Lúa mì đầy silo ở Ukraine nhưng không thể xuất đi

Ukraine có 3 con đường có thể dùng để chuyển lúa mì ra thị trường thế giới nhưng bất cứ lựa chọn nào cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức về hậu cần.

Cuộc tấn công của Nga tại Ukraine có thể bị trì hoãn ở Donbas nhưng đã rất thành công trong việc ngăn ngừa tàu bè rời khỏi các cảng biển Đen.

Điều này cũng có nghĩa Ukraine không thể xuất khẩu hầu hết 20 triệu tấn lúa mì chất đầy trong những silo (một dạng kho chứa nông nghiệp) của nước này, trong khi một mùa thu hoạch nữa lại sắp đến. Nếu tình trạng ấy kéo dài, người nông dân Ukraine cũng sẽ không có động lực để gieo trồng cho mùa vụ tiếp theo.

Hiện tại, lúa mì Ukraine có 3 con đường để ra thị trường quốc tế nhưng không lựa chọn nào là dễ dàng.

 Lúa mì được lưu trữ trong các túi silo bằng polymer tại một trang trại ở phía tây Kyiv, Ukraine. Ảnh: HarvEast.

Lúa mì được lưu trữ trong các túi silo bằng polymer tại một trang trại ở phía tây Kyiv, Ukraine. Ảnh: HarvEast.

Đường biển bị phong tỏa

Trước khi giao tranh bùng nổ, hơn 90% lúa mì Ukraine được vận chuyển qua đường biển, theo bà Mariia Didukh, Giám đốc Diễn đàn Nông nghiệp Ukraine. Nhưng lúc này, các cảng của Ukraine ở biển Đen bị Nga phong tỏa chặt.

Thế giới đã kêu gọi các bên mở hành lang an toàn cho tàu chở lúa mì ra khỏi biển Đen. Nhưng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc cho tới nay chưa đạt được tiến triển.

Nga cho biết sẽ cần khám xét tàu bè vào cảng để đảm bảo chúng không giấu vũ khí hoặc vật cấm, nhưng Ukraine sẽ phản đối nếu Nga là bên kiểm tra duy nhất. Cách khắc phục có thể là để quan chức Liên Hợp Quốc kiểm tra nhưng biện pháp này chưa từng có tiền lệ và sẽ cần nhiều thời gian để dàn xếp.

Các tàu thương mại ra vào cảng Ukraine cũng sẽ cần được bao phủ trong vùng cấm bay để tránh bị hai bên không kích nhầm. Nhưng điều này đòi hỏi Nga từ bỏ kiểm soát đối với vùng Tây Bắc biển Đen và Mocsow nhiều khả năng sẽ không đồng ý.

Một vấn đề nữa là việc Ukraine đã rải thủy lôi quanh các cảng biển để ngăn ngừa đòn tấn công đổ bộ của Nga.

 Hải quân Nga phong tỏa các cảng biển Đen của Ukraine. Trong ảnh là tàu hải quân Nga tại cảng Sevastopol ở Crimea vào ngày 8/5/2014. Ảnh: Reuters.

Hải quân Nga phong tỏa các cảng biển Đen của Ukraine. Trong ảnh là tàu hải quân Nga tại cảng Sevastopol ở Crimea vào ngày 8/5/2014. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước từng nói việc rà phá là không cần thiết vì Ukraine nắm được đa số vị trí thủy lôi, nhưng phát biểu này chưa tính tới loại thủy lôi trôi nổi. Phía Ukraine không có thiết bị rà phá loại thủy lôi nói trên.

Bên cạnh việc thỏa thuận giữa các bên, các vấn đề khác cũng cản trở vận chuyển qua biển như việc tìm đủ tàu bè và thủy thủ đoàn. Ước tính công tác vận chuyển 20 triệu tấn lúa mì ra khỏi Ukraine sẽ cần tới 400 con tàu thích hợp.

Ngoài ra, ít có hãng bảo hiểm nào chịu đứng ra đảm bảo cho những chuyến đi như vậy. Và nếu có, giá bảo hiểm sẽ được tính cao hơn.

Một số người đề xuất rằng tàu quân sự phương Tây có thể can thiệp để bảo vệ đoàn tàu thương mại vào biển Đen để vận chuyển lúa mì. Nhưng ý tưởng này chứa đựng nhiều rủi ro vì có thể xảy ra va chạm giữa các bên, từ đó làm leo thang căng thẳng với hải quân Nga.

Đường sắt không tương thích

Ngoài đường biển, Ukraine có thể vận chuyển lúa mì bằng đường sắt. Giữa Ukraine và các nước châu Âu có 13 cửa khẩu biên giới có lắp đặt đường sắt. Trong số đó, 4 cửa khẩu dẫn tới Ba Lan, 3 tới Romania, 2 tới Hungary, Slovakia và Moldova.

Về lý thuyết, những cửa khẩu này có thể vận chuyển tới 50.000 tấn lúa mì/ngày. Tuy nhiên, đường sắt của Ukraine có khổ đường ray rộng 1,5 m, rộng hơn so với châu Âu (1,4 m).

 Khổ đường sắt của Ukraine rộng hơn so với châu Âu. Ảnh: AFP.

Khổ đường sắt của Ukraine rộng hơn so với châu Âu. Ảnh: AFP.

Sự chênh lệch này có nghĩa khi tới cửa khẩu, hàng hóa sẽ phải được bốc lên các toa hàng mới. Toàn bộ quá trình có thể tốn nhiều ngày, trung bình là 16 ngày nhưng cũng có thể kéo dài lên tới một tháng, theo Guardian.

Ngoài ra, các nước châu Âu hiện không có đủ đầu máy xe lửa và toa hàng để vận chuyển lượng hàng hóa bất chợt tăng cao từ Ukraine. Công tác làm giấy tờ hải quan cũng rất phức tạp vì mỗi toa hàng sẽ cần có giấy phép riêng.

Lithuania và Latvia - hai nước có cùng khổ đường sắt với Ukraine - đã đồng ý cho phép Kyiv dùng cảng để chuyển lúa mì tới những nơi khác. Nhưng để tới được đó, lúa mì vẫn sẽ phải đi qua Ba Lan, nước láng giềng với Ukraine dùng khổ đường sắt 1,4 m.

Như vậy, nếu dùng tuyến đường trên, hàng hóa sẽ phải được bốc dỡ hai lần, một lần ở biên giới Ba Lan - Ukraine, một lần khi tiến vào Lithuania và Latvia.

Hôm 22/5, Ukraine và Ba Lan thông báo họ sẽ thiết lập cơ chế kiểm soát chung hải quan tại biên giới và thành lập công ty đường sắt chung. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng việc này sẽ “tăng tốc đáng kể thủ tục ở biên giới”.

 Người dân thu hoạch lúa mì bên ngoài Kyiv hồi năm 2020. Ảnh: Reuters.

Người dân thu hoạch lúa mì bên ngoài Kyiv hồi năm 2020. Ảnh: Reuters.

Đường bộ bất khả thi

Vận chuyển lúa mì bằng phương tiện di chuyển trên bộ sẽ đòi hỏi công tác hậu cần khổng lồ. Một nhà ngoại giao phương Tây thậm chí cho rằng việc này là không khả thi nếu xét tới số lượng 20 triệu tấn lúa mì còn mắc kẹt ở Ukraine, theo Telegraph.

Theo một ước tính, việc vận chuyển 1,2 triệu tấn lúa mì mỗi tháng sẽ cần tới 10.000 xe tải và 20.000 tài xế làm việc không ngưng nghỉ.

Nhà chức trách đang xem xét các cơ chế đặc biệt để cho phép thêm nhiều tài xế lái xe tải Ukraine và Moldova tiến vào Liên minh châu Âu nhanh hơn.

Nhưng Ukraine đang rơi vào tình trạng thiếu hụt diesel, nhiên liệu cần thiết để chạy đội xe tải đông đảo nói trên. Nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu cơ sở hạ tầng đường sá tại Ukraine và các nước láng giềng có thể chịu được hay không.

Video pháo tự hành Msta-S của Nga tấn công mục tiêu Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/6 đăng video tổ hợp pháo tự hành Msta-S của Nga tấn công vào các mục tiêu được ngụy trang của lực lượng Ukraine.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lua-mi-day-silo-o-ukraine-nhung-khong-the-xuat-di-post1328277.html