Lừa tiền phụ huynh, sinh viên bằng những văn bản giả mạo
Nhiều văn bản giả mạo về các chương trình du học để lừa phụ huynh, sinh viên 'nhẹ dạ, cả tin', số tiền có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nhiều trường đại học (ĐH) tại TP.HCM vừa đồng loạt đưa ra cảnh báo đến phụ huynh, sinh viên liên quan đến các thông tin văn bản giả mạo, lừa đảo.
Lừa tiền bằng văn bản giả mạo về du học
Thông tin từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), vừa qua, trường có tiếp nhận thông tin về việc có thư mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế nào tại trường vào ngày 14-12-2024 dành cho khóa 21. Thư mời được gửi đích danh theo tên sinh viên và kèm nội dung chúc mừng đủ điều kiện ghi danh vào khóa học giao lưu sinh viên quốc tế tại Singapore dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2024.
Ngoài ra, thư mời còn kèm thông tin mức học bổng từ 25-100% dành cho sinh viên, tùy điều kiện đạt được.
Phía trường cho rằng, Trường ĐH Bách khoa xác nhận không phát hành thông báo cũng như tổ chức bất cứ buổi họp mặt giao lưu quốc tế nào tại trường vào ngày 14-12-2024. Văn bản này còn mắc nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả, thông tin không chính xác, không nhất quán và thiếu minh bạch, trình bày sai thể thức,...
Trường khẳng định, mọi quy trình về đăng ký và xét duyệt học bổng cho sinh viên của Trường ĐH Bách khoa đều được triển khai theo hệ thống chặt chẽ thông qua email và các kênh thông tin điện tử chính thống của trường, do các phòng chuyên trách theo dõi và cập nhật thường xuyên.
“Các bạn sinh viên có thể đã trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để nhận diện các hình thức lừa đảo giả mạo, song cần cảnh giác cao độ trước những thủ đoạn tinh vi này.
Sinh viên khi nhận thấy bất thường này cần kiểm tra và xác nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy theo các kênh thông tin chính thống của trường hoặc trực tiếp trình báo với công an” – trường cảnh báo.
Tương tự, theo chia sẻ của Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, ông giật mình khi thấy tên mình xuất hiện với vai trò Hiệu trưởng Trường ĐH FPT ký tên trong một thông báo về chương trình học bổng do Chính phủ Nhật Bản cấp năm 2024.
Một điểm sai sót khác trong thông báo này là Trường ĐH FPT lại trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi đúng thực tế là trường thuộc Công ty TNHH Giáo dục FPT (Tập đoàn FPT).
Văn bản giả mạo này ghi sơ tuyển 120 suất từ trung cấp đến sau ĐH, có mong muốn sang Nhật Bản đi học và sẽ được Chính phủ Nhật Bản đài thọ 100% chi phí. Lộ trình học trong ba tháng. Để tham gia, người học chỉ cần chứng minh tài chính có 120 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng để sao kê cho nhà trường.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng cũng cho biết trong thời gian qua, có nhiều thông tin lừa đảo liên quan đến môi giới du học, tuyển dụng, tuyển sinh gắn với tên của các đơn vị trong FPT Edu.
Đề tránh bị lừa đảo, lãnh đạo trường khẳng định với phụ huynh, sinh viên hai nguyên tắc. Thứ nhất, các thông tin chính thống đều phải được công bố trên các cổng thông tin chính thức của nhà trường.
Thứ hai, liên quan đến tài chính, FPT Edu áp dụng triệt để việc không dùng tiền mặt, mọi khoản nộp nếu có đều qua tài khoản đứng tên trường, không đứng tên các cá nhân hoặc các đơn vị khác.
Cần tỉnh táo để tránh rơi vào "bẫy tâm lý" của kẻ xấu
Trước đó, thông tin từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết trường nhận được nhiều trình báo của sinh viên về các hiện tượng lừa đảo, tống tiền qua điện thoại.
Theo trường, các “kịch bản” lừa đảo qua điện thoại rất đa dạng: hăm dọa về các hành vi vi phạm pháp luật; thông báo trúng thưởng; tặng quà khuyến mãi; thông báo trao học bổng du học, …
Mặc dù hiện tượng này xuất hiện đã lâu và đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng nhiều sinh viên vẫn mắc “bẫy” của các đối tượng xấu.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, lưu ý sinh viên cần cảnh giác trước những số điện thoại lạ, tài khoản mạng xã hội có thông tin không rõ ràng. Đồng thời, các em cần tỉnh táo để nhận ra những tình tiết đáng ngờ, như nếu không làm gì sai thì sẽ không có hành vi phạm pháp; không nộp hồ sơ ở đâu thì chắc chắn sẽ không có học bổng; những khoản chi trả hậu hĩnh thì không đến từ những hoạt động bình thường, mà rất có thể là những chiêu trò để dụ dỗ các bạn.
Ngoài nội dung trò chuyện, còn có những yếu tố khác có thể là dấu hiệu của lừa đảo như: gọi điện liên tục; cuộc gọi đến từ một không gian ồn ào, có thể là nơi nhiều người khác cũng đang thực hiện những cuộc gọi tương tự; các cuộc gọi giả mạo sử dụng hình ảnh AI, với chuyển động khuôn mặt bất thường và âm thanh không rõ ràng…
Thạc sĩ Trần Nam nhấn mạnh: “khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo, sinh viên phải ngắt liên lạc ngay lập tức để tránh rơi vào những “bẫy tâm lý” của các đối tượng xấu. Nếu gặp vụ việc phức tạp, sinh viên nên trao đổi thông tin cho bạn bè, gia đình, để họ cùng chia sẻ và phân tích vấn đề, tránh nghe theo sự dụ dẫn của các đối tượng lừa đảo”.
Cạnh đó, Thạc sĩ Trần Nam cho rằng nếu chẳng may đã bị lừa, sinh viên nên xem như đã mất khoản tiền đó và tuyệt đối không tìm cách đòi lại. Vì có thể khi liên hệ với kẻ lừa đảo, chúng lại tiếp tục có những “kịch bản” phức tạp hơn, khiến cho các bạn càng mất nhiều hơn nữa. Thay vào đó, các bạn nên đến trình báo cho các cơ quan chức năng, gia đình, thầy cô… để được hỗ trợ.
Ngoài ra, Thạc sĩ Trần Nam cũng khuyên sinh viên cần bảo mật dữ liệu cá nhân, đặc biệt là những thông tin quan trọng như nơi ở, CCCD, tài khoản ngân hàng... khi tham gia tương tác trên các nền tảng mạng xã hội để tránh bị người xấu lợi dụng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/lua-tien-phu-huynh-sinh-vien-bang-nhung-van-ban-gia-mao-post825362.html