Lứa tuổi thích hợp để trẻ học Tranh biện
Tranh biện (Debate) hiện là môn ngoại khóa phát triển khá mạnh trong giới học sinh, sinh viên. Vậy cho trẻ tiếp cận với Tranh biện như thế nào cho phù hợp?
Theo Th.S Phan Mỹ Linh (Đại diện phụ trách đội tuyển tranh biện Việt Nam) và anh Vũ Anh Tuấn (Trưởng ban Kĩ thuật giải Tranh biện vô địch thế giới 2021) – 2 người đồng sáng lập Liên đoàn Tranh biện Việt Nam thì: Tranh biện là một môn thể thao trí tuệ, trong đó học sinh được rèn luyện kỹ năng bao gồm lắng nghe, trình bày, phản biện; được tích lũy kiến thức về xã hội, chính trị, văn hóa, đồng thời được xây dựng nhân cách.
Tuy nhiên, nhiều người dễ nhầm lẫn giữa hùng biện và tranh biện vì cùng đều bàn luận về một chủ đề nhất định.
“Nếu trong hùng biện, một thí sinh có thể sử dụng cảm xúc của mình để bày tỏ quan điểm cá nhân một cách độc lập thì tranh biện lại yêu cầu chiến lược làm việc nhóm chặt chẽ để cùng đưa ra một hệ thống luận điểm dựa trên những lập luận logic, những phân tích thông số và sự kiện lịch sử có thật để thuyết phục ban giám khảo. Tranh biện là một con đường hai chiều mà để chiến thắng, bạn không chỉ cần đưa ra ý thật hay mà còn phải phản biện được luận điểm của đội bạn thật tốt ”, anh Tuấn Anh giải thích.
Lứa tuổi thích hợp để tiếp cận với Tranh biện
Tuy phụ khởi điểm thích hợp của từng học sinh tùy thuộc vào sự trưởng thành về tâm sinh lý của cá nhân, nhưng nhìn chung thì 11 tuổi hay lớp 6 là thời điểm hợp lý. Đây là thời điểm về tâm sinh lý, học sinh đã hình thành được kim chỉ nam của đúng-sai, có nhiều chuyển biến, tiếp nhận các kiến thức chủ động hơn và bắt đầu suy nghĩ phản hồi tốt.
Riêng lứa tuổi nhỏ hơn nên có lộ trình bài bản trước khi bước vào tranh biện.
“Các bé tiểu học nên bắt đầu từ kịch nghệ để rèn luyện phong cách, khả năng tiết chế cảm xúc và thể hiện biểu cảm phù hợp với thông điệp đưa ra. Bước tiếp theo sẽ là tiếp cận với bộ môn hùng biện để hình thành chính kiến cá nhân, xây dựng sự hiểu biết rồi mới làm quen với tranh biện. Lộ trình này không nên bị đốt cháy giai đoạn để khơi gợi niềm đam mê yêu và xây dựng một nền móng vững chắc cho tranh biện”, cô Mỹ Linh chia sẻ.
Còn anh Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu cho học sinh khi tham gia tranh biện và bố mẹ nên phân biệt rạch ròi giữa tranh biện – một kỹ năng không thể thiếu được của thế kỷ 21 và tranh biện chuyên nghiệp – một môn thể thao đối kháng với mục tiêu du đấu tại các giải trong và ngoài nước. Khi có được mục tiêu rõ ràng, gia đình mới có thể có lộ trình và chiến lược cụ thể giúp nuôi dưỡng đam mê và đồng hành cùng con thay vì tạo phải áp lực.
Một yếu tố quan trọng hàng đầu khi tham gia học tranh biện là việc chọn huấn luận viên. Khác với những thầy cô giáo truyền đạt kiến thức về cách kỹ năng hoặc môn học, người huấn luyện viên tranh biện trực tiếp ảnh hưởng đến nhân sinh quan – cách nhìn nhận cuộc sống của học sinh. Ngoài kinh nghiệm sư phạm trong phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm tham đấu ở các giải có chất lượng trong nước và quốc tế để định hướng về lối tư duy và tạo điều kiện tập luyện cho học sinh của mình, một huấn luyện viên tốt phải là người có tâm với sự phát triển của học sinh – không hơn thua, không thắng bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến luật thi đấu phù hợp lứa tuổi, trình độ. Với học sinh mới hoàn toàn thì nên khởi động bằng luật World Scholar Cup (WSC) với thời gian 4 phút nói, chưa có chất vấn để giảm áp lực thi đấu. Sau đó là luật World Schools hay còn gọi là WSDC: thi đấu đội 5 người – 3 người nói chính/ trận, trình bày trong 8 phút, có chất vấn, và có một đề được chuẩn bị trước. Luật thi đấu này được Liên đoàn tranh biện thế giới thiết kế riêng để phù hợp với tâm sinh lý và sự phát triển đồng đều từ phong cách, nội dung đến chiến thuật của học sinh lứa tuổi 14 trở lên. Những luật khó hơn như luật Nghị viện Châu Á (AP) – thiên về nội dung, luật Nghị viện Anh (BP) - thiên về chiến thuật sẽ phù hợp với các bạn học sinh đã có nhiều kinh nghiệm tham đấu và các bạn sinh viên đại học.
Cuối cùng là chọn các cuộc thi. Theo 2 chuyên gia, thí sinh nên chọn thử sức với những cuộc thi có Ban chuyên môn dày dạn kinh nghiệm, có chất lượng chấm thi và tổ chức tốt trong nước và quốc tế như Hanoi Open – Vietnam Schools Debating Championship (tiếng Anh), Giải Vô địch Tranh biện quốc gia (NSDC/ tiếng Việt), Giải vô địch Tranh biện Nghị viện Anh (VBC/ Tiếng Anh), trước khi du đấu tại các giải quốc tế trong khu vực như Cúp Vô địch Oldham tại Singapore, hay Giải Vô địch Tranh biện WSDC Châu Á tại Thái Lan.
Còn lộ trình chuyên nghiệp sẽ theo hướng: Học (học kiến thức nền, cách thể hiện); Thi, chấm (tham gia thực hành va chạm tại các cuộc thi để rèn luyện tính đối kháng khi có nhiều kinh nghiệm sẽ tham gia chấm tại một số giải); Dạy (vừa phát triển kỹ năng cá nhân tự mài sắc kiến thức của mình, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội cộng đồng).
Th.S Mỹ Linh cũng nhấn mạnh “Xây dựng kế hoạch phát triển tranh biện cho các bạn học sinh không thể thiếu sự đồng hành của phụ huynh và nhà trường. Bắt đầu từ việc xây dựng môi trường lắng nghe quan điểm cá nhân, tôn trọng cảm xúc của các con. Gia đình có thể khơi gợi bằng cách đặt câu hỏi mở trong những cuộc trò chuyện, tạo cơ hội và xây dựng đam mê cho các con chia sẻ về các vấn đề chính trị, xã hội,...”.