Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực vào thời điểm nào?

* Bạn đọc Ninh Văn Sử ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, hỏi: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực vào thời điểm nào? Theo quy định của luật này, người tiêu dùng có những quyền gì?

Trả lời: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Quyền của người tiêu dùng được quy định tại Điều 4 luật này. Cụ thể như sau:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

2. Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.

3. Lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch; thỏa thuận các nội dung giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh; được cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đúng với nội dung đã giao kết.

4. Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

5. Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

6. Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

9. Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.

10. Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Mai Thị Huyền ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, người lao động có phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động không?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 2 Điều 11 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó “người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động”. Ngoài ra, khoản 1 điều này còn quy định về việc tuyển dụng lao động như sau:

- Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-nam-2023-co-hieu-luc-vao-thoi-diem-nao-780053