Lúa và tôm

Từ đầu năm 2023 đến nay, trong khi người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn có được 'nụ cười' lợi nhuận cao thì người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm luôn trong cảnh chật vật tìm đường vượt khó.

Người trồng lúa năm nay luôn hưởng được niềm vui trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận cao. Ảnh: TÍCH CHU

Dù còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc kế hoạch năm 2023, nhưng đến giờ phút này có thể khẳng định rằng, sự thành công của niên vụ lúa 2022 - 2023 cả về sản lượng lẫn tính hiệu quả. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong niên vụ lúa 2022 - 2023, diện tích gieo trồng có giảm 0,72% so với niên vụ trước và dù còn gần 1,5% diện tích chưa thu hoạch nhưng sản lượng lúa thu hoạch ước đạt gần 2,05 triệu tấn, tăng 0,55% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa tăng lại thêm thị trường xuất khẩu thuận lợi đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gạo trong 10 tháng của tỉnh ước đạt 363 triệu USD, tăng 22,64% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đó cũng mới là một nửa thành công và một nửa còn lại càng có ý nghĩa, thật sự là niềm vui đối với người trồng lúa chính là việc giá lúa luôn giữ ở mức cao, đáp ứng được sự kỳ vọng về lợi nhuận của người trồng lúa ở niên vụ sản xuất này.

Cũng đã lâu rồi, người trồng lúa ở Sóc Trăng nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung mới lại có được một niên vụ vừa trúng mùa, lại vừa bán được giá cao như năm nay. Trong suốt cả niên vụ, giá lúa các loại luôn dao động từ mức 7.000 đồng/kg đến hơn 8.000 đồng/kg (tùy thời điểm và giống lúa). Ở thời điểm hiện tại, tuy giá lúa đã giảm vài trăm đồng mỗi ký nhưng tính chung, giá lúa ở niên vụ này vẫn cao hơn so với cùng kỳ khoảng 625 - 2.100 đồng/kg. Giá lúa ở Sóc Trăng cao và dễ tiêu thụ nhờ nông dân chủ yếu sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, lúa thơm… Điều đó được thể hiện qua sản lượng lúa chất lượng cao và lúa đặc sản chiếm đến 93,86%, còn nếu tính riêng sản lượng lúa thơm và lúa đặc sản thì con số này cũng lên đến 54,52%. Đây là kết quả tất yếu từ chủ trương phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, nguồn giống, khoa học công nghệ… đặc biệt là tầm nhìn xa về nhu cầu thị trường của lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp trong suốt những nhiệm kỳ qua, thông qua việc triển khai, duy trì và mở rộng Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao hàng chục năm nay.

Người nuôi tôm phải chật vật vượt qua mùa tôm khó khi giá bán tôm giảm mạnh gần suốt cả năm. Ảnh: TÍCH CHU

Người nuôi tôm phải chật vật vượt qua mùa tôm khó khi giá bán tôm giảm mạnh gần suốt cả năm. Ảnh: TÍCH CHU

Trái ngược với cây lúa, dù vẫn có được sản lượng cao, nhưng cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí dù chỉ là điểm hòa vốn. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 3/11, toàn tỉnh đã thả nuôi 51.889,2ha tôm nước lợ, đạt 101,7% so với kế hoạch và bằng 95,7% so với cùng kỳ; trong đó, tôm thẻ chân trắng 38.883,5ha và tôm sú 13.005,7ha. Diện tích thiệt hại cũng rất thấp, khi chỉ chiếm 4,3% diện tích thả nuôi. Diện tích thu hoạch đến thời điểm đầu tháng 10 gần 42.000ha, tức bằng khoảng 80,4% diện tích thả nuôi nhưng sản lượng ước gần 188.000 tấn, cao hơn 1,9% so với cùng kỳ. Đến đầu tháng 10, diện tích tôm trên đồng của tỉnh còn gần 8.000ha, phần lớn là ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Nhìn vào các con số trên có thể thấy, phần lớn diện tích nuôi có năng suất cao, nhưng thực tế cho thấy, đa phần người nuôi tôm không thể nở được nụ cười do giá bán tôm quá thấp, thậm chí có thời điểm dưới mức giá thành.

Tình cảnh của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng không khá hơn là mấy do các thị trường lớn đều rơi vào lạm phát, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và cùng với đó là sự cạnh tranh giá bán tôm đến từ các cường quốc sản xuất tôm lớn khác trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh trong 10 tháng qua chỉ đạt mức 760 triệu USD, giảm đến 16,48% so với cùng kỳ. Chính sự sút giảm của con tôm đã kéo kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh trong 10 tháng qua giảm 5,59%, dù xuất khẩu gạo tăng đến 22,64% và may mặc tăng 18,81%. Điều này cho thấy, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm có một vị trí và tầm quan trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ tháng 9 đến nay, tuy kim ngạch xuất khẩu tôm đều tăng dần qua các tháng, nhưng theo các doanh nghiệp chủ yếu là nhờ tăng về lượng, còn giá xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo các doanh nghiệp, hiện xuất khẩu tôm chỉ còn có thể tăng mạnh trong tháng 11, sau đó sẽ giảm dần từ đầu tháng 12 cho đến hết quý I/2024.

Xuất khẩu tôm gặp khó là điều đã được dự báo từ sớm là không thể tránh khỏi, nhưng việc giá tôm giảm mạnh và tiêu thụ khó khăn kéo dài khiến mọi kỳ vọng của người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu về cú “lội ngược dòng” về đích đã không thể xảy ra. Không những thế, ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) không mấy lạc quan cho rằng, khó khăn đối với ngành tôm vẫn chưa hết, dù xuất khẩu đã có phần cải thiện trong những tháng gần đây. Ông Phục cho biết thêm: “Do áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm lớn, rồi sức tiêu thụ giảm vì lạm phát, tình hình tồn kho… nên dù lượng tôm tiêu thụ có tăng lên nhưng giá tôm xuất khẩu thì chưa được cải thiện nhiều. Hơn nữa, điều mà các doanh nghiệp đang lo lắng là khó khăn của năm 2023 này liệu có tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm của năm 2024 hay không?”.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/lua-va-tom-68623.html