Luật Bảo vệ người tố giác mới của Đức: Thúc đẩy môi trường làm việc minh bạch, trách nhiệm

Bắt đầu từ 2.7, Luật Bảo vệ người tố giác của Đức chính thức có hiệu lực, cung cấp các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ toàn diện cho những người tố cáo, khuyến khích họ cung cấp thông tin về hành vi sai trái trong các công ty và cơ quan công quyền. Văn bản pháp lý này có khả năng thúc đẩy một môi trường làm việc minh bạch và trách nhiệm hơn, nơi nhân viên được trao quyền báo cáo các vi phạm mà không sợ bị 'trù dập'.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ

Luật Bảo vệ người tố cáo áp dụng cho các công ty có hơn 50 nhân viên, cũng như các cơ quan công quyền, bao gồm khoảng 90.000 thực thể ở Đức. Luật nhằm bảo vệ những người tố cáo khỏi bị sa thải và quấy rối bằng cách bắt buộc các công ty thiết lập các kênh báo cáo bí mật. Những đầu mối liên lạc được chỉ định này sẽ nhận và xử lý các báo cáo về hành vi sai trái một cách an toàn và kín đáo. Luật quy định, những người vi phạm luật có thể bị phạt tới 50.000 euro, từ đó gửi thông điệp mạnh mẽ rằng hành động "trả đũa" những người tố cáo sẽ không được dung thứ. Hơn nữa, một văn phòng báo cáo bên ngoài sẽ được thành lập tại Văn phòng Tư pháp Liên bang, cung cấp cho người tố cáo tùy chọn báo cáo vi phạm trong nội bộ hoặc bên ngoài dựa trên mong muốn và hoàn cảnh của họ.

Thiết lập các đường dây nóng nội bộ

Trong khi nhiều công ty lớn ở Đức đã có văn phòng báo cáo, luật mới nêu bật nhu cầu thiết lập đường dây nóng nội bộ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ở Đức, ước tính có khoảng 10.000 đường dây nóng vẫn còn thiếu trong các SME, do đó luật yêu cầu các công ty này phải nhanh chóng thiết lập. Để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, tối đa bốn công ty có thể chia sẻ một đường dây nóng duy nhất, giảm chi phí và sự phức tạp về hành chính. Mặc dù việc thành lập ban đầu các văn phòng báo cáo này được ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 190 triệu euro trong nền kinh tế Đức, nhưng những người ủng hộ lập luận rằng lợi ích lâu dài của việc phát hiện sớm và sửa chữa hành vi sai trái lớn hơn khoản đầu tư đó.

Thỏa hiệp và tranh cãi

Luật Bảo vệ người tố cáo từng vấp phải nhiều tranh cãi trong quá trình soạn thảo, dẫn đến những thỏa hiệp để giải quyết lo ngại từ các bang do đảng Dân chủ Cơ đốc giáo lãnh đạo, vốn cho rằng các quy định mới có thể tạo ra gánh nặng tài chính quá lớn đối với các SME. Một thỏa hiệp đáng chú ý liên quan đến việc giảm giới hạn trên đối với tiền phạt từ 100.000 euro xuống 50.000 euro. Những người chỉ trích lập luận rằng, hiệu quả của luật bị ảnh hưởng do thiếu quy định bắt buộc giấu tên đối với người tố cáo. Tính năng ẩn danh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các cá nhân khỏi khả năng bị trả thù và việc không có tính năng này có thể khiến một số nhân viên không dám lên tiếng. Ngoài ra, luật cuối cùng không bao gồm quỹ hỗ trợ tư vấn pháp lý và tâm lý, cũng như không cung cấp khoản bồi thường cho những thiệt hại phi vật chất do bắt nạt, điều này đã gây thất vọng cho những người ủng hộ tố cáo.

Tác động đến người lao động

Bà Anja Piel, thành viên ban điều hành của Liên đoàn Công đoàn Đức (DGB) đánh giá, luật mới có khả năng thúc đẩy nền văn hóa trong đó những người tố cáo không còn bị coi là những kẻ gây rối mà là những cá nhân dũng cảm được đánh giá cao. Theo bà, những nhân viên báo cáo hành vi sai trái không nên sợ bị trả thù hoặc thiệt thòi, mà nên được công nhận vì đóng góp của họ cho môi trường làm việc minh bạch và có đạo đức. Luật gửi tín hiệu rõ ràng rằng, việc phơi bày hành vi sai trái được đánh giá cao và được bảo vệ, tạo ra môi trường nơi người lao động cảm thấy được trao quyền để lên tiếng mà không gây nguy hiểm cho sự nghiệp của họ.

Ý nghĩa đối với người sử dụng lao động

Mặc dù Luật đưa ra nghĩa vụ mới cho các công ty, đặc biệt là các SME cần thiết lập các thủ tục báo cáo, nhưng nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và khắc phục các vấn đề nội bộ. Liên đoàn Hiệp hội người sử dụng lao động Đức (BDA) thừa nhận các chi phí tiềm ẩn đối với các SMS, song nhấn mạnh rằng không người sử dụng lao động nào phản đối việc xác định và giải quyết các thông lệ không mong muốn trong tổ chức của họ. Bằng cách khuyến khích văn hóa trách nhiệm giải trình và minh bạch, người sử dụng lao động có thể chủ động giải quyết các vấn đề, đồng thời ngăn ngừa thiệt hại tiềm ẩn về uy tín có thể phát sinh từ hành vi sai trái bị che giấu.

Thúc đẩy "văn hóa lên tiếng"

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy "văn hóa lên tiếng", một số công ty đã thực hiện các bước để bảo đảm nhân viên cảm thấy thoải mái khi báo cáo vi phạm. Ví dụ, Deutsche Post thông báo rõ ràng với người lao động của mình rằng các báo cáo của họ sẽ được xử lý bảo mật và họ sẽ được bảo vệ khỏi bị trả thù khi báo cáo một cách thiện chí. Bosch cũng đang đầu tư vào các hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề này trong các hoạt động hàng ngày của hãng...

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/luat-bao-ve-nguoi-to-giac-moi-cua-duc-thuc-day-moi-truong-lam-viec-minh-bach-trach-nhiem-i334637/