Lúa hữu cơ của Sepon Group phát triển tốt

Sau 3 tháng xuống đồng cấy bằng máy 20 ha lúa hữu cơ giống ST25 của vụ sản xuất đông xuân 2021-2022 để sản xuất gạo mang thương hiệu 'Gạo hữu cơ Sepon', những héc ta lúa của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) đang trổ bông. Đây là bước đi đầu tiên nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương của tỉnh phấn đấu xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, VietGAP phục vụ nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu.

 Lãnh đạo tỉnh và tập đoàn thăm cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng -Ảnh: TÚ LINH

Lãnh đạo tỉnh và tập đoàn thăm cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng -Ảnh: TÚ LINH

Ông Nguyễn Hùng ở Hợp tác xã (HTX) Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, cho biết đã nhiều năm tham gia làm lúa bón phân hóa học nên lần này khi nghe tin Sepon Group liên kết sản xuất lúa hữu cơ với HTX, ông cũng như nhiều người trồng lúa rất mừng. Hy vọng với cách làm mới như doanh nghiệp này thì ruộng lúa không chỉ tăng độ phì nhiêu mà còn sản xuất ra gạo sạch.

Ông Hùng là người có diện tích ruộng lớn nhất trong số các thành viên ở HTX Kim Long tham gia sản xuất lúa hữu cơ. Vụ sản xuất đông xuân 2021-2022, Sepon Group ký hợp đồng sản xuất lúa ST25 với HTX Kim Long trên diện tích 20 ha. Theo đó, hơn 90 thành viên của HTX sẽ thực hiện quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo quy định của doanh nghiệp này đưa ra. Sepon Group cam kết với HTX Kim Long cung cấp công nghệ, giống và kỹ thuật gieo mạ, người dân chịu trách nhiệm cày đất, chăm sóc theo quy trình công nghệ sản xuất của Sepon Group. Ngoài HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long, Sepon Group đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa hữu cơ và VietGAP vụ đông xuân này với các HTX Lương Điền, xã Hải Sơn và HTX Văn Quỹ, xã Hải Phong trên diện tích 50 ha. Cùng với diện tích ở Hải Lăng, Sepon Group còn liên kết với nhiều huyện trong tỉnh để sản xuất lúa hữu cơ VietGAP.

Thời điểm này, trong lúc lúa sản xuất thường xuất hiện bệnh đạo ôn thì lúa hữu cơ của Sepon Group vẫn phát triển tốt, đồng đều, được phun dưỡng chất thúc đòng. Hiện đơn vị tiếp tục tập huấn cho người dân về chăm sóc lúa hữu cơ. Đến khi vào vụ thu hoạch, doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá 11 nghìn đồng/kg lúa tươi. Để phục vụ sản xuất, Sepon Group chuẩn bị đưa nhà máy sấy công suất 200 tấn/ngày, kho chứa lúa công suất 2.000 tấn đi vào hoạt động.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sepon Group cho biết, thực hiện liên kết trồng lúa hữu cơ, đơn vị đã thuê chuyên gia về khảo sát và phân tích chất đất ở vùng ruộng của huyện Hải Lăng để tìm ra những diện tích đạt tiêu chuẩn. Trong gần 7.500 ha ruộng của huyện thì chỉ có gần 1.500 ha đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa hữu cơ. Mục đích của việc trồng lúa hữu cơ để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” xuất qua thị trường Châu Âu và Mỹ nên các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe. Dự án phát triển lúa hữu cơ VietGAP được UBND tỉnh giao cho Sepon Group làm chủ đầu tư từ năm 2021 có mục tiêu hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua hợp tác với các HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân trồng lúa.

Dự án này nhằm xây dựng mô hình liên kết giữa 5 nhà gồm: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng (ngân hàng) để góp phần hoàn thành và xây dựng đề án quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ VietGAP Quảng Trị giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có trên 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có 3.000 ha lúa hữu cơ, 7.000 ha lúa VietGAP triển khai tại các huyện: Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Triệu Phong.

 Trồng lúa hữu cơ để xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” -Ảnh: TÚ LINH

Trồng lúa hữu cơ để xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” -Ảnh: TÚ LINH

Theo ông Hồ Xuân Hiếu, một thời gian dài sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, nông dân chủ yếu sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học khiến đất đai bị suy thoái. Ngay cả phân hóa học, nếu bón nhiều, cây ăn không hết, lượng dư thừa sẽ trôi theo dòng nước, ngấm xuống đất, càng góp phần làm đất nhanh suy thoái. Hơn nữa, sử dụng phân bón hữu cơ tốn nhiều công nên nông dân không mặn mà. Vì vậy, để có một diện tích lớn ruộng đủ tiêu chuẩn làm lúa hữu cơ theo chủ trương của tỉnh thì cần phải tập trung chữa bệnh cho đất, sử dụng phân bón hữu cơ để tăng độ phì nhiêu của đất, giúp đất không tiếp tục bị suy thoái. Việc làm này không chỉ của doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc của người dân và chính quyền.

Tóm lại, để làm được lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn xuất đi nước ngoài, vào được các thị trường khó tính cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp từ khâu làm đất, trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản với yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí hữu cơ. Vì vậy, doanh nghiệp đã hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị, Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh…nghiên cứu và thành lập xưởng sản xuất phân bón vi sinh chuyên dùng cho cây lúa; nhập máy cấy lúa, máy bay không người lái phun các chế phẩm hữu cơ chăm sóc lúa; lắp ráp dây chuyền sản xuất các chế phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp như gừng, ớt, tỏi, cá rô phi… dùng làm chế phẩm sinh học trừ sâu cho cây lúa. Đã là đất đai, bất kỳ loại nào cũng cần được cung cấp chất hữu cơ để duy trì các tính chất vật lý đất, sinh vật của đất giúp cây trồng phát triển tốt, đúng tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe con người.

“Cách sản xuất lúa gạo hữu cơ phù hợp với con đường phát triển nông nghiệp bền vững. Đó là chú trọng phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm; người nông dân sản xuất trên đất của mình. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ tập đoàn xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ cũng như hỗ trợ để xây dựng khu sản xuất ”, ông Hiếu kiến nghị.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=166806&title=lua-huu-co-cua-sepon-group-phat-trien-tot