Lúa gạo Đồng Tháp và mục tiêu chi phí giảm, chất lượng tăng
Lúa gạo là một trong những ngành hàng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Hơn 2 tháng, tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành hàng lúa gạo ở Đồng Tháp tiếp tục có tín hiệu khả quan.
Tuy từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá lúa nguyên liệu giảm nhưng vẫn còn ở mức tốt, cộng với năng suất cao, chi phí giảm nên nông dân vẫn có lãi khá.
Ngay sau Tết Nguyên đán, 14 công lúa sạ giống OM-18 của ông Trần Văn Đằng ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh được thu hoạch. Hơn 1 tháng trước khi thu hoạch, ông Đằng đã nhận tiền cọc bán lúa với giá 10.000 đồng/kg. Ông Đằng cho biết, khi nhận tiền cọc, ông và thương lái đã thỏa thuận (thông qua "cò lúa") là đến khi thu hoạch, giá lúa sẽ tăng hoặc giảm 50 - 50 theo tình hình giá thực tế của thị trường. Nghĩa là giá lúa thị trường cao hơn thì mỗi kilogam lúa sẽ cộng thêm 50% số tiền chênh lệch và ngược lại, nếu giá thị trường thấp hơn thì mỗi kilogam sẽ trừ đi 50% số tiền chênh lệch.
Ông Đằng cho biết thêm, đến thời điểm cắt lúa, tình hình giá lúa biến động theo hướng sụt giảm, ông còn bán được 9.200 đồng/kg. Tuy giá giảm nhưng ông vẫn phấn khởi vì với giá bán này đảm bảo có lợi nhuận tốt. Vụ Đông Xuân năm nay, không những chi phí sản xuất giảm, năng suất lúa tăng mà giá bán cũng cao nên đây là vụ lúa mà ông Đằng có lợi nhuận nhiều nhất từ trước đến nay.
Chỉ còn vài ngày nữa là gần 1 ha lúa của ông Lê Văn Hiểu ngụ ấp 4, xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình đến kỳ thu hoạch. Vụ Đông Xuân này, ông gieo sạ giống lúa thơm Jasmine và liên kết sản xuất, tiêu thụ với một công ty ở tỉnh An Giang. Ông Hiểu cho hay, năm nay lúa ít sâu bệnh, chi phí sản xuất mỗi công ruộng từ 3 triệu đồng trở lại, dự kiến năng suất khoảng 800 kg/công. Công ty vừa chốt giá thu mua lúa là 7.900 đồng/kg, chỉ chờ đến ngày thu hoạch. So với giá lúa trước Tết Nguyên đán thì giảm trên 1.000 đồng/kg nhưng với giá này, ông vẫn có lãi hơn 3 triệu đồng/công.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Đối với Đồng Tháp, sản xuất lúa gạo là ngành hàng chính, chủ lực của tỉnh. Địa phương quan tâm sản xuất theo hướng giống lúa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước.
Thời gian qua, nhiều nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp đã thực hiện các giải pháp nhằm giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận như: áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sạ hàng, sạ thưa; đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng chủ yếu trên cây lúa ở khâu làm đất (100%), gieo sạ (gần 90%) và thu hoạch (gần 100%)… Đồng Tháp được đánh giá là một trong những tỉnh áp dụng các giải pháp, có giá thành sản xuất lúa thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp vừa tổ chức triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tham gia Đề án của tỉnh năm 2024 đạt khoảng 20.000 ha (bắt đầu từ vụ Hè Thu năm 2024), đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000 ha và đến năm 2030 là 161.000 ha. Đề án nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm phát thải và đảm bảo xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh đã xuống giống 189.071 ha, đạt 100% so với kế hoạch. Đến cuối tháng 2/2024, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 65.500 ha; năng suất bình quân gần 7 tấn/ha. So với vụ lúa Đông Xuân trước, giá thành sản xuất giảm từ 213 - 559 đồng/kg (dao động từ 3.535 - 3.701 đồng/kg), trong khi giá bán lúa cao hơn nên lợi nhuận của nông dân tăng 18,7 - 24,6 triệu đồng/ha. Đến cuối tháng 3/2024, diện tích lúa Đông Xuân còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm.
Tuy giá gạo xuất khẩu có biến động, trước Tết Nguyên đán, gạo xuất khẩu có giá hơn 650 USD/tấn, sau Tết giảm còn 600 USD/tấn nhưng nhìn chung, tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) hoạt động đạt kết quả rất khả quan. Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính cho hay, dự kiến trong quý I năm 2024, công ty xuất khẩu đi các nước khoảng 50.000 tấn gạo. Hiện nay, sản phẩm gạo của công ty đã xuất khẩu sang thị trường một số nước ở châu Âu (chiếm 25%) nhưng chủ yếu vẫn là những nước ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines… (chiếm 75%).
Một số công ty liên kết với nông dân, xây dựng vùng lúa nguyên liệu chất lượng nhằm "xâm nhập" mạnh vào thị trường gạo cao cấp ở châu Âu và nhiều quốc gia khác với giá bán hơn 1.000 USD/tấn. Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) thông tin, công ty chủ yếu xuất khẩu gạo sang thị trường Canada, Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản… Đây là những thị trường "khó tính", yêu cầu cao về chất lượng gạo nhưng giá trị mang lại cao.
Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao 25.000 ha tại một số tỉnh; trong đó, riêng ở Đồng Tháp khoảng 16.000 ha. Ông Trần Trương Tấn Tài cho rằng, việc bình ổn giá lúa, không tăng quá cao và cũng không giảm quá thấp để đảm bảo nông dân có lãi 40% và giá gạo xuất khẩu đủ sức cạnh tranh là yếu tố quan trọng xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững.
Toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 20 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu. Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho hay, trong tháng 2 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán nên hoạt động xuất khẩu có phần chững lại nhưng tình hình xuất khẩu gạo vẫn khả quan. Trong tháng 2/2024, Đồng Tháp có kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 30,29 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 76,24%. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo của Đồng Tháp ước đạt 62,89 triệu USD, tăng 63,76% so với cùng kỳ, đạt 18,5% kế hoạch năm 2024 (kế hoạch là 340 triệu USD).
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, về tình hình sản xuất chế biến, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 175 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành chế biến lương thực (xay xát, lau bóng gạo), công suất thiết kế khoảng 6,6 triệu tấn/năm. Tháng 2/2024, ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo đạt 155.000 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 32,13%; lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước tính hơn 330.000 tấn, đạt 17,37 % so với kế hoạch năm 2024 (kế hoạch là 1,9 triệu tấn).
Năm 2023, Đồng Tháp có sản lượng xay xát, lau bóng gạo khoảng 1,85 triệu tấn; xuất khẩu gạo hơn 584.000 tấn, kim ngạch trên 336 triệu USD, đạt 144,94% so với kế hoạch. Giá trị sản xuất ngành lúa gạo ước đạt 16.046 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, năm 2023, các ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng trên các lĩnh vực đạt khá, điểm sáng là lĩnh vực nông nghiệp với mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Chế biến lương thực (xay xát, lau bóng gạo) là một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, năm qua, giá trị sản xuất tăng 35,28% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, niềm lạc quan của ngành hàng lúa gạo cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng càng lớn vì Indonesia vừa tăng chỉ tiêu nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam trong năm 2024 lên 3,6 triệu tấn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đánh giá, thị trường Indonesia mở rộng thêm là cơ hội cho việc xuất khẩu gạo ổn định, có nhiều khách hàng để đàm phán cho giá gạo xuất khẩu đạt tốt hơn. Năm 2024, tình hình xuất khẩu gạo sẽ khả quan, nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu gạo của thế giới tăng mạnh, giá gạo xuất khẩu có thể sẽ còn tăng cao hơn.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lua-gao-dong-thap-va-muc-tieu-chi-phi-giam-chat-luong-tang/325822.html