Lừa góp vốn mua tàu triệu USD, Giám đốc 'lãi ròng'… 12 năm tù

Mặc dù đã bán lại chiếc tàu biển cho một công ty nước ngoài, song Phạm Đức Thịnh (SN 1973, ngụ TX.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn kêu gọi đối tác trong nước góp vốn để lai dắt, phá dỡ, với lời hứa thu lợi nhuận khủng. Quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện Thịnh tàng trữ súng trái phép và sử dụng giấy tờ giả để nhiều lần xuất cảnh ra nước ngoài và lập thêm công ty khác để hoạt động…

Tài sản đã bán vẫn lừa góp vốn

Theo cáo trạng, năm 2012, Phạm Đức Thịnh thành lập Công ty Cổ phần Thiết bị và Vật tư Miền Nam (Cty CP Miền Nam), đứng tư cách pháp nhân là Chủ tịch Hội đồng quản trị, có trụ sở đăng ký tại quận 7, TPHCM. Tháng 6/2015, Công ty CP Vật tư và thiết bị Miền Nam ký hợp đồng mua tàu FSO Ba Vì của liên doanh Việt Nga Vietsovpetro với giá 6.875.000 USD. Để có tiền thanh toán, Công ty này đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng TP Bank để vay số tiền 120 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là tàu FSO Ba Vì hình thành từ vốn vay và các tài sản bảo đảm khác theo quy định. Phương thức thanh toán là sau khi mua, tàu sẽ lai dắt về cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phá vỡ và bán sản phẩm phá dỡ. Tuy nhiên, sau đó Thịnh bán tàu FSO Ba Vì cho một công ty ở Hong Kong với giá 5,8 triệu USD. Việc nhận tiền và giao tàu giữa 2 bên hoàn thành vào cuối tháng 10/2015.

Mặc dù đã ký hợp đồng bán tàu FSO Ba Vì, song do cần tiền để lo các chi phí neo đậu, chi phí cho thủy thủ đoàn, xăng dầu và các chi phí vay mượn khác phục vụ việc xuất bán tàu FSO Ba Vì, nên sau khi được ông Trương Việt Hùng (ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) giới thiệu ông Phạm Văn Việt (SN 1967, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) có nhu cầu tìm hiểu, để cùng khai thác, tháo dỡ tàu, Thịnh đã tiếp xúc và tìm cách chiếm đoạt tiền của ông Việt.

Tàu FSO Ba Vì khi được lai dắt trước đó

Tàu FSO Ba Vì khi được lai dắt trước đó

Để tạo niềm tin cho ông Việt, Thịnh đưa ra các thông tin, tài liệu thể hiện Cty CP Miền Nam do Thịnh làm Chủ tịch HĐQT đang sở hữu tàu FSO Ba Vì. Để chứng minh, Thịnh đưa cho ông Việt xem các giấy tờ pháp lý, thể hiện việc mình sở hữu 86% cổ phần của công ty. Đồng thời, Thịnh đưa cho nạn nhân xem hồ sơ mua bán tàu của Cty CP Miền Nam với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các thông tin không đúng sự thật về việc sẽ lai dắt tàu về cảng Cái Mép để phá dỡ làm tàu phế liệu hoặc hoán cải thành sà lan.

Tin lời Thịnh, ông Việt đã góp 10 tỷ đồng, ông Trương Việt Hùng góp 3 tỷ đồng; mục đích hợp đồng này là để lấy chi phí lai dắt tài FSO Ba Vì về cảng Cái Mép để tháo dỡ. Theo thỏa thuận, ngoài việc được hưởng lợi nhuận góp vốn, ông Việt còn được quyền mua 2 nồi hơi chính của tàu với giá 6 tỷ đồng/chiếc. Sau thời gian không thấy tàu FSO Ba Vì được lai dắt từ Vũng Tàu về Cái Mép, ông Việt đi dò hỏi thông tin mới biết tàu đã bán ra nước ngoài. Ông Việt đòi lại tiền góp vốn thì được Thịnh trả lại 4,8 tỷ đồng vào năm 2016, sau đó “lặn tăm”.

Tàng trữ súng và sử dụng giấy tờ giả

Trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Phạm Đức Thịnh từng là bị hại trong vụ án “giết người” gây xôn xao dư luận vào năm 2016, mà nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ tình - tiền giữa Thịnh và Hoàng Thị Ngọc Lan (quê Hải Phòng, ngụ quận 7, TPHCM). Khi nghe Lan tâm sự về chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”, một gã giang hồ gốc Hải Phòng là Thịnh “cú lợn” đã cùng đồng bọn mang súng xuống Bà Rịa - Vũng Tàu để “xử” Phạm Đức Thịnh. Tuy nhiên, may mắn là Thịnh đã thoát chết, nhưng bị thương tích 52%.

Trở lại vụ mua bán tàu FSO Ba Vì, trong quá trình điều tra vụ lừa đảo, cơ quan công an phát hiện Thịnh có hành vi “tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Cụ thể, năm 2013, Thịnh nhờ người làm giả CMND mang tên Phạm Văn Hiểu (SN 1969, quê Hải Dương) và dán ảnh của mình. Thịnh dùng giấy tờ giả này làm hộ chiếu và nhiều lần xuất cảnh cũng như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký nộp thuế, đăng ký hoạt động cho một doanh nghiệp khác.

Bị cáo Phạm Đức Thịnh tại tòa

Bị cáo Phạm Đức Thịnh tại tòa

Tháng 01/2021, Cơ quan ANĐT Bộ Công an khám xét chỗ ở của Thịnh tại TX.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu và thu giữ được 1 khẩu súng rulo, 1 khẩu súng bắn đạn bi và 10 viên đạn. Thịnh khai từng bị người khác bắn nên năm 2017, lo sợ có người ám hại nên lúc đi chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) tìm mua 2 khẩu súng với giá 20 triệu đồng để phòng thân. Số súng đạn này Thịnh cất giữ tại nhà và chưa sử dụng lần nào.

Ngày 15/9/2023, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở phiên xét xử sơ thẩm Phạm Đức Thịnh về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tại phiên tòa, Thịnh cho biết mặc dù suy nghĩ của bị cáo về thời điểm nhận tiền của bị hại không có ý thức chiếm đoạt. Nhưng vì chi phí neo đậu, xử lý con tàu quá lớn nên bị cáo đưa ra hành vi gian dối nhằm nhanh chóng có tiền khắc phục và xử lý vấn đề. Bị cáo nghĩ sau này có tiền sẽ trả lại ngay cho bị hại khi có điều kiện. “Qua phân tích của HĐXX, bị cáo nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình. Mong bị hại tha thứ và HĐXX xem xét hoàn cảnh để quyết định cho bị cáo bản án hợp tình hợp lý. Tạo cơ hội cho bị cáo làm lại cuộc đời, sớm về chăm lo cho gia đình và con nhỏ”, bị cáo Thịnh nói.

Khẩu súng trong vụ việc Thịnh bị bắn được cơ quan công an thu giữ

Khẩu súng trong vụ việc Thịnh bị bắn được cơ quan công an thu giữ

Về tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, HĐXX nhận định bị cáo thực hiện trong giai đoạn 2013 với mục đích che giấu hoạt động của cá nhân nhằm không để kẻ thù hay đối thủ cạnh tranh đe dọa về sức khỏe, tính mạng. Tương tự, nguyên nhân tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng cũng bắt nguồn từ việc bị cáo từng bị ám sát. Bị cáo mua súng với mục đích phòng thân. Hai hành vi nêu trên mặc dù vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật nhưng không nhằm mục đích xấu hoặc thực hiện hành vi phạm tội khác nên được cân nhắc mức hình phạt.

Đối với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo nhận thức hành vi phạm tội của mình và ăn năn hối cải. Số tiền chiếm đoạt đã được bị cáo và gia đình bồi thường toàn bộ cho bị hại nên tính chất nghiêm trọng cũng như trách nhiệm hình sự được xem xét giảm nhẹ một phần.

Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Phạm Đức Thịnh 9 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 1 năm tù tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và 2 năm tù tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt, Phạm Đức Thịnh phải nhận mức án là 12 năm tù.

Đăng Hòa - Hồng Châu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/lua-gop-von-mua-tau-trieu-usd-giam-doc-lai-rong-12-nam-tu_152759.html