Luật Biên phòng Việt Nam góp phần hoàn thiện pháp luật về quốc phòng, an ninh

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ Quốc phòng đã lập và trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Trải qua 5 lần dự thảo, Luật Biên phòng Việt Nam đang từng bước được các nhà làm luật hoàn thiện, chất lượng dự thảo ngày càng được nâng cao. Và tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tổ chức thảo luận ở tổ về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường, BĐBP Lào Cai cùng nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Danh Anh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường, BĐBP Lào Cai cùng nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Danh Anh

Tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, về tầm quan trọng của luật trong việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong đó có quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Với tư cách là một đạo luật “quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng”, Luật Biên phòng Việt Nam là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh một bộ phận quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh - một lĩnh vực trọng yếu, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng vật chất của quốc gia và của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng, thông qua Luật Biên phòng Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về quốc phòng, an ninh nói riêng.

Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), trong bối cảnh công cuộc đổi mới đã tiến hành được 10 năm và đạt được nhiều thành quả quan trọng về mọi mặt, nhưng cũng phải đối đầu với nhiều thách thức, Đảng ta đã đề ra những nhiệm vụ, bước đi và định hướng mới. Trong đó, hoàn thiện pháp luật về quốc phòng, an ninh là một trong những mục tiêu thuộc định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội lần đầu tiên được xác định. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân”. Định hướng này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) là “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc” trong bối cảnh hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Để những định hướng trên được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, ngày 24-5-2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết xác định: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; thể chế hóa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời; về tổ chức hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân”. Như vậy, Nghị quyết số 48-NQ/TW không chỉ xác định yêu cầu phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh, mà còn trực tiếp khẳng định yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, ngày 4-4-2016, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Kết luận đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời và tầm nhìn dài hạn của Đảng ta, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, đồng thời thể chế hóa đúng đắn, kịp thời các chủ trương, đường lối đổi mới được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Kết luận tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện pháp luật về quốc phòng và an ninh theo hướng thể chế hóa sâu sắc hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng tiềm lực, củng cố quốc phòng - an ninh; hoàn thiện cơ sở pháp lý nâng cao năng lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”.

Trước khi “cán đích” năm 2020, Quốc hội đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh, như: Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019; Luật Cảnh sát biển năm 2018; Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Dân quân tự vệ năm 2019... Đối với “tiểu hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia”, Pháp lệnh BĐBP năm 1997, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012 vẫn là văn bản chủ đạo, làm cơ sở cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về biên giới quốc gia và BĐBP đã bộc lộ những bất cập, chưa bảo đảm sự điều chỉnh đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính...).

Đặc biệt, chưa thể chế hóa một cách đầy đủ quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP trong tình hình mới. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới xác định nguyên tắc “Bảo vệ biên giới quốc gia gắn chặt với bảo vệ... pháp luật” và nhiệm vụ, giải pháp “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia”. Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh: “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam, giao Bộ Tư lệnh BĐBP làm cơ quan thường trực Ban soạn thảo, khẩn trương tiến hành soạn thảo Dự án Luật Biên phòng Việt Nam theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch.

Với sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo, Dự án 5.1 Luật Biên phòng Việt Nam (ngày 31-5-2020) gồm 7 chương, 33 điều đã cơ bản thể chế những nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết số 33-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Khi được thông qua, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện “mục tiêu kép” - hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP, kết hợp thể chế hai chiến lược quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới mà Đảng đã đề ra.

Trung tá, Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-gop-phan-hoan-thien-phap-luat-ve-quoc-phong-an-ninh-post430057.html