Luật Công đoàn hiện hành bất cập: Cần sửa đổi, bổ sung những gì?
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn, cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới, cơ chế giám sát minh bạch...
Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ...
Song, sau hơn 10 năm thực hiện Luật đã cho thấy những bất cập cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Tại kỳ họp thứ 7 này, Quốc hội đang tiếp tục bàn thảo nhằm hoàn thiện hơn đạo luật này.
Nhiều bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn hiện hành bộc lộ những hạn chế trước yêu cầu của tình hình mới, như: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, một số quy định về tài chính công đoàn chưa được bổ sung cụ thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch; cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao…
Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang xây dựng có bố cục gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” nhằm bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời bổ sung vấn đề gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này.
Về đối tượng áp dụng, ngoài đối tượng theo Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (đối với việc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam và chia sẻ kinh phí công đoàn).
Dự thảo luật cũng bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và đề xuất 2 phương án phân chia kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo đó, phương án 1 phân phối 2% kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nếu có. Phương án 2 là phân phối khoản thu 2% theo tỷ lệ 25/75 (25% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng; 75% còn lại sẽ phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo từng trường hợp).
Nếu doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở thì được phân phối toàn bộ 75%. Nếu doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động thì sẽ được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn. Khi doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên tạm giữ toàn bộ 75% kinh phí trên.
Dự thảo sửa đổi nhiều nội dung
Tại tờ trình dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong các nguồn thu cho tổ chức này hoạt động, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng chiếm 57-64%, đoàn phí do người lao động đóng 25-27%, nguồn thu khác 11-16% và ngân sách nhà nước khoảng 1%.
Trong khi đó, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết giai đoạn 2013-2019, khoảng 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; còn lại chi cho lương, phụ cấp và quản lý hành chính.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công năm 2019 của Tổng liên đoàn, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 hơn 20.200 tỷ đồng nhưng chỉ 46% được sử dụng chăm lo trực tiếp cho người lao động. Tỷ lệ chi trực tiếp chủ yếu ở cấp công đoàn cơ sở, nếu ở công đoàn cơ sở là 99% thì ở công đoàn cấp trên cơ sở là 68%; liên đoàn lao động cấp tỉnh thành là 45% và ở Tổng Liên đoàn chỉ trên 8%.
Đại diện Ủy ban Xã hội cho biết quá trình thẩm tra, thành viên Ủy ban vẫn còn hai loại ý kiến. Những người đồng ý với phương án 1 đề nghị Chính phủ phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế để quy định chi tiết.
Còn những thành viên đồng tình phương án 2 cho rằng việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thể hiện sự công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Báo cáo Thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay đa số ý kiến thành viên Ủy ban, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Về phạm vi sửa đổi Luật và tên gọi của dự án Luật, Ủy ban Xã hội nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật và thấy rằng còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như: xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào ngày 18/6./.
So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chủ yếu: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới...