Luật Công nghiệp công nghệ số góp phần giải bài toán phát triển trong kỷ nguyên mới
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm mục tiêu cụ thể hóa đầy đủ chủ trương về phát triển công nghiệp số, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các bài toán phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Hầu hết các ý kiến đều tán thành sự cần thiết ban hành luật này cũng như đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ban soạn thảo.
Luật mới hoàn toàn phải làm theo cách mới
Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành với Chính phủ về việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển và hình thành quá trình xác lập phương thức sản xuất mới, tiên tiến, hiện đại, mở ra phương thức trong quản trị xã hội.
Qua đó góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ban soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật rất công phu, cơ bản đáp ứng được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhất trí với ý kiến thẩm tra.
Lưu ý đây là luật rất mới, thuộc một lĩnh vực rất chuyên sâu và đây cũng là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, bà Thanh đề nghị dự luật phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và công nghệ số bứt phá; tạo nền tảng đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả và làm chủ các công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0...
“Tất cả các mục tiêu trên nhằm cụ thể hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp số, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các bài toán phát triển Việt Nam của chúng ta trong kỷ nguyên mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng Luật Công nghiệp công nghệ số là mới hoàn toàn nên phải làm theo cách mới. Những gì theo thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định trong luật này, còn những vấn đề thuộc nghị định của Chính phủ, thuộc thông tư của các bộ thì các bộ sẽ ban hành. Chính vì thế, quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện luật này sẽ có điều kiện chỉnh sửa dễ hơn.
Ông ghi nhận cơ quan soạn thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông dày công chuẩn bị luật này hơn 1 năm nay; cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã vào cuộc thẩm tra.
"Có thể khẳng định đây là luật khó, phức tạp, cần phải bám vào chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hóa. Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục rà soát, làm sao tạo lập hành lang pháp lý cho triển khai mô hình lao động, việc làm mới trên nền tảng công nghệ số”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh và lưu ý, dự thảo Luật phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đánh giá rất cao cơ quan soạn thảo đã nỗ lực để chuẩn bị hồ sơ của dự án luật. Đây là một dự án luật mới, rất khó và liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, ông Tùng nhận xét ban soạn thảo có sự nghiên cứu rất công phu, có tham khảo tài liệu của nước ngoài, hệ thống quy định pháp luật của nước ngoài, cũng như rà soát đối với hệ thống pháp luật trong nước, quy định của các luật có liên quan.
"Bước này rất đáng trân trọng, đáp ứng được nhiều yêu cầu đặt ra, đặc biệt là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá.
Lần đầu tiên đề cập tài sản số trong luật
Đi vào nội dung cụ thể quy định tài sản số, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ về quyền tài sản.
“Tôi đồng tình với việc đưa ra khái niệm về tài sản số trong luật này, tuy nhiên phải nghiên cứu để đồng bộ với Bộ luật Dân sự nói về tài sản”, bà Thanh lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn Bộ luật Dân sự chỉ quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, trong khi tài sản số chưa được phân loại thuộc những tài sản quy định trong Bộ luật Dân sự.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, tài sản số là một trong những nội dung quan trọng của dự luật, trong đó việc định nghĩa tài sản số được nêu tại khoản 1, Điều 14.
“Đây là lần đầu tiên khái niệm tài sản số được đưa vào văn bản pháp lý. Vì vậy tôi đề nghị thận trọng rà soát, cân nhắc, quy định khái niệm tài sản số vào dự thảo Luật, rà soát kỹ về khái niệm và đảm bảo được quy định đồng bộ trong các luật có liên quan”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị làm rõ các quy định liên quan tới việc sở hữu tài sản số, tranh chấp tài sản số như thế nào để đảm bảo sự tương thích, tương đồng với các luật khác.
“Ví dụ tài sản số thì người vợ có thể sở hữu một phần tài sản, một khoản tài sản số nào đấy trong hôn nhân, quản lý như thế nào? Đề nghị các đồng chí rà soát, tôi thấy đây là vấn đề rất khó và liên quan đến rất nhiều lĩnh vực”, bà Hải nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua rà soát cho thấy đây đúng là lần đầu tiên đề cập về tài sản số trong một đạo luật của Quốc hội.
“Nếu luật này không đề cập đến tài sản số thì có lẽ rất thiếu, vì đây là một xu hướng mới và xu hướng phát triển của thế giới, nếu chúng ta không ghi nhận thì sẽ không có luật nào phù hợp để ghi nhận về tài sản số”, ông Tùng nêu thực tiễn.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật lưu ý phải rà soát thêm, bởi vì phải gắn với Bộ luật Dân sự. Hiện nay Bộ luật Dân sự quy định rất cụ thể về tài sản, đấy là một chế định rất cơ bản của pháp luật dân sự để đảm bảo tính đồng bộ.
“Tôi đề nghị chỗ này nghiên cứu thêm để có sự kết nối với Bộ luật Dân sự và pháp luật về sở hữu trí tuệ để xử lý đồng bộ và thống nhất tinh thần quy định nguyên tắc. Bởi vì việc này còn phát triển và bản thân thế giới đang mày mò, cho nên chúng ta chưa đủ cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở khoa học để có thể nghiên cứu, quy định một cách chi tiết trong này, sẽ lỗi thời”, ông Tùng gợi mở.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ cùng với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nghiên cứu kỹ, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Công nghệ thông tin thì nhiều nước có, nhưng tách riêng phần công nghiệp ra để làm một luật về công nghiệp công nghệ thông tin thì chỉ có một số nước, đa số là những nước gần đây ''hóa rồng, hóa hổ'' và họ muốn tách phần công nghiệp ra thành một luật riêng để phát triển nhanh lĩnh vực đó.
Về Luật Công nghiệp công nghệ số hầu như chưa nước nào có, mặc dù công nghệ số đã bắt đầu phổ biến, thay thế dần cho công nghệ thông tin, nhưng chưa có nước nào bắt tay vào làm việc này.
“Đất nước chúng ta ra được luật này là tiên phong trên thế giới. Việt Nam có thể đi đầu ngay từ đầu, không nhất thiết phải theo kịp, đi cùng rồi mới vượt lên”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Riêng về quy định tài sản số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, dự thảo Luật đưa ra định nghĩa và nguyên tắc quản lý, cho một vị trí pháp lý để sau đó giao Chính phủ quy định chi tiết, vì lĩnh vực này đang thay đổi rất nhanh.