'Luận án tiến sĩ cần phải có công bố quốc tế!'
GS. TSKH Ngô Việt Trung (nguyên Viện trưởng Viện Toán học) cho rằng, yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố trong các tạp chí quốc tế uy tín là tiêu chuẩn đánh giá khách quan duy nhất đối với một 'tiến sĩ thật'.
Trả lời các câu hỏi dựa trên các ý kiến của GS. TSKH. Ngô Việt Trung về thực trạng đào tạo tiến sĩ qua vụ "tiến sĩ cầu lông":
“Làm tiến sĩ” hay “học tiến sĩ”?
Ở các nước phát triển, bằng tiến sĩ là yêu cầu tối thiểu đối với giảng viên đại học. Theo quan niệm của thế giới, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất đòi hỏi người có học vị "phải có những kết quả nghiên cứu độc đáo vượt khỏi các tri thức đã biết".
Khác với bằng cấp đại học là chứng chỉ về kiến thức, bằng tiến sĩ được coi là chứng chỉ về khả năng nghiên cứu sáng tạo kiến thức, không phải cứ học là được. Vì thế, người ta thường dùng từ "làm tiến sĩ" chứ không phải "học tiến sĩ".
Luận án của “tiến sĩ cầu lông” có xứng đáng là luận án tiến sĩ không?
Theo quan điểm nhiều nhà khoa học, luận án chỉ xứng tầm luận án tốt nghiệp đại học. Vấn đề ở đây là người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ gồm những chuyên gia trong ngành đã thông qua luận án. Tất cả đều thực hiện theo đúng quy trình.
Bộ GD&ĐT có tiến hành hậu kiểm đi nữa cũng phải dựa ý kiến của các chuyên gia trong ngành. Liệu họ có dám kết luận các đồng nghiệp của mình không đủ trình độ hay không.
Làm thế nào có thể đánh giá chất lượng các luận án tiến sĩ một cách khách quan?
Nhiều nước thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố trong những tạp chí quốc tế có uy tín để có một sự thẩm định từ bên ngoài.
Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD&ĐT cũng quy định luận án tiến sĩ phải có ít nhất một công bố trên các các tạp chí quốc tế có uy tín và một công bố trong nước. Ngoài ra, người hướng dẫn luận án tiến sĩ cùng phải có công bố quốc tế.
Quy chế 2017 đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở tất cả các cơ sở đào tạo. Các "lò ấp" tiến sĩ không tuyển được nhiều nghiên cứu sinh nữa vì các luận án kiểu trên không thể công bố được ở các tạp chí quốc tế nghiêm túc.
Tại sao Bộ GD&ĐT lại bỏ yêu cầu công bố quốc tế?
Mặc dù Quy chế 2017 mới được áp dụng từ năm 2020 cho các nghiên cứu sinh tuyển vào từ năm 2017, nhưng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới năm 2021. Quy chế mới không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế như Quy chế 2017. Thậm chí, nó cho phép luận án tiến sĩ và người hướng dẫn chỉ cần có công bố trên các tạp chí làng nhàng trong nước thấp hơn cả tiêu chuẩn đầu ra của quy chế trước năm 2017 là thời kỳ có nhiều tiêu cực.
Khi ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021, Bộ GD&ĐT giải thích là Quy chế 2017 “thắt chặt đào tạo tiến sĩ” và “bối cảnh đã thay đổi” nên Quy chế mới chỉ “đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành” theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Làm như vậy, việc đào tạo tiến sĩ chất lượng thấp, đi ngược lại mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế do chính Bộ đặt ra khi bắt đầu soạn thảo quy chế 2021.
Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm có tác dụng đào thải trong đào tạo tiến sĩ, cũng như ngăn cản được việc các "lò ấp" tiến sĩ hồi sinh hay không?
Bên cạnh những “luận án cầu lông”, người ta lại phát hiện ra hàng loạt luận án kiểu "Đảng bộ tỉnh ... lãnh đạo ...", tiếp theo là đủ các loại luận án kiểu "Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh...”.
Dư luận cho rằng, các luận án này chỉ là những báo cáo chuyên đề về địa phương nào đấy, cán bộ hành chính nào cũng soạn được. Hơn thế nữa, các luận án đều có lời lẽ và nội dung na ná giống nhau kiểu "chép và dán". Nếu tìm thêm chắc còn nhiều luận án “choáng” kiểu tương tự này.
Các luận án được nhắc đến ở trên cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo hàng đầu sẵn sàng cho "ra lò" các luận án tiến sĩ ngờ nghệch đến nỗi dư luận hoang mang, thậm chí bị “sốc”.
Tóm lại, có thể kết luận cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có tác dụng đào thải trong đào tạo tiến sĩ, không ngăn cản được việc các "lò ấp" tiến sĩ hồi sinh. Trong một xã hội liêm chính thì có thể dùng cái tốt át cái xấu, còn trong một xã hội chưa liêm chính thì phải có chế tài không cho cái xấu phát triển!
Vậy cần phải thay đổi quy chế đào tạo tiến sĩ thế nào?
Tôi muốn nhấn mạnh, yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín là tiêu chuẩn đánh giá khách quan duy nhất đối với một "tiến sĩ thật".
Cũng cần phải chú ý rằng, tạp chí quốc tế có uy tín ở đây cũng bao gồm các tạp chí trong nước được xếp hạng trong các danh mục tạp chí có chất lượng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Không có một tiêu chuẩn khách quan thì những quy định đầu vào hay yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”.
Tôi mong Bộ GD&ĐT can đảm sửa lại Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 theo hướng nâng cao chất lượng đầu ra, giữ yêu cầu luận án có công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế có uy tín với những điều chỉnh thích hợp cho các ngành còn yếu về công bố quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo tiếp cận các chuẩn mực thế giới. Chậm thay đổi ngày nào, xã hội sẽ mất lòng tin ngày đấy!
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/luan-an-tien-si-can-phai-co-cong-bo-quoc-te-183498.html