Luật sư Nguyễn Thị Vân Trang: Vượt qua mặc cảm, tự tin phát triển bản thân ở Hungary

Tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP.HCM, lấy bằng thạc sĩ luật tại Đại học Melbourne (Úc), Nguyễn Thị Vân Trang chọn sinh sống và làm việc tại Budapest (Hungary) cùng chồng. Chị và chồng đang điều hành văn phòng luật Dukkon.

Luật sư Vân Trang đã chia sẻ với Người Đô Thị những thông tin về cuộc sống tại Hungary cũng như giải đáp một số vấn đề được quan tâm về việc định cư, du học tại Hungary, đất nước nằm trong Liên minh châu Âu.

Sinh sống và làm việc tại một đất nước xa lạ, cũng không phải là nơi chị học đại học, chị đã tìm cách thích nghi ra sao, đặc biệt, chị đã dạy hai con gái lai về văn hóa Việt – Hungary ra sao?

Khi sang đây 20 năm trước, tôi không có gia đình, người thân, bạn bè nào, người duy nhất tôi biết ở đất nước này là chồng tôi. Chỉ có thể tóm gọn lại trong một câu: “Vì yêu mà đến”. Khi du học tại Úc, tôi đã gặp một anh chàng người Hung cao gầy. Hai con người, từ hai châu lục khác nhau, gặp nhau ở châu lục thứ ba và yêu nhau. Sau khi kết hôn, đúng với câu ông bà mình thường nói “thuyền theo lái, gái theo chồng”, tôi sang Hungary dù trước đó không biết gì về đất nước này ngoài vị trí địa lý là nằm ở châu Âu.

Ngay cả ngôn ngữ với tôi cũng hoàn toàn xa lạ. Tôi đã phải bắt đầu lại: học tiếng, học chuyên môn, học lái xe, học cả cách vượt qua những mặc cảm nhược tiểu khi bị phân biệt đối xử từ người bản xứ, tự tin phát triển bản thân để nhận được sự công nhận từ họ. Muốn được tôn trọng trong công việc, mình phải thật sự giỏi nghề; còn muốn được tôn trọng trong cuộc sống, mình phải sống thật ngay thẳng và tử tế.

Luật sư Vân Trang cùng chồng và hai con

Luật sư Vân Trang cùng chồng và hai con

Từ kinh nghiệm hòa nhập của bản thân, tôi hướng các con trở thành công dân toàn cầu, nghĩa là làm sao để ở đâu cũng sống được, sống tốt. Tôi hay nói với các con sau này hãy sống cuộc đời như các con mong muốn, lấy người con yêu, làm việc con thích, sống tại nơi con thấy phù hợp. Đồng thời tôi cũng không quên nhắc các con về cội nguồn của mình. Như trong Lá thư dưới gối, cuốn sách tôi viết tặng hai con, xuất bản tại Việt Nam, có dòng: “Khi con bước ra thế giới, nhìn vào con, người ta không chỉ thấy là con của bố mẹ, mà còn là người Việt, người châu Á, người Hung”.

Vừa là một luật sư, vừa là một người phụ nữ của gia đình, một tác giả sách, cuộc sống mỗi ngày của chị tại Hungary như thế nào?

Vì chồng tôi cũng là luật sư nên hai vợ chồng cùng mở một văn phòng luật vào năm 2006, văn phòng luật Dukkon. Tới nay thì khách hàng của văn phòng gồm cả pháp nhân và cá nhân, gồm nhiều quốc tịch, ngoài Hungary và Việt Nam thì có đủ từ các châu lục, nên mọi người trong văn phòng ai cũng nói được từ 2 đến 3 ngôn ngữ. Có những cuộc họp mà có tới 4 ngôn ngữ cùng được sử dụng: Hung – Việt – Anh – Đức.

Tôi hay tự nghĩ về bản thân là một người bình thường sống đời giản dị. Ban ngày đi làm ở văn phòng, buổi tối dành cho gia đình. Ngày hai đứa trẻ còn nhỏ thì buổi chiều đi đón con, đưa con đi học các môn ngoại khóa như học đàn, học nhảy, tập thể thao… Buổi tối, sau khi ăn tối, dọn dẹp thì cùng học bài với con. Bây giờ khi các con đã lớn và tự học thì buổi tối hai vợ chồng dành cho bản thân: đưa bé cún đi dạo, tập thể thao, nghỉ ngơi, đọc sách, xem phim…

Công việc của nghề luật đòi hỏi nhiều năng lượng và chất xám nên ngoài công việc ra, tôi tập trung nạp lại năng lượng cho bản thân bằng những hoạt động hướng vào bên trong như vậy. Tôi khá ngại đến những nơi đông người, nếu có gặp gỡ bạn bè thì thường là các nhóm nhỏ, những người đủ thân thiết để nói với nhau những câu chuyện sâu sắc và truyền cảm hứng.

Văn phòng luật của chị có làm về cả lĩnh vực định cư, chị có thể chia sẻ về thực tế nhu cầu định cư của người Việt Nam tại Hungary. So với Việt Nam, Hungary sẽ có những điểm tiến bộ và đáng để mọi người đầu tư định cư ở góc độ nào?

Theo tôi được biết nhu cầu định cư của người Việt mình là luôn luôn có, không chỉ Hungary mà còn rất nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay Hungary đang có những chính sách khá mở đối với việc định cư và lao động, nhất là so với các nước châu Âu khác. Có lẽ đó là điểm thu hút đầu tiên với những người muốn sang Hungary định cư. Đất nước này lại có vị trí thuận lợi là nằm ngay trung tâm châu Âu.

Luật sư Vân Trang tại sự kiện giao lưu, ra mắt sách Lá thư dưới gối

Nói về định cư thì hiện có hai dạng: những người muốn sang Hungary định cư và những nhà đầu tư muốn có tấm thẻ định cư tại Hungary để đi lại chứ không sinh sống lâu dài. Với những người muốn sang Hungary định cư (qua con đường đầu tư, lao động, du học, đoàn tụ) thì những điểm hấp dẫn của nơi này theo tôi là sự bình yên, an toàn, chế độ an sinh xã hội và giáo dục văn minh, tiên tiến. Giáo dục công lập miễn phí từ lớp 1 đến lớp 12 với chất lượng đào tạo hàng đầu, hệ thống y tế đúng chuẩn châu Âu, cơ sở hạ tầng và tiện ích phát triển, đi lại du lịch tự do trong 26 nước Schengen.

Cũng chính vì việc đi lại dễ dàng này nên nhiều người Việt muốn có thẻ định cư Hungary đôi lúc chỉ để đi du lịch hay thăm thân nhân hàng năm cho tiện, không phải xin visa mỗi lần đi. Vì thế họ chọn đầu tư vào Hungary như mua bất động sản để cho thuê. Mười hai triệu lượt khách du lịch đến Hungary hàng năm đã tạo nên một thị trường cho thuê nhà ổn định và có lợi nhuận với tốc độ tăng giá thuê nhà thuộc top 4 châu Âu. Điều này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam.

Chị có thể chia sẻ thêm về những ngộ nhận của nhiều người về định cư tại Hungary mà chị nhận thấy trong quá trình làm việc?

Như tôi vừa đề cập ở trên, chế độ an sinh xã hội của Hungary rất tốt. Để có được chế độ tốt như vậy, người Hung sẵn sàng đóng góp vào đó, cụ thể là các nghĩa vụ về thuế. (Có một điều khá thú vị là luật quy định cho phép người đóng thuế được quyền chỉ định dùng 1% tiền thuế hàng năm của mình để góp cho một tổ chức mà mình ưa thích, ví dụ như trường học, bệnh viện, tổ chức dân sự…).

Khi thực hiện nghĩa vụ về thuế như vậy, người dân Hung cũng đòi hỏi và giám sát chính quyền trong việc sử dụng nguồn thuế này để đem lại các phúc lợi xã hội tốt cho họ và gia đình. Đây chính là điều mà nhiều người định cư chưa hiểu thấu đáo. Vì vậy khi sang đây họ coi những lợi ích mà bản thân và gia đình được hưởng là đương nhiên (“Không thì tôi ở Việt Nam chứ sang đây làm gì?”), nhưng lại thường tìm cách trốn tránh việc đóng góp, cụ thể là đóng thuế. Điều này khiến nhiều người Hung mất thiện cảm với người định cư, những người mà trong mắt họ là người từ nơi khác đến, không muốn đóng góp gì mà chỉ muốn hưởng lợi, mà các lợi ích đó có được là từ tiền thuế đóng bởi người bản xứ.

Theo luật sư Vân Trang, việc hội nhập ở một đất nước khác với nơi ta sinh ra, bất kể đó là nước nào, là điều không dễ dàng. Bạn cần phải bắt đầu lại mọi thứ, làm quen với những tập tục, lối sống, cách suy nghĩ, cách ứng xử mới

Theo luật sư Vân Trang, việc hội nhập ở một đất nước khác với nơi ta sinh ra, bất kể đó là nước nào, là điều không dễ dàng. Bạn cần phải bắt đầu lại mọi thứ, làm quen với những tập tục, lối sống, cách suy nghĩ, cách ứng xử mới

Ở góc độ du học, Hungary có phải là một nước để du học sinh Việt Nam cân nhắc lựa chọn?

Tôi nghĩ là có, nhất là đối với ngành Y – Dược. Hàng năm, nhà nước Hung cấp 200 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang theo học tại các trường đại học hàng đầu của Hungary. Chi phí sinh sống tại đây cũng rất hợp lý. Các bạn sinh viên nên tận dụng điều này để có tấm bằng đại học chất lượng cao và những trải nghiệm cuộc sống tại châu Âu.

Hành trình hội nhập văn hóa Hungary của chị có nhiều khó khăn không? Nếu không biết tiếng Hungary thì chúng ta có thể hòa nhập cuộc sống ở đó không?

Việc hội nhập ở một đất nước khác với nơi ta sinh ra, bất kể đó là nước nào, là điều không dễ dàng. Bạn cần phải bắt đầu lại mọi thứ, làm quen với những tập tục, lối sống, cách suy nghĩ, cách ứng xử mới. Tất nhiên mọi thứ hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều cho người mới đến so với 20 năm trước khi tôi sang đây. Nhưng sống được và thật sự hiểu, thật sự coi đây là quê hương thứ hai là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Nếu không biết tiếng Hung thì có thể sống ở đây, nhưng sẽ không hoàn toàn tự tin và càng không thể hiểu và cảm nhận được văn hóa, con người nơi đây như khi bạn biết tiếng. Vì khi học một ngôn ngữ, bạn không chỉ học tiếng nói mà học cả nền văn hóa nữa.

Ví dụ, cùng là ngôi thứ hai, nếu như tiếng Anh chỉ có “you” thì trong tiếng Hung có sự phân biệt rất rõ: với người lạ, người muốn giữ khoảng cách thì là "ön”; khi thân thiết, khi coi là bạn thì mới đổi sang "te”. Với tiếng Hung, nếu thật sự yêu thích và học một cách nghiêm túc thì 1 năm là quá đủ để giao tiếp hằng ngày với điều kiện là phải chịu khó thực hành thường xuyên. Đơn cử như vừa rồi, văn phòng luật chúng tôi có phỏng vấn một số sinh viên người Việt xin vào thực tập tại văn phòng. Các em đang học luật bằng tiếng Hung tại đây nhưng trình độ các em giao tiếp còn chưa đủ, chưa nói đến tiếng Hung chuyên ngành luật.

Luật sư Vân Trang đang sinh sống tại Budapest - thủ đô của Hungary, nơi có di sản văn hóa và lịch sử phong phú

Luật sư Vân Trang đang sinh sống tại Budapest - thủ đô của Hungary, nơi có di sản văn hóa và lịch sử phong phú

Khi tôi vừa chân ướt chân ráo sang đây, chồng tôi đã làm một điều mà sau này nhắc lại, tôi hay dùng cụm từ “quăng xuống nước cho tự bơi”. Anh ấy đăng ký ngay lập tức cho tôi một khóa học intensive tiếng Hung liên tục tất cả các ngày trong tuần. Tôi bị choáng váng và ỷ y vào tiếng Anh của mình (với một niềm tin ngây thơ là nhiều người Hung biết tiếng Anh) nên dù đi học đều, nhưng tôi không chú tâm học.

Sau khi va phải thực tế khắc nghiệt là người Hung không giỏi tiếng Anh như tôi nghĩ (năm 2004 khi tôi sang Hungary cũng chính là năm đất nước này gia nhập Liên minh châu Âu) và dù tôi có nói thạo tiếng Anh bao nhiêu mà không biết tiếng Hung thì họ vẫn nhìn tôi một cách khinh thị, tôi mới quyết tâm học tiếng một cách tử tế. Tất nhiên, dù cho có học hết tất cả các khóa học, đến khóa cao nhất của trường tiếng thì bạn cũng không thể nói giỏi được. Bạn chỉ có thể nói giỏi khi bạn sử dụng ngôn ngữ ấy liên tục trong công việc và cuộc sống. Đó là cách tôi thực hành tiếng Hung.

Bên cạnh ngôn ngữ, khó khăn lớn nhất của tôi khi vừa đến đây là sự phân biệt đối xử từ những người bảo thủ. Hungary không phải nước có nhiều người nhập cư như Mỹ, Anh, Úc… Họ sống khép kín.

Người Hung rất tôn trọng nghề luật sư và bác sĩ, họ luôn gọi những người hành nghề này là ngài. Chồng tôi luôn được gọi như vậy, nhưng với tôi thì khác. Trong nhiều cuộc họp, tôi đã bị nhầm là thư ký hoặc bị đối xử khác biệt chỉ vì tôi là phụ nữ và là người châu Á. Rất may là những lúc như vậy, chồng tôi đã lùi lại để tôi dẫn dắt cuộc họp. Thường thì sau đó, thái độ của họ đã thay đổi.

Tuy vậy, nhìn chung, người Hung rất tốt bụng, tử tế. Nếu bạn nói tốt tiếng Hung, bạn nói chuyện với họ được về cuộc sống, văn hóa xã hội thì họ sẽ rất yêu quý bạn và bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì tình cảm nồng nhiệt mà họ dành cho bạn.

Cũng không thể không nhắc đến những nét văn minh mà tôi đã học được rất nhiều từ người Hung như: thói quen đúng giờ, thói quen kiên nhẫn xếp hàng, cách thức cư xử lịch sự trong nhà hàng, biết thưởng thức và trân trọng thiên nhiên, nghệ thuật, cái đẹp.

Với tiếng Hung, theo luật sư Vân Trang nếu thật sự yêu thích và học một cách nghiêm túc thì 1 năm là quá đủ để giao tiếp hằng ngày với điều kiện là phải chịu khó thực hành thường xuyên

Với tiếng Hung, theo luật sư Vân Trang nếu thật sự yêu thích và học một cách nghiêm túc thì 1 năm là quá đủ để giao tiếp hằng ngày với điều kiện là phải chịu khó thực hành thường xuyên

Sống ở một nơi đẹp tuyệt vời như Hungary, đẹp từ thiên nhiên tới các công trình kiến trúc, chị cảm thấy như thế nào?

Budapest, thủ đô của Hungary, có một di sản văn hóa và lịch sử phong phú. Dòng sông Danube chia thành phố làm hai, vùng đồi Buda yên tĩnh với những cung điện tráng lệ và những khu phố cổ kính; vùng đồng bằng Pest sầm uất, nhộn nhịp những nơi chốn vui chơi, buôn bán. Gia đình tôi thích đi du lịch và cũng đã đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng chúng tôi cũng có những cuối tuần lang thang làm khách du lịch trong chính thành phố của mình. Mỗi khi lái xe dọc theo sông Danube, ngắm thành phố về đêm lung linh ánh đèn vàng, chúng tôi lại thấy may mắn khi được sống ở thành phố xinh đẹp này. Chúng tôi trân trọng thành phố, trân trọng nền văn minh, bề dày văn hóa, và sự yên bình nơi đây.

Thông thường các tour du lịch từ Việt Nam sang Hung thì các công ty hay tổ chức các tour Trung-Đông Âu, đi một lúc vài nước như Đức-Áo-Hungary-Séc…Vì đi tour nhiều nước như vậy nên có thể nói là chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, và bỏ sót một điều rất đặc biệt của Hungary là các suối nước khoáng. Các khách du lịch châu Âu hoặc các đoàn khách Nhật Bản hay sang Hungary du lịch y tế, nghĩa là sang nhiều ngày để chữa bệnh tại các khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên các nguồn nước khoáng rất tốt này. Cũng cần nói thêm Hungary có hệ thống giao thông công cộng rất hiện đại và tiện lợi trong nước cũng như quốc tế, nên mọi người hoàn toàn yên tâm khi đi lại ở đây.

Phạm An thực hiện - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/luat-su-nguyen-thi-van-trang-vuot-qua-mac-cam-tu-tin-phat-trien-ban-than-o-hungary-46332.html