Luẩn quẩn trong cấp mã số thuế cho hợp tác xã

Dù đang hoạt động bình thường, nhưng để được cấp đăng ký hợp tác xã và mã số thuế, một số hợp tác xã lại được cơ quan chức năng hướng dẫn phải giải thể. Vòng luẩn quẩn này đang gây khó cho nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thịnh (phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây) thành lập năm 2001. Ngày 26-4-2022, hợp tác xã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2021-2025, sau đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Sơn Tây xin cấp đổi giấy đăng ký hợp tác xã vì thay đổi họ tên người đại diện theo pháp luật. Song, do giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã được cấp từ năm 2017, nhưng hợp tác xã lại chưa đăng ký mã số thuế, nên theo quy định thì không cấp đổi được giấy đăng ký hợp tác xã mới...

Trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thịnh.

Trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thịnh.

Cho phóng viên Báo Hànôịmới xem một tập báo cáo tình hình hoạt động, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thịnh Nguyễn Văn Vinh cho biết, bao năm nay, hợp tác xã vẫn hoạt động bình thường với 588 thành viên - đông nhất thị xã Sơn Tây. Ngay cả khi hợp tác xã chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, cũng không có cơ quan nào hướng dẫn hợp tác xã đăng ký mã số thuế. Hiện nay, để được cấp mã số thuế, hợp tác xã được Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Sơn Tây hướng dẫn thực hiện thủ tục giải thể. Sau khi giải thể, thành lập mới hợp tác xã thì mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký có mã số thuế theo quy định.

“Hợp tác xã mới đại hội xong, giờ không thể chỉ vì mục đích cấp mã số thuế mà phải giải thể. Đây là cách đi đường vòng vô ích” - ông Nguyễn Văn Vinh bất bình.

Cũng thuộc diện phải giải thể để được cấp mã số thuế, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Mỹ Trung (phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây) Đàm Ngọc Doanh nêu ý kiến: “Việc giải thể hợp tác xã để cấp mã số thuế gây tốn kém chi phí và phức tạp cho hợp tác xã. Cơ quan chức năng nên cho phép hợp tác xã được đăng ký bổ sung mã số thuế thì phù hợp hơn”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànôịmới, không riêng hai hợp tác xã nêu trên, mà nhiều hợp tác xã nông nghiệp khác trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng không có mã số thuế. Do tính đặc thù nên cán bộ quản lý ở những hợp tác xã này chủ yếu là người tuổi cao, không được đào tạo cơ bản về công tác quản lý kinh tế. Việc nắm bắt, cập nhật các văn bản pháp lý còn hạn chế, trình độ am hiểu pháp luật chưa cao, dẫn đến việc chậm trễ, không đăng ký mã số thuế của hợp tác xã sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

Trong khi đó, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và văn bản hướng dẫn thi hành, những hợp tác xã “không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 1 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký” sẽ thuộc trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã và thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã trong số này vẫn hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp cho địa phương.

Nhận thấy những điểm còn chưa phù hợp, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) cũng đã có văn bản gửi Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Cục tìm phương án tháo gỡ, trao đổi thống nhất với cơ quan thuế có giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới...

Đây là những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời để các hợp tác xã đang hoạt động bình thường không rơi vào vòng luẩn quẩn phải giải thể mới được cấp mã số thuế như hướng dẫn hiện nay.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/luan-quan-trong-cap-ma-so-thue-cho-hop-tac-xa-637033.html