn bán được giá. Ông Thành bảo, thời tiết vụ này thuận lợi ngay từ khi xuống giống, giúp lúa phát triển, sinh trưởng tốt. Sâu bệnh thì hầu như vụ nào cũng xảy ra, riêng vụ này sâu bệnh không gây hại nặng so với nhiều năm trước.
Một yếu tố làm nên năng suất và chất lượng lúa vụ đông xuân khá tốt, đó là nông dân đưa các loại giống lúa chất lượng theo quy định của địa phương vào gieo cấy trên diện rộng. Nhiều hộ bắt đầu có ý thức tham gia mô hình cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm đất, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa. Người dân thu hoạch lúa đại trà, nhanh gọn tạo điều kiện cho việc gieo cấy vụ hè thu kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng mưa lũ xảy ra cuối vụ.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Phú, ông Lê Văn Thứ thông tin, năng suất vụ đông xuân này tại HTX khá cao, bình quân trên 70 tạ/ha. Sản phẩm lúa còn bán được giá, như lúa Khang dân dao động từ 8.500 - 8.700 đồng/kg. Riêng các giống chất lượng như HT1, J02… có giá 9.000 - 9.500 đồng/kg.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh có năng suất lúa khá cao trên 70 tạ/ha, điển hình như An Xuân, Phú Thanh, Kim Thành, Đông Phú, Đông Vinh (Quảng Điền), Đại Thành, Châu Thành, Nam Sơn, Bắc Sơn (Phú Lộc), Phú Lương, Phú Mỹ (Phú Vang) và Thủy Dương, Thủy Phương (TX. Hương Thủy)…
Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đánh giá, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, thêm một yếu tố làm nên năng suất, thu hoạch kịp thời vụ là nhờ nông dân tuân thủ việc đưa các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày và chất lượng vào gieo cấy trong vụ đông xuân. Thống kê cho thấy, nhóm giống dài và trung ngày như 4B, X21, Xi23… đưa vào gieo cấy trong vụ đông xuân chỉ chiếm 5%, còn lại phần lớn giống ngắn ngày và cực ngắn chiếm 95%.
Các giống lúa thuộc nhóm chất lượng cao như HT1, HN6, J02, HT6, HG12... được đưa vào gieo cấy với diện tích khoảng 14 ngàn ha, chiếm khoảng 50% diện tích toàn vụ đông xuân. Tỷ lệ giống xác nhận đưa vào gieo cấy đạt khoảng 94%. Các giống lúa này đã tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế, không chỉ dễ bán mà giá còn cao hơn các sản phẩm của giống lúa thông thường.
Vụ đông xuân này, nông dân tiếp tục sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn với diện tích hơn 5.700ha. Đây là điều kiện thuận lợi cho nông dân trong quá trình làm đất, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Trong số diện tích cánh đồng lớn có khoảng một nửa được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, các công ty tham gia liên kết như Công ty Quế Lâm (116ha); Công ty CP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh (1.300ha), Tập đoàn Thái Bình Seed và Công ty Nông nghiệp Huế (117ha), Công ty Giống cây trồng Quảng Nam (353ha), Công ty Thúy Đạt (20ha). Ngoài ra, tại các HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với diện tích khoảng 500ha, như các HTX: Phú Hồ, An Lỗ, Vinh Hà…
Theo ông Hồ Đính, một trong những yếu tố được xem là thành tựu đáng quan tâm trong vụ đông xuân này là việc cơ giới hóa khâu thu gom rơm, hạn chế tối đa nạn đốt rơm rạ trên đồng sau thu hoạch. Theo đó, số máy cuộn rơm trong vụ này khoảng 111 máy, tăng 3 máy so với năm trước, ngoài ra có 30 máy cuộn rơm của ngoại tỉnh tham gia cuộn rơm tại các địa phương.
Đến nay, diện tích được cơ giới trong khâu cuốn rơm khoảng 10.400ha (chiếm tỷ lệ 50,7% so với diện tích đã thu hoạch, tăng 4.100ha so với vụ đông xuân trước. Một số đơn vị điển hình trong tổ chức cuộn rơm bằng máy cơ giới và hạn chế đốt rơm rạ như huyện Phú Vang có diện tích cuộn rơm chiếm 70% trên diện tích thu hoạch; các huyện Phú Lộc, Phong Điền, TP. Huế có diện tích cuộn rơm bằng máy chiếm tỷ lệ 40 - 60% trong tổng diện tích thu hoạch.