Luân chuyển, điều động cán bộ - tôi luyện để trưởng thành: Kỳ III. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng'. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần đào tạo, rèn luyện cán bộ và chủ động nguồn cán bộ lâu dài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bài học từ thực tiễn

Sau 15 năm thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Đảng bộ tỉnh Sơn La rút ra những bài học kinh nghiệm cụ thể, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, phương án dài hơi trong công tác cán bộ các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đồng chí Lê Hồng Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Tập thể cấp ủy, lãnh đạo phải thống nhất quan điểm chỉ đạo, phương pháp tiến hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp về tư tưởng, tổ chức, chính sách. Nhất là khi bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương, cần lựa chọn những địa phương có đặc điểm tương đồng với nơi cán bộ sinh ra hoặc lớn lên, trưởng thành, giúp cán bộ thuận lợi hơn trong xử lý các mối quan hệ, trong ứng xử, nhất là những vấn đề về văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ…

Công tác luân chuyển, điều động cán bộ phải tiến hành đồng bộ với các khâu trong công tác cán bộ. Đặc biệt là khâu đánh giá, nhận xét cán bộ, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và bố trí cán bộ trước, sau thời gian luân chuyển. Trong thời gian cán bộ luân chuyển, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, đưa việc điều động, luân chuyển và tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý trở thành công việc thường xuyên, nền nếp, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong công tác cán bộ.

Việc xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ còn phải trên cơ sở tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu cán bộ từng địa phương; quy trình luân chuyển cán bộ thực hiện nghiêm túc, thận trọng, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất cao giữa Trung ương với cấp tỉnh, giữa cấp huyện với cấp cơ sở.

Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ tại Huyện ủy Bắc Yên.

Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ tại Huyện ủy Bắc Yên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Đồng chí Đặng Minh Tuyến, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhận định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của cán bộ luân chuyển, tăng cường có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa đề xuất nhiều giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân.

Một số trường hợp, khi luân chuyển đến đơn vị công tác mới gặp khó khăn về phong tục, tập quán, văn hóa; tâm lý ngại va chạm, chưa quyết liệt trong công tác. Một số huyện, đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, nguồn cán bộ còn thiếu. Vì vậy, khi thực hiện tăng cường, luân chuyển cán bộ, ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị sở tại.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Qua từng giai đoạn, các quy định, nghị quyết về công tác luân chuyển cán bộ còn hạn chế, vẫn còn huyện chưa chủ động trong việc đưa cán bộ đi luân chuyển do phải chờ các địa phương khuyết chức danh; việc xử lý hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao…

Những khó khăn từ thực tiễn đã được Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Trung ương tiếp tục quan tâm thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ về tỉnh và luân chuyển cán bộ của tỉnh đến công tác tại các cơ quan Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn đội ngũ công tác cán bộ. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng thêm số lượng Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp để làm cơ sở luân chuyển nhiều hơn cán bộ trẻ có năng lực, được quy hoạch chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp để đào tạo, rèn luyện, chuẩn bị tốt nguồn cán bộ bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử khi có nhu cầu.

Có văn bản hướng dẫn đối với việc luân chuyển ngang (luân chuyển cán bộ giữa các xã, phường hoặc luân chuyển từ khối cơ quan Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và ngược lại). Cho ý kiến, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù đối với cán bộ luân chuyển về công tác tại các xã khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự,… để động viên, khuyến khích và để cán bộ trong diện luân chuyển yên tâm công tác.

Tiếp thu những kiến nghị của tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 28/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ, thay thế Quy định số 98-QĐ/TW nhằm bổ sung những vấn đề mới, sát thực tiễn, phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ hiện nay. Mục tiêu của công tác luân chuyển cán bộ là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cán bộ có thêm kiến thức thực tiễn, phát triển nhanh, toàn diện hơn.

Quy định số 65-QĐ/TW cũng nêu rõ nguyên tắc: “Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển”; về đối tượng: 2 đối tượng luân chuyển phải là “cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp” và “cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị”...

Tạo nguồn cán bộ lâu dài

Việc điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ cho cấp huyện, cấp xã, đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với hệ thống chính trị của địa phương. Các cấp ủy đảng tạo nguồn được đội ngũ cán bộ quản lý được tôi luyện từ thực tiễn cơ sở, là lực lượng kế cận quan trọng trong công tác cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 đến nay, toàn tỉnh thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trên 1.067 lượt cán bộ, trong đó, cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý 322 lượt cán bộ; cấp huyện, thành phố quản lý 745 lượt cán bộ. Qua rà soát của Sở Nội vụ, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 4.158 cán bộ công chức cấp xã, trong đó: trên 85% có trình độ chuyên môn đại học trở lên; 4,81% trình độ cao đẳng và 10,07% trình độ trung cấp; 2,1%có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 79,2% trình độ trung cấp lý luận chính trị và 9,6% trình độ sơ cấp lý luận chính trị.

Khai mạc Kỳ thi tuyển chọn cán bộ theo Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Khai mạc Kỳ thi tuyển chọn cán bộ theo Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hiện thực hóa các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 30/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030.

Tháng 4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thi tuyển đợt đầu tiên; qua 2 vòng thi đã tuyển chọn được 50 cán bộ. Đến nay, 1 đồng chí cán bộ nữ dân tộc thiểu số được bổ nhiệm Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; 3 đồng chí quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 1 đồng chí quy hoạch Phó Bí thư huyện ủy; 10 đồng chí quy hoạch phó giám đốc sở và tương đương; 35 đồng chí quy hoạch các chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện hoặc quy hoạch trưởng, phó các phòng chuyên môn và tương đương. Đây là một trong những nguồn cán bộ để tỉnh tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển trong thời gian tới.

Các thí sinh thuộc nhóm cán bộ trẻ tham gia Kỳ thi tuyển chọn cán bộ theo Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Các thí sinh thuộc nhóm cán bộ trẻ tham gia Kỳ thi tuyển chọn cán bộ theo Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Là một trong 50 cán bộ trẻ trúng tuyển cuộc thi, đồng chí Lừ Văn Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Ban Nội chính Tỉnh ủy, chia sẻ: Đề án số 03-ĐA/TU là cơ hội để mỗi cán bộ trẻ được thể hiện kiến thức, kỹ năng chuyên môn và rèn luyện thực tiễn. Được tuyển chọn tham gia đề án, tôi quyết tâm không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu đem kiến thức, kỹ năng được trang bị và nhiệt huyết của mình để cống hiến xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng phát triển.

Các cán bộ nhận giấy chứng nhận bồi dưỡng theo Đề án số 03-ĐA/TU.

Các cán bộ nhận giấy chứng nhận bồi dưỡng theo Đề án số 03-ĐA/TU.

Sẵn sàng nguồn nhân sự ngang tầm nhiệm vụ

Thực tế, việc luân chuyển cán bộ của tỉnh không chỉ theo hướng bố trí đảm nhận chức vụ cao hơn, mà còn thực hiện luân chuyển ngang, luân chuyển đến những nơi có môi trường công tác khó khăn, thử thách hơn; vừa coi trọng việc đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa đảm bảo mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ kế cận.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Chiềng La, huyện Thuận Châu.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Chiềng La, huyện Thuận Châu.

Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đánh giá: Công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh đã đạt mục tiêu các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, nhằm chuẩn bị nguồn nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, bầu cử đại biểu HĐND các cấp và các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2026-2031 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Tăng cường nguồn nhân lực đối với các chức danh cán bộ chủ chốt ở địa phương là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung, thay thế nguồn nhân lực đối với các tổ chức có dấu hiệu cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm hoặc những tổ chức còn khép kín, cần đổi mới về công tác cán bộ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, thời gian tới, tỉnh Sơn La xây dựng quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm kịp thời gắn với công tác luân chuyển cán bộ; cương quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn; bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển, chuẩn bị cho công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tiếp theo, đảm bảo chất lượng, số lượng, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bố trí sử dụng cán bộ trong nguồn cán bộ quy hoạch và sử dụng hiệu quả cán bộ đã hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển. Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ trong diện luân chuyển, nhất là cán bộ cấp xã được điều động, luân chuyển lên cấp huyện học việc.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách hợp lý đối với cán bộ luân chuyển, điều động, nhất là cán bộ đến vùng cao, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện nghiêm túc kiểm tra, giám sát việc thực hiện luân chuyển cán bộ, bổ sung vào chương trình kiểm tra giám sát hằng năm; sử dụng hình thức kiểm tra đột xuất đối với cấp ủy trực thuộc và cán bộ luân chuyển về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ tại nơi luân chuyển. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xử lý nghiêm cán bộ không chấp hành việc điều động, luân chuyển và cán bộ thực hiện luân chuyển không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

*

Việc điều động, luân chuyển cán bộ thực sự là khâu cấp thiết trong công tác cán bộ. Thực hiện hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ vừa tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, lại hạn chế được tình trạng sử dụng, bố trí cán bộ đảm nhiệm chức vụ quá lâu ở một vị trí công tác. Cán bộ được điều động, luân chuyển được rèn luyện, trang bị thêm kiến thức từ thực tiễn, trưởng thành từ cơ sở. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; chủ động nguồn cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, sẵn sàng bổ sung, tạo sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

(Hết)

Minh Thu-Nguyễn Yến-Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/luan-chuyen-dieu-dong-can-bo-toi-luyen-de-truong-thanh-ky-iii-xay-dung-doi-ngu-can-bo-ngang-tam-nhiem-vu-bNI5lqjSR.html