Luật cấm các loại nông sản liên quan đến phá rừng của EU có hiệu lực
Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, cao su và gỗ, giày da,… sẽ sớm phải chứng minh các sản phẩm của mình không gây mất rừng khi xuất khẩu hoặc phân phối vào thị trường EU theo các quy định mới.
Siết chặt quản lý các sản phẩm có liên quan đến phá rừng nhập khẩu vào EU
Vừa qua, Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) đã có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải chứng minh nguồn gốc “sạch” (không gây mất rừng) của 7 mặt hàng, gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ, cùng các sản phẩm được làm từ 7 nguyên liệu chính nêu trên như: thịt bò, đồ nội thất, giày da, chocolate
Các quy định này sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng hóa vào thị trường EU, cũng như các đơn vị xuất khẩu và phân phối hàng hóa từ EU đi các thị trường khác. EU cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lớn có 18 tháng để chuẩn bị, sắp xếp lại chuỗi cung ứng để tuân thủ các quy định mới; trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thời gian chuẩn bị là 24 tháng.
Đây là động thái mới nhất của EU nhằm giảm thiểu việc phá rừng để phục vụ hoạt động kinh tế và chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWFF), tình trạng mất và phá rừng do tất cả nguyên nhân đóng góp khoảng 10% trong vấn đề nóng lên toàn cầu.
Theo tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Global Canopy (Anh), gần 40% trong số 500 công ty lớn nhất thế giới kinh doanh, phân phối và sử dụng 7 mặt hàng chịu sự điều chỉnh của các quy định mới của EU không có chính sách về chống phá rừng trong chuỗi cung ứng của họ.
EU yêu cầu các doanh nghiệp sẽ cần xác định chính xác lô đất nơi 7 sản phẩm nói trên được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020. Các doanh nghiệp sẽ cần cung cấp bằng chứng để thẩm định, có thể sẽ bao gồm hình ảnh vệ tinh.
Các doanh nghiệp không tuân thủ quy định mới sẽ bị EU phạt tới 4% doanh thu hàng năm của họ ở thị trường EU. Quy định mới yêu cầu các cơ quan chức năng ở các nước thành viên của EU kiểm tra 9% lô hàng đến từ các các nước được coi là có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước được dán nhãn rủi ro tiêu chuẩn và 1% lô hàng từ các nước có rủi ro thấp.
Quy định chống phá rừng sẽ được mở rộng hơn
Hiện các doanh nghiệp vẫn đang chờ EU cung cấp danh sách chi tiết các nước được phân loại là có nguy cơ rủi ro phá rừng cao. Tờ The Wall Street Journal (Hoa Kỳ) cho biết một số nước như Brazil, Indonesia và Malaysia đang vận động hành lang nhằm chống lại việc bị xếp vào danh sách có rủi ro cao, do lo ngại điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của những nước này.
Đối với Việt Nam, hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, như cà phê và đồ gỗ, được nhận định sẽ chịu tác động từ các quy định mới của EU. Đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào EU đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.
Theo dõi thông tin thị trường cà phê trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực kiểm soát hoạt động phá rừng trong chuỗi cung ứng của họ trong thời gian qua. Tuy nhiên, các chính sách chống phá rừng tự nguyện của các doanh nghiệp không đạt được kết quả như kỳ vọng. Các chuyên gia nhận định vì quy định mới được thực thi bởi các cơ quan chức năng của EU nên có thể tạo ra sự “khác biệt” trong cuộc chiến chống phá rừng hiện nay.
“Chống phá rừng là nhiệm vụ cấp bách của thế hệ này và là di sản to lớn để lại cho thế hệ sau”, Frans Timmermans, đặc phái viên về khí hậu của EU đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói khi EU đạt được thỏa thuận về Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) hồi tháng 12/2022.
Theo phân tích của ngân hàng Barclays, các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh như cà phê, ca cao, dầu cọ và đậu nành có thể phải chịu chi phí tuân thủ lớn từ các yêu cầu báo cáo vị trí địa lý chính xác của nơi sản phẩm được sản xuất, cũng như khả năng phải tổ chức lại chuỗi cung ứng để tuân thủ các quy định mới của EU.
Các chuyên gia cũng cảnh báo các quy định của EU sẽ trở nên chặt chẽ hơn theo thời gian. EU sẽ xem xét mở rộng danh sách các sản phẩm chịu sự chi phối của các quy định mới theo định kỳ.
Đáng chú ý, một số quốc gia cũng đang dự kiến đưa chính sách chống phá rừng như một điều kiện kinh doanh bắt buộc. Điển hình, tại Hoa Kỳ, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đang thúc đẩy những quy định tương tự như của EU vào Đạo luật Lâm nghiệp. Thượng nghị sĩ Brian Schatz, người đang dẫn đầu nỗ lực này, cho rằng Hoa Kỳ cần theo tiếp bước EU trong việc ban hành các quy định về thương mại chống phá rừng.
Ông Brian Schatz nhấn mạnh “Nếu Hoa Kỳ không làm gì, thị trường Hoa Kỳ sẽ trở thành bãi rác cho những hàng hóa không còn đường vào châu Âu”.