Luật bản quyền đối mặt với LMMs: Cần cải cách trước nguy cơ tụt hậu!
LMMs (Large Multimodal Models - mô hình trí tuệ nhân tạo đa phương thức lớn) là những mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới, tiến bộ hơn, cho phép xử lý cùng một lúc nhiều loại hình dữ liệu khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh... So với các mô hình LLMs (Large Language Models - mô hình ngôn ngữ lớn) tồn tại trước đó (như GPT-4) vốn chỉ có thể xử lý dữ liệu văn bản, rõ ràng LMMs là một bước tiến lớn, tạo thế mạnh hơn hẳn...
Khi được đào tạo thông qua các dữ liệu đa nguồn, LMMs có thể tạo ra các nội dung mới mà trong đó “hòa lẫn” nhiều dạng dữ liệu khác nhau, ví dụ như người dùng có thể sử dụng mô hình AI này để miêu tả một hình ảnh bằng ngôn ngữ nói; hay từ một kịch bản dạng văn bản, mô hình AI này có thể tạo ra video kết hợp hình ảnh động và âm thanh. LMMs được “đào tạo” nhờ vào việc tiếp nhận một số lượng khổng lồ các dữ liệu đa phương thức từ các nguồn khác nhau như sách, bài báo, tác phẩm hội họa, các đoạn video... và nhờ thế nó có thể hiểu được một cách tổng quát các dữ liệu nói trên.
Kết quả là LMMs có thể tạo ra các nội dung mới tương tự, mà độ phức tạp và sự đa dạng có thể cạnh tranh với sáng tạo trí óc của con người. Sự tiến bộ của công nghệ này đang “gây sốt” trong thế giới sáng tạo, với các tên tuổi như DeepMind và Microsoft tung ra các mô hình như Flamingo và KOSMOS-1, đánh dấu một kỷ nguyên mới khi AI có thể cùng tương tác với những lệnh prompt là dữ liệu văn bản và dữ liệu hình ảnh. Càng ngày càng có nhiều ứng dụng LMMs cho phép tạo ra nội dung, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động marketing hay cá nhân hóa dịch vụ hỗ trợ khách hàng, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp chủ sở hữu các mô hình AI này.
Trên phương diện pháp lý, việc sử dụng LMMs để tạo ra nội dung mới đặt ra những câu hỏi lớn về bản chất của luật về quyền tác giả. Góc nhìn truyền thống của luật về quyền tác giả nhấn mạnh vào sự sáng tạo của “con người”, vì tác phẩm thể hiện “dấu ấn cá nhân” của tác giả. Trong bối cảnh hiện nay, khi LMMS có thể tạo ra những nội dung mới không kém phần độc đáo, nhờ vào việc sử dụng các dữ liệu là tác phẩm được bảo hộ, thì rõ ràng là luật về quyền tác giả chỉ có hai lựa chọn, cải cách hay chấp nhận tụt hậu, không còn có thể áp dụng hiệu quả cho bối cảnh công nghệ mới.
Sự tiến bộ của công nghệ này đang “gây sốt” trong thế giới sáng tạo, với các tên tuổi như DeepMind và Microsoft tung ra các mô hình như Flamingo và KOSMOS-1, đánh dấu một kỷ nguyên mới khi AI có thể cùng tương tác với những lệnh prompt là dữ liệu văn bản và dữ liệu hình ảnh.
Xin nhắc lại rằng hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới thông qua các quy định mới trong lĩnh vực quyền tác giả, để đưa AI vào khuôn khổ pháp lý, cũng như để bảo vệ các tác giả “con người”. Luật về AI đầu tiên trên thế giới do Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào năm 2024 cũng không đề cập trực tiếp đến chủ đề này, mà chỉ nhắc lại những nguyên tắc nền tảng chung về bảo vệ quyền tác giả và quyền biểu đạt nghệ thuật.
Nếu như Cục Bản quyền Mỹ và Tòa án Liên minh châu Âu vẫn từ chối bảo hộ pháp lý các tác phẩm do AI tạo ra, thì tòa án tại Hàn Quốc và Trung Quốc lại tỏ ra linh hoạt hơn, công nhận tư cách “tác phẩm bảo hộ” cho các nội dung sáng tạo mà AI tạo ra với sự hỗ trợ của con người. AI đang tạo ra một “vùng vô luật”, gây lo lắng cho các tác giả, nghệ sĩ con người. Năm 2023, hơn 15.000 tác giả và nghệ sĩ trong ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đã đình công trong một thời gian dài, để đạt một thỏa thuận coi như là một thắng lợi trước AI - thỏa thuận nhấn mạnh nguyên tắc rằng AI chỉ được là công cụ, chứ không được là biện pháp thay thế con người.
Trong bối cảnh này, một số gợi ý cải cách luật về quyền tác giả đã được đưa ra gần đây, nhằm giải quyết tình trạng “vô luật” hiện nay.
Thứ nhất, đối với việc sử dụng các tác phẩm đang được bảo hộ để đào tạo AI (ví dụ như AI cần phân tích hàng triệu quyển sách, bài báo, ảnh hay đoạn video để có thể hiểu được sự tương quan giữa dữ liệu dạng văn bản và dữ liệu hình ảnh), nếu như một số luật gia cho rằng việc này vi phạm quyền tác giả vì sử dụng tác phẩm mà không được phép của tác giả, thì cũng có những luật gia lập luận rằng việc sử dụng tác phẩm để “học” này của AI thuộc về ngoại lệ của quyền tác giả, và vì thế không vi phạm các quy định pháp lý.
Trên thực tế, có không ít tác giả đưa các công ty chủ sở hữu các ứng dụng AI tạo sinh ra tòa ở Mỹ nhưng phần lớn đều không đạt được kết quả như kỳ vọng. Một số hướng đi đang được nghiên cứu và thảo luận để giải quyết bất cập này, như mở rộng ngoại lệ khai phá dữ liệu hiện có, với điều kiện đền bù hợp lý cho các tác giả. Điều này cho phép các doanh nghiệp AI tự do phát triển công nghệ này đồng thời tránh các vụ kiện tụng có thể xảy ra.
Một khả năng khác cũng được đưa ra, như tạo một ngoại lệ mới chỉ riêng trong lĩnh vực AI, để đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ tác giả và thúc đẩy phát triển công nghệ. Sự trao đổi, tương tác giữa các tác giả, các viện nghiên cứu, các tổ chức về quyền tác giả và các nhà phát triển công nghệ AI cũng đặc biệt cần thiết để tạo ra một khuôn khổ pháp lý hợp lý, dựa trên nguyên tắc cùng có lợi.
Thứ hai, đối với các tác phẩm do AI tạo ra, nhiều luật gia ủng hộ việc công nhận một quyền mới - sui generis, như đã từng làm đối với dữ liệu hay đối với quyền liên quan. Quyền mới này dựa trên nguyên tắc đền bù những nỗ lực và đầu tư tài chính để tạo ra các tác phẩm mới, nhưng khác biệt với quyền sở hữu trí tuệ được công nhận đối với các tác giả - con người. Ví dụ, nếu như tác giả là con người thì điều kiện bảo hộ là tác phẩm phải có tính sáng tạo. Tuy nhiên, trong trường hợp tác phẩm do AI tạo ra, điều kiện bảo hộ có thể là mức độ thay đổi, hay sự mới mẻ của tác phẩm mới so với tác phẩm đã có. Tất nhiên, mức độ quyền sở hữu và quyền nhân thân với các tác phẩm do AI tạo ra cũng sẽ hạn chế hơn so với các quy định hiện nay dành cho tác giả - con người.
Trong mọi trường hợp, tìm kiếm sự cân bằng giữa bảo vệ tác giả và thúc đẩy phát triển xã hội qua việc phổ biến kiến thức là mục tiêu lớn nhất của luật về quyền tác giả. Vì thế, trong bối cảnh mới, luật cũng phải thay đổi để đuổi kịp công nghệ, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “vô luật” hay bất cập, thiếu hiệu quả, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của mỗi bên.