Luân chuyển, điều động cán bộ - tôi luyện để trưởng thành:Kỳ II. Người đứng đầu không phải người địa phương

Điều động, luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn; đồng thời, tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín. Việc luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện chủ trương bố trí bí thư, chủ tịch không là người địa phương thời gian qua đã góp phần tạo sự đổi mới mang tính bứt phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới ở cơ sở.

Mang "luồng gió mới" về cơ sở

Huyện Phù Yên là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương luân chuyển, bố trí bí thư, chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải người địa phương tại 19/27 xã, thị trấn, trong đó: 15 xã, thị trấn bí thư cấp ủy không phải người địa phương; 11 xã, thị trấn chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương. Qua đánh giá, cán bộ phát huy khả năng, năng lực của bản thân vào môi trường công tác.

Tháng 1/2022, đồng chí Sa Đức Toàn được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Quang Huy sau khi đã kinh qua các chức vụ: Phó Bí thư Huyện đoàn Phù Yên, Chủ tịch UBND xã Tường Phù, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện.

Đảng ủy xã Quang Huy thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Phù Yên giai đoạn 2023-2025.

Đảng ủy xã Quang Huy thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Phù Yên giai đoạn 2023-2025.

Đồng chí Toàn cho biết: Với kinh nghiệm tích lũy tại các vị trí công tác trước, tôi cùng Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quang Huy ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, “xốc” lại tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức xã; phân công, gắn trách nhiệm từng đồng chí trong cấp ủy bám cơ sở.

Các tổ công tác của cấp ủy được thành lập đã xuống cơ sở, tang cường lãnh đạo nhân dân thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Ông Cầm Ngọc Nhiến, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, nhận xét: Đồng chí Sa Đức Toàn cùng tập thể cấp ủy tập hợp đoàn kết, huy động sức dân hoàn thành việc đưa bản về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Bản được quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, triển khai mô hình “Ruộng nhà mình” trong sản xuất lúa hữu cơ, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Mô hình "Ruộng nhà mình" được triển khai thực hiện tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên.

Mô hình "Ruộng nhà mình" được triển khai thực hiện tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên.

Triển khai chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện Phù Yên giai đoạn 2023-2025, toàn bộ diện tích, dân số xã Quang Huy sáp nhập vào xã Huy Hạ, Suối Tọ và thị trấn Phù Yên. Đồng chí Toàn cùng cấp ủy, chính quyền tổ chức hội nghị quán triệt, yêu cầu các chi bộ triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo MTTQ và các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền đoàn viên, hội viên, nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính xã, đảm bảo mọi người dân được biết, được bàn. Cùng với đó, tổ chức, lấy ý kiến nhân dân, niêm yết công khai danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Kết quả, đã có 98% số cử tri xã đồng thuận, nhất trí với chủ trương này.

Với những đóng góp tại cơ sở, cuối tháng 5/2024, đồng chí Sa Đức Toàn tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phù Yên nhiệm kỳ 2024-2029.

Khánh thành công trình cổng chào tại bản Chăm Pộng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Khánh thành công trình cổng chào tại bản Chăm Pộng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Tại huyện Mường La, hiện có một vùng quê khá nổi tiếng với cái tên "Miền quê cổ tích", mặc dù đây là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện. Người mang "luồng gió mới" đến vùng quê này là Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ. Tháng 11/2019, đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Chánh Văn phòng Huyện ủy Mường La xung phong và được Ban Thường vụ Huyện ủy luân chuyển, giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến.

Về xã, đồng chí Sỹ cùng Ban Chấp hành Đảng bộ xã xây dựng, ban hành nghị quyết gồm 79 chủ trương trên các lĩnh vực để triển khai, thực hiện. Mỗi chủ trương xây dựng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, rõ từng chỉ tiêu, lộ trình thực hiện, như: Xây cổng chào bản; làm đường giao thông; lắp điện thắp sáng bản làng; diệt cỏ dại, trồng cỏ voi... Quá trình thực hiện, thành lập 15 tổ công tác của Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách 15 bản. Mỗi tổ gồm 5-7 đồng chí có nhiệm vụ xuống bản phụ trách “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân” theo hướng “khó ở đâu, gỡ ở đấy” bằng các giải pháp, hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Mô hình "trồng cỏ voi, diệt cỏ dại" được triển khai hiệu quả tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Mô hình "trồng cỏ voi, diệt cỏ dại" được triển khai hiệu quả tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Với cách làm này, từ năm 2020 đến nay, xã Ngọc Chiến tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, tiền bê tông 133 tuyến đường liên bản, tổng chiều dài 98,3km; mở rộng, đổ bê tông 109 tuyến đường nội bản, tổng chiều dài 77,8 km; mở 27 tuyến đường nội đồng, tổng chiều dài 21,9 km; lắp đặt 2.230 cột điện thắp sáng tại các bản; 15/15 bản có sân thể thao, cổng chào khang trang, phục dựng lễ hội truyền thống; xây dựng, hoàn thành 400 nhà vệ sinh... tổng trị giá trên 200 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Tiến Sỹ chia sẻ: Các chủ trương đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”…

Giờ đây, có nhiều công trình, phần việc ý nghĩa đã hoàn thành, Ngọc Chiến không chỉ là niềm tự hào của huyện Mường La, mà còn của cả tỉnh. Ngọc Chiến trở thành địa chỉ để các địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác dân vận, xây dựng củng cố hệ thống chính trị, huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới.

Là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh, Thuận Châu có số đơn vị hành chính lớn với 29 xã, thị trấn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tháng 8/2022, khi đang là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Nguyễn Đắc Lực được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ, điều động về làm Bí thư Huyện ủy Thuận Châu.

Nhiệm vụ đặt ra cho tân Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, đó là kế thừa, tiếp tục lãnh đạo triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/HU ngày 5/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu về lãnh đạo thực hiện mục tiêu đưa huyện Thuận Châu thoát nghèo vào năm 2025.

 Đồng chí Nguyễn Đắc Lực kiểm tra mô hình thanh long ruột đỏ tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu

Đồng chí Nguyễn Đắc Lực kiểm tra mô hình thanh long ruột đỏ tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu

Đồng chí Lực cho biết: Tôi dành thời gian nghiên cứu, nắm tiến độ, kết quả thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, phát huy vai trò người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương khai thác tiềm năng lợi thế vùng, miền, tìm hướng đi đúng phát triển kinh tế. Trong đó, lấy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch trải nghiệm Đèo Phạ Đin; đầu tư các điểm du lịch cộng đồng tại các xã Mường É, Phổng Lái, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc... làm mục tiêu chính phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.

Sau hơn 2 năm nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Đắc Lực cùng cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu xây dựng 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 là 31%, đến nay giảm còn 23,7%.

Đồng bào Mông, xã Co Mạ trồng cây sơn tra, tăng che phủ rừng, góp phần xóa đói nghèo.

Đồng bào Mông, xã Co Mạ trồng cây sơn tra, tăng che phủ rừng, góp phần xóa đói nghèo.

Khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ

Là người trực tiếp theo dõi, tham mưu giúp Ban Tổ chức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ, đồng chí Đặng Minh Tuyến, Trưởng phòng Công tác cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Qua theo dõi, đội ngũ cán bộ luân chuyển đảm nhận cương vị bí thư, chủ tịch không phải là người địa phương nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tại các xã có cán bộ luân chuyển, tăng cường, hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị của xã đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp và khoa học hơn. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức xã, chấp hành tốt hơn nội quy, quy chế công tác, kỷ cương, kỷ luật lao động được chấn chỉnh; tư tưởng dòng họ, anh em trong công tác cán bộ được khắc phục. Việc luân chuyển cán bộ giúp cán bộ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã.

Đến nay, cấp xã có 136/204 xã, phường, thị trấn thực hiện bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; 106/204 xã, phường, thị trấn thực hiện chủ tịch UBND không phải là người địa phương. Đối với chủ trương bố trí chủ tịch, bí thư cấp huyện không phải là người địa phương, hiện nay, 12/12 huyện, thành phố bố trí bí thư huyện ủy, thành ủy không phải người địa phương; 11/12 huyện, thành phố có đồng chí chủ tịch UBND không phải người địa phương. Nhiều cán bộ tỉnh, huyện được luân chuyển, điều động, tăng cường về xã, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về công tác tại cơ quan cũ, nhiều đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn.

Đồng chí Lê Hồng Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Việc thực hiện chủ trương này, góp phần khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, “một người làm quan, cả họ được nhờ”; từng bước thay đổi tư duy về việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng “có ra, có vào, có lên, có xuống”. Qua đó, thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ tốt hơn.

Đưa cán bộ về cơ sở "đúng người, đúng việc" đã tạo chuyển biến rõ nét tại các địa phương. Những thành quả người dân thụ hưởng hôm nay đã khẳng định, những cán bộ được điều động, luận chuyển đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, nhanh chóng tiếp cận, giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại của cấp ủy, chính quyền; được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương tạo nên những đổi mới trong công tác cán bộ, mang đến luồng gió mới cho cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả từ thực tiễn là minh chứng quan trọng, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp của việc thực hiện chủ trương này.

(Còn nữa)

Minh Thu - Nguyễn Yến - Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/luan-chuyen-dieu-dong-can-bo-toi-luyen-de-truong-thanh-ky-ii-nguoi-dung-dau-khong-phai-nguoi-dia-phuong-yv1WlqCIg.html